Giáo dục và đào tạo

Trường học “đỏ mắt” tìm giáo viên

THẾ ANH - ĐỖ QUYẾT 22/08/2024 11:00

Năm học mới 2024-2025 đã cận kề nhưng nhiều trường vẫn “đỏ mắt” tìm giáo viên. Đây là tình trạng chung không chỉ ở Hải Dương, các trường đang nỗ lực khắc phục để bảo đảm chất lượng giáo dục.

673face1-60a0-42ef-80d1-bab600e149b8(1).jpeg
Thiếu giáo viên, nhiều cô giáo của Trường THCS Tiên Động (Tứ Kỳ) phải vất vả dạy tăng tiết

“Khan hiếm” giáo viên

Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Thanh Tùng (Thanh Miện) còn thiếu 4 giáo viên theo chỉ tiêu biên chế giao, trong đó có 2 giáo viên tiếng Anh và 2 giáo viên văn hóa. Do không tìm được giáo viên văn hóa nên trường phải tiếp tục hợp đồng với 1 giáo viên đã nghỉ hưu.

Cô giáo Trần Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Tùng cho biết dù đã “đỏ mắt” tìm giáo viên nhưng không có nguồn tuyển. Khó khăn lắm mới vận động được 1 giáo viên nghỉ hưu ký hợp đồng. “Tạm thời năm học tới đã cơ bản sắp xếp ổn giáo viên nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn. Tất cả vì học sinh, vì chất lượng giáo dục nên phải tìm cách để giải quyết tình thế”, cô giáo Thuỷ nói.

Trường Tiểu học Thanh Tùng đã khó thì Trường Tiểu học Đoàn Tùng (Thanh Miện) còn khó hơn. Cô Thuỷ cho biết thêm: “Sắp tới tôi luân chuyển tới làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Tùng. Qua nắm bắt, cả trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, trong khi cần ít nhất 2 giáo viên tiếng Anh. Nhưng hiện không thể tìm được nguồn hợp đồng. Tôi đã tính trước mắt sẽ phải dồn lớp hoặc ưu tiên dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 trở lên”, cô giáo Thuỷ chia sẻ.

Tại Trường THCS Tiên Động (Tứ Kỳ), Ban giám hiệu cũng “đỏ mắt” tìm nguồn giáo viên nhưng không có. Năm học này trường vẫn thiếu 6 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên đã xảy ra 3 năm nay. Dù đã tuyển dụng nhưng mỗi năm cũng chỉ được 1-2 giáo viên do không có nguồn tuyển.

Trường đã tìm nhiều cách để có giáo viên dạy. Với môn toán và môn sinh học, giáo dục thể chất, giáo viên phải dạy tăng từ 19 lên 28-29 tiết/tuần. Cả trường không có giáo viên môn địa lý. Vì vậy, cả môn địa lý, tin học, hóa học, mỹ thuật, trường phải hợp đồng với giáo viên có bằng cao đẳng đang học đại học và hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên một số trường THCS lân cận, thậm chí cả trường THPT trong huyện.

Tuy nhiên, việc hợp đồng thỉnh giảng khiến trường bị động và khó khăn trong sắp xếp đội ngũ. Các giáo viên đều đã dạy tăng tiết, có thời điểm lãnh đạo trường cũng dạy hỗ trợ. Việc chi trả kinh phí cho giáo viên hợp đồng cũng cao hơn quy định mới giữ chân được họ. Có giáo viên trúng tuyển vào trường nhưng được một thời gian lại bỏ nghề. Có nguồn hợp đồng nhưng giáo viên lại chưa đủ điều kiện về bằng cấp.

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường ở Hải Dương cùng chung tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, các trường đều phải nỗ lực “co kéo”, khắc phục với quan điểm có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

“Giật gấu vá vai”

57497bd1-a022-4c9f-a3ad-0579cc95b56e(1).jpeg
Trường Tiểu học Thanh Tùng (Thanh Miện) đang phải hợp đồng với cả giáo viên đã nghỉ hưu để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Toàn tỉnh hiện còn thiếu nhiều giáo viên theo chỉ tiêu biên chế giao. Trong đó, tất cả các địa phương đều thiếu giáo viên ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Riêng các trường THPT cơ bản ổn định, số lượng thiếu giáo viên không nhiều.

Theo chỉ tiêu biên chế giao, huyện Kim Thành còn thiếu hơn 300 giáo viên. Thị xã Kinh Môn thiếu 134 giáo viên, trong đó mầm non 60 người, tiểu học 24 người, THCS 50 người. Huyện Tứ Kỳ thiếu 113 giáo viên, trong đó mầm non 11 người, tiểu học 43 người, THCS 59 người. Huyện Thanh Miện còn thiếu khoảng 100 giáo viên, nhiều nhất là giáo viên tiểu học. Huyện Thanh Hà còn thiếu hơn 70 giáo viên…

Thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, giáo viên văn hóa, giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học và giáo viên THCS dạy môn tích hợp, tin học và tiếng Anh. Theo một số hiệu trưởng nhà trường, việc thiếu giáo viên mầm non còn có thể "co kéo" được vì 1 giáo viên cũng có thể trông trẻ. Nhưng với cấp tiểu học và THCS thì không thể không có giáo viên vì liên quan đến truyền đạt kiến thức, bảo đảm chương trình học và chất lượng giáo dục. Dù khó khăn đến mấy các trường cũng phải tìm nhiều cách, “giật gấu vá vai” để khắc phục trong khi chờ tuyển dụng được giáo viên.

Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm qua. Hợp đồng giáo viên, giáo viên dạy liên trường, thậm chí là hợp đồng giáo viên đã nghỉ hưu là những giải pháp mà các địa phương đã và đang thực hiện để khắc phục tình trạng này.

Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho biết năm học trước, toàn huyện đã chỉ đạo các trường hợp đồng với 22 giáo viên. Năm học này sẽ tiếp tục hợp đồng với những giáo viên này, đồng thời tổ chức hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên liên trường, giáo viên đã nghỉ hưu.

Còn theo đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện, năm học này sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tìm giáo viên mới ra trường để hợp đồng; giáo viên dạy liên trường hoặc hợp đồng theo tiết dạy và giáo viên đã nghỉ hưu.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, hiện chưa có số liệu chính xác về số lượng giáo viên còn thiếu theo quy định mới của Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT đối với vị trí việc làm ở bậc học mầm non, phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ đang tích cực phối hợp rà soát, thống kê số liệu, tiến hành hội thảo để làm căn cứ tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển dụng biên chế trong thời gian sớm nhất. Tạm thời các địa phương và các trường cần nỗ lực có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Không nên thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với giáo dục

Dù thiếu giáo viên nhưng hằng năm, toàn ngành giáo dục vẫn phải tinh giản biên chế. Được biết, giai đoạn 2023-2026 toàn ngành giáo dục Hải Dương phải giảm hơn 2.000 biên chế.

Như năm 2023, toàn ngành tuyển dụng 1.353 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 708 biên chế. Nguyên nhân chính do không có nguồn tuyển. Tuyển chưa đủ biên chế được giao nhưng ngành giáo dục đang phải đối mặt với bài toán tinh giản biên chế, khiến đội ngũ đã thiếu lại càng thiếu hơn. Giáo viên sẽ càng phải gánh nhiều hơn khối lượng và trách nhiệm công việc, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Giáo dục là ngành đặc thù, vì vậy cần xem xét không nên cứng nhắc thực hiện việc tinh giản biên chế đối với ngành này, đồng thời cần thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức theo hướng chia theo từng khu vực, vùng miền. Cần nghiên cứu không tinh giản biên chế đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, đông dân nhằm bảo đảm đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu học sinh tăng cao.

Cần nghiên cứu thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp, trước mắt có thể xem xét không tinh giản biên chế với cấp học nào thiếu nhiều giáo viên nhất. Không nên tinh giản biên chế 10% “cào bằng” giữa các địa phương và khu vực. Tinh giản những vị trí không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn)

Tạo điều kiện hợp đồng với giáo viên chưa đủ điều kiện bằng cấp

Sau khi tìm hết nguồn giáo viên hợp đồng như giáo viên nghỉ hưu, giáo viên thỉnh giảng, giáo viên tại đơn vị dạy tăng tiết thì nhiều trường phải tìm đến những giáo viên mới chỉ có bằng cao đẳng.

Xét trong bối cảnh thực tế thì nếu tìm được giáo viên mới có trình độ cao đẳng dạy học sinh để giải quyết tình thế cũng rất hữu ích. Qua thực tiễn, những giáo viên mới có bằng cao đẳng dạy học cũng rất chất lượng.

Theo quy định thì giáo viên dạy tiểu học và THCS phải có trình độ đại học. Vì vậy, cần xem xét, tạo điều kiện để các trường tiểu học, THCS không còn giải pháp nào khắc phục tình trạng thiếu giáo viên sẽ hợp đồng với những giáo viên chưa có bằng đại học. Sau khi vào dạy hợp đồng sẽ động viên, khuyến khích họ học tiếp lên đại học. Đặc biệt cần có cơ chế thu hút, đãi ngộ những người này như được hưởng quyền lợi đóng bảo hiểm xã hội...

Nếu cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng sẽ phù hợp với tình hình hiện tại. Việc này sẽ tận dụng được nguồn giáo viên trước đây chưa đi dạy do gặp vấn đề về bằng cấp. Từ đó giúp họ có cơ hội được trở lại cống hiến cho ngành giáo dục. Mặt khác sẽ tạo thêm nguồn tuyển dụng để các địa phương ngay lập tức lấp khoảng trống thiếu giáo viên, đáp ứng đủ đội ngũ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thầy giáo Nguyễn Minh Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Tiên Động (Tứ Kỳ)

Cần có giải pháp thu hút, “giữ chân” giáo viên

Nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên nghỉ việc, bỏ việc do thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống. Nếu không giải quyết căn cơ vấn đề này, sẽ có nhiều giáo viên bỏ nghề hoặc làm thêm để bảo đảm cuộc sống.

Mức lương của giáo viên hiện trung bình 5-7 triệu đồng/tháng/người. Đây là mức lương không cao, công nhân lao động phổ thông cũng có thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng. Vì vậy, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Để giữ chân giáo viên bám trụ với nghề, cần có giải pháp tổng thể, dài hơi và mang tính bền vững. Theo đó, cần tiến hành cải cách tiền lương theo hướng ưu tiên tính chất đặc thù của nghề dạy học; có cơ chế, chính sách tăng thu nhập để giảm nỗi lo cơm áo, gạo tiền cho giáo viên. Mặt khác, cần cải thiện điều kiện làm việc, mỗi cơ sở giáo dục xây dựng môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để giáo viên có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường.

Anh Trần Văn Phong, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương)

THẾ ANH - ĐỖ QUYẾT