Người Hải Dương xa quê

Chuyện về một "nữ tướng" của Agribank quê Hải Dương nặng lòng với nông nghiệp, nông thôn

PHONG TUYẾT 19/08/2024 13:00

Ký ức những ngày chạy lụt, thiếu thốn ở quê ngoại Tứ Kỳ (Hải Dương) hằn sâu trong tâm trí, là động lực giúp bà Nguyễn Thị Phượng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Agribank đồng hành với nông dân và những miền quê nghèo khó suốt 33 năm qua.

img_5060.jpeg
Bà Nguyễn Thị Phượng (bên trái) ủng hộ hàng trăm triệu đồng tu sửa, trồng cây ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hà Thanh (Tứ Kỳ)

Những ngày ở Hà Thanh

Bà Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1968, quê ngoại ở thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ). Nhìn lại 33 năm làm việc, gắn bó ở Agribank, bà Phượng chia sẻ rằng chính tuổi thơ gắn liền với sự khó khăn, lớn lên cùng những người nông dân đã hun đúc trong bà tình cảm, khát vọng đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng hồi nhỏ bà Phượng thường được về quê ở xã Hà Thanh, sống ở ngôi làng ngoài bãi sông Luộc trong những ngày giặc đánh phá Thủ đô hoặc dịp nghỉ hè. Bà ngoại, cậu của bà Phượng đều là những người nông dân chất phác, hiền lành ở làng Tri Lễ. Từ ngày nhỏ xíu, bà Phượng đã chứng kiến cảnh trống đánh liên hồi báo hộ đê.

"Mùa lũ, bà ngoại, cậu cùng những người nông dân lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chạy lụt. Hồi đó tôi chỉ là cô bé vài ba tuổi, tuy không giúp được gì trong những ngày nước mấp mé ngoài đê nhưng cũng được chứng kiến cảnh bà và cậu cùng người dân trong làng vất vả ra sao. Những ký ức đó đã hằn sâu trong tâm trí tôi từ bấy giờ", bà Phượng hồi tưởng.

Có lần nước ngập vào làng, bà Phượng đang ở Hà Nội. Lúc đó còn nhỏ nhưng bà vẫn nhớ cảnh người ở quê báo lên lũ lụt ngập, mất trắng rồi. Ở Thủ đô thời gian đó cũng khó khăn lắm nhưng mẹ bà Phượng đã gom hết những gì có thể để gửi về quê cho mọi người.

Ký ức ở quê của bà Phượng không chỉ có những ngày chạy lụt, đói khổ như thế mà có cả những ngày bình yên được ra đồng chơi gặp người nông dân dỡ khoai, ngô, trồng mía ngoài bãi sông. Đó là những người nông dân hiền hoà, thấy bà Phượng về lại bảo "em bé Thủ đô về à, ra cho cây mía mang về này".

"Có lúc ở Hà Nội khó khăn, ở quê cũng thiếu thốn nhưng vụ nào cậu cũng gửi lên cho các cháu ít gạo mới. Cái hương của cái bát cơm được nấu mà không bị độn cái gì ý, nhớ lắm", bà Phượng xúc động chia sẻ.

Quê hương Hà Thanh đã nuôi dưỡng, ôm ấp tâm hồn, con người bà Phượng lớn lên như thế, là một tiền đề quan trọng để bà thấu hiểu và quyết tâm, nỗ lực không ngừng để gắn bó đồng hành với người nông dân trong suốt 33 năm ở Agribank - ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực đầu tư phát triển kinh tế “tam nông”.

Nặng lòng với Hải Dương và những miền quê

img_8349.jpeg
Trong buổi gặp mặt với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, bà Phượng (thứ tư từ trái sang) khẳng định các cung đường liên huyện, liên xã dù mưa trơn trầy trượt vẫn in bánh của những chuyến xe Agribank

Bà Phượng vừa nghỉ hưu hồi đầu tháng 8 khi đang là Phó Tổng Giám đốc Agribank sau 33 năm công tác từ khi ra trường là một thủ khoa Học viện Ngân hàng. Trò chuyện với phóng viên Báo Hải Dương, một số cán bộ bộ phận truyền thông Agribank cho biết những hoạt động thiện nguyện, hình ảnh an sinh xã hội của Agribank đều gắn liền với chị Phượng.

Là một Phó Tổng Giám đốc Agribank, hình ảnh của bà Phượng gắn liền với hoạt động ở những miền quê khó khăn trên khắp cả nước. Với tâm niệm nông dân là khách hàng, nông thôn là địa bàn, nông nghiệp là lĩnh vực hoạt động, bà Phượng là người đặt nền móng cho những chương trình phát triển nông nghiệp sạch, vì tương lai xanh, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Ngày 8/3/2022, bà Phượng vinh dự đại diện 21.000 chị em nữ lao động toàn hệ thống Agribank phát biểu trong buổi gặp mặt của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với cán bộ nữ ngành ngân hàng. Bà Phượng đã nói rằng "trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thiên tai hay dịch bệnh, các cung đường liên huyện, liên xã mưa trơn trầy trượt vẫn in bánh của những chuyến xe Agribank".

img_5067.jpeg
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), bà Phượng tặng quà cho nhiều người khó khăn ở xã Hà Thanh từ kinh phí cá nhân

Và bà Phượng đã thực sự đi. Người phụ nữ ấy đã đi đến các vùng quê nghèo khó cùng nông dân vùng núi, ngư dân miền biển và 7 lần đến với Trường Sa. Ở tuổi U60, bà Phượng vẫn giữ phong thái nhanh nhẹn, dáng người cao khoẻ, bước đi dõng dạc, giọng nói rõ ràng. Có lẽ cũng bởi vậy mà cán bộ, nhân viên Agribank thường gọi "nữ tướng" khi nhắc về bà Phượng.

Đặc biệt, là người con quê hương Hải Dương, bà Phượng luôn nặng lòng hướng về quê hương. Hầu như năm nào bà Phượng cũng tổ chức một hoạt động tri ân, thiện nguyện ở Hải Dương. Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), bà Phượng cùng Công đoàn Agribank đã về dâng hương tại Đài liệt sĩ TP Hải Dương và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân người có công, chăm lo gia đình chính sách ở xã Hà Thanh. Gia đình bà Phượng đã đóng góp hàng trăm triệu đồng tu sửa, mua cây trồng quanh nghĩa trang liệt sĩ xã Hà Thanh và tặng 30 triệu đồng cho 6 gia đình khó khăn từ kinh phí cá nhân.

img_8369.jpeg
Bà Phượng đã tổ chức một chuyến đi cho các cựu chiến binh, người thân ở làng đi tham quan những địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa lịch sử ở Hà Nội

Giai đoạn quê nhà xây dựng nông thôn mới nhưng gặp khó khăn, bà Phượng đã vận động và cùng Công đoàn Agribank hỗ trợ 5 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Hà Thanh. Trước đó, bà Phượng từng đưa đoàn bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 200 thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc màu da cam, người già trên 80 tuổi ở xã Hà Thanh.

Năm 2021, bà Phượng tổ chức một chuyến đi cho các cựu chiến binh, người thân ở làng đi tham quan Lăng Bác, nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà Quốc hội... Ai cũng vui và xúc động vì cả đời có thể chỉ một lần được đi như vậy.

Nay nghỉ hưu, bà Phượng vẫn ấp ủ và sẽ thực hiện nhiều dự định, kế hoạch ý nghĩa ở Hải Dương và những miền quê, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bà Phượng cũng luôn giáo dục các con, các cháu về gốc gác quê hương, gắn bó, gần gũi và phải trân quý những người nông dân chân chất.

PHONG TUYẾT