Thị trường

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm khả nghi trên thị trường Hải Dương

PV 21/08/2024 11:00

Hiện nay, mỹ phẩm được bày bán từ các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm "xách tay", nhập khẩu cho đến cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh, từ bán trực tiếp cho đến các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Người tiêu dùng như rơi vào "ma trận", khó phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng khi mua mỹ phẩm bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sắc đẹp
Người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng khi mua mỹ phẩm bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sắc đẹp

“Vàng thau lẫn lộn”

Tại một cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo, túi xách, phụ kiện ở thị trấn Gia Lộc có rất nhiều khách hàng đến mua sắm, chủ yếu là người trẻ. Khu vực bày bán mỹ phẩm của cửa hàng có nhiều loại sản phẩm như từ phấn má, son môi, phấn mắt, kem dưỡng da cho đến thuốc nhuộm tóc, xịt tóc… do Việt Nam sản xuất hoặc ghi xuất xứ từ nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Tuy nhiên, phần lớn những tuýp, chai, lọ mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thông tin về đơn vị nhập khẩu theo quy định.

Tương tự, tại một cửa hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩm ở đường Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương), theo quan sát của chúng tôi, các thông tin sản phẩm thể hiện bằng tiếng nước ngoài nhưng phần lớn không có tem, nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Chủ cửa hàng này cho biết, các loại mỹ phẩm này là hàng "xách tay" và nhập khẩu.

Trong vai một người tiêu dùng có nhu cầu mua mỹ phẩm, chúng tôi tìm đến chợ Thanh Bình (TP Hải Dương). Tại một ki ốt bán mỹ phẩm và phụ kiện, người bán hàng giới thiệu cho chúng tôi son MAC (một trong những thương hiệu son nổi tiếng trên thế giới). Tại đây có 2 loại son MAC, một loại có giá 350.000 đồng/thỏi và một loại chỉ 100.000 đồng/thỏi. Ki-ốt này còn một số loại mỹ phẩm của các hãng nổi tiếng như Chanel, Gucci... được bán từ hơn 100.000 - 400.000 đồng/sản phẩm. Khi tìm hiểu thông qua trang website của MAC, những cửa hàng chính hãng của thương hiệu này trên sàn thương mại điện tử, giá trung bình của một thỏi son phổ biến từ 470.000-900.000 đồng.

my-pham-2(1).jpg
Ki-ốt kinh doanh mỹ phẩm tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) bày bán nhiều loại mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng thế giới với mức giá rẻ giật mình

Từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hải Dương (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm mỹ phẩm vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi (mua hàng xách tay, thuê gia công, không có cửa hàng kinh doanh cố định) gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Các đối tượng thường có thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Xu hướng vận chuyển hiện nay không qua đường mòn, lối mở mà chuyển sang dịch vụ chuyển phát, để trà trộn hàng hóa vi phạm trong quá trình vận chuyển. Lợi dụng hình thức kinh doanh online để bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử... Thực trạng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến sự ổn định, lành mạnh của môi trường kinh doanh ở Hải Dương.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh các mặt hàng thuộc nhóm hàng mỹ phẩm thông qua hình thức thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm định, giám định đối với nhóm hàng mỹ phẩm hiện gặp nhiều khó khăn, quy định về xử lý hàng hóa vi phạm sau tịch thu (bán thanh lý hay tiêu hủy) chưa rõ ràng.

Nhiều sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ tại nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt tại một cửa hàng ở thị trấn Gia Lộc
Nhiều sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ tại nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt tại một cửa hàng ở thị trấn Gia Lộc

Trong năm 2023 và quý I/2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hải Dương đã xử lý 30 vụ vi phạm thuộc nhóm hàng mỹ phẩm. Trong đó có 1 vụ buôn lậu, 2 vụ hàng giả, 27 vụ gian lận thương mại. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 29 vụ với tổng số tiền phạt hơn 232 triệu đồng; chuyển 1 vụ sang xử lý hình sự.

Mới đây, đầu tháng 8/2024, Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã quyết định xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hương ở đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy số mỹ phẩm nhập lậu trị giá gần 36 triệu đồng. Qua kiểm tra ngày 30/7, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hải Dương) phát hiện chị Hương buôn bán 262 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, trong đó có 55 chai sữa dưỡng ẩm và chống nắng Hatomugi SPF31 (loại 250ml), nhiều tuýp sữa rửa mặt Hatomugi loại 130g, 170g cả màu xanh, màu trắng; 50 tuýp sữa rửa mặt Senka (loại 120g tuýp màu hồng) và 70 hộp thuốc nhuộm tóc Bigen (hộp gồm 2 tuýp 40g/tuýp).

Trước đó tháng 5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Kinh Môn đã khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả. Vụ việc do Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương) phát hiện qua kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất mỹ phẩm của bà Nguyễn Thị Liên ở phường An Lưu (Kinh Môn). Tại đây đã phát hiện gần 2.700 sản phẩm (hộp, lọ) thành phẩm, gần 600 sản phẩm (gói, lọ) bán thành phẩm, trên 270 kg nguyên liệu dạng dung dịch lỏng, 24 kg tem, phiếu bảo hành, 180 kg vỏ bao bì, hộp, chai, lọ các loại cùng với một số máy khò màng co, ép nhiệt, bọc màng co nhiệt, dụng cụ chiết rót; bao bì, tem nhãn để phối trộn, sản xuất, sang chiết, đóng gói mỹ phẩm ghi nhãn của một số cơ sở trong và ngoài nước nhằm bán kiếm lời.

my pham
Vụ sản xuất mỹ phẩm giả tại thị xã Kinh Môn đã được phát hiện và chuyển sang xử lý hình sự (ảnh cơ sở cung cấp)

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương) Vũ Minh Hải, các vụ hàng hóa thuộc nhóm mỹ phẩm vi phạm chủ yếu là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu và hàng giả. Các sản phẩm mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sắc đẹp nên khi lựa chọn, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng. Khi mua mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, một trong những yếu tố để sàng lọc ban đầu là phải có thông tin của đơn vị nhập khẩu, nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng. Đối với những loại mỹ phẩm có thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng lại có giá rẻ giật mình, người tiêu dùng cần cảnh giác bởi tiền nào của nấy, sản phẩm đã có các phân khúc giá rõ ràng. Trên thực tế, một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do thói quen thích sử dụng hàng ngoại, hàng giá rẻ nên vẫn chấp nhận.

Các hãng mỹ phẩm chính hãng cũng cần hướng dẫn người tiêu dùng, người kinh doanh nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả để tránh thiệt hại kinh tế, phát triển doanh nghiệp cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Nhãn hàng hóa của các loại mỹ phẩm phải rõ ràng, sắc nét, không lem nhem, mờ nhòe. Người tiêu dùng nên chọn mua mỹ phẩm ở những siêu thị, cửa hàng uy tín. Nếu mua mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử cần lựa chọn các cửa hàng chính hãng, không nên mua mỹ phẩm qua mạng xã hội bởi việc truy xuất nguồn gốc, thông tin hạn chế.

PV