Việc tử tế

Phi công kể thời khắc bay vào vùng mưa lũ "giải cứu" thai phụ chờ sinh

VN (theo Vietnamnet) 18/08/2024 06:21

Trong nhiều trận mưa lũ lịch sử, những người lính không quân nhân dân Việt Nam đã bay vào vùng bị chia cắt, cô lập để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ người dân.

Những ngày này tại sân bay Hòa Lạc (Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) luôn rộn rã tiếng động cơ trực thăng của những ban bay luyện tập cho Hội thao tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không năm 2024.

Hội thao có sự tham gia của lực lượng từ 3 Sư đoàn Không quân 370, 371 và 372 cùng 5 đội tìm kiếm cứu nạn trên không. Các đội sẽ phải trải qua bài thi lý thuyết và thực hành cứu hộ, cứu nạn đường không.

W-may bay fb2.jpg
Máy bay số hiệu 7845 do Trung tá Nguyễn Xuân Chinh làm phi công lái chính, thực hiện cẩu kéo người bị nạn

Trong phần thực hành, các tổ bay và đội tìm kiếm cứu nạn đường không phải thực hiện bay cẩu vớt người bị nạn. Mỗi tổ, đội thực hiện nội dung bay cẩu 300kg và cẩu 150kg.

Tổ bay và các đội tìm kiếm cứu nạn trên không là những người lính dày dạn kinh nghiệm, trải qua nhiều cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong thực tế.

Đưa thai phụ từ vùng mưa lũ về Đà Nẵng chờ sinh

Tổ bay của Trung tá Nguyễn Xuân Chinh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 930 - đại diện cho Sư đoàn Không quân 372 (Quân chủng Phòng không - Không quân) sẽ tham gia hội thao.

12 năm là phi công lái chính với hơn 1.900 giờ bay tích lũy, Trung tá Nguyễn Xuân Chinh không nhớ hết những lần trực tiếp tham gia bay cứu hộ, cứu nạn.

Trung tá Nguyễn Xuân Chinh (bên trái) cùng phi công lái phụ sẵn sàng
thực hiện nhiệm vụ

"Do vị trí đóng quân, chúng tôi thường xuyên bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đối với tôi, mỗi chuyến bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đều để lại những cảm xúc và kỷ niệm rất riêng.

Ví như chuyến bay vào tháng 10/2020 tại khu vực tỉnh Quảng Nam, chúng tôi nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho bà con đang bị cô lập sau mưa lũ. Lúc bấy giờ, bà con đã bị cô lập gần 1 tuần, không còn con đường cứu hộ, cứu nạn nào khác ngoài đường không", Trung tá Nguyễn Xuân Chinh kể lại.

img_20201102_090659 1.jpg
Tổ bay của Trung đoàn Không quân 930 đưa người dân vùng lũ Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) lên máy bay để về TP Đà Nẵng điều trị

Điều đặc biệt của lần tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn này là tổ bay đã kịp thời đưa 1 cô giáo đang trong giai đoạn chờ sinh về Đà Nẵng.

"Sau khi chuyển hàng cứu trợ cho bà con, chúng tôi nhận được thông tin về một cô giáo đang trong giai đoạn chờ sinh mà do mưa lũ gây sạt lở, chia cắt đường nên không thể về được TP Đà Nẵng.

Người dân và các lực lượng khác ở địa phương đã giúp chúng tôi tìm một bãi đất rộng để đáp máy bay, đưa thai phụ cùng một số người già lên máy bay về Đà Nẵng", Trung tá Nguyễn Xuân Chinh nói.

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Chinh, niềm vui, xúc động với anh không chỉ từ việc hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn từ chính sự cổ vũ, động viên của bà con nhân dân.

"Tôi còn nhớ chuyến cứu trợ bà con trong vùng lũ lụt, tổ bay rất khó khăn trong việc xác định bãi đáp do cây cối um tùm, nhưng bà con nhân dân đã lấy cờ ở trường học để cắm và đứng xung quanh khu đất nhằm giúp phi công hạ cánh an toàn.

Chúng tôi cảm nhận được tình cảm của bà con nhân dân nên rất xúc động và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", Trung tá Nguyễn Xuân Chinh chia sẻ.

"Chìa khóa thành công" trong tìm kiếm cứu nạn là hiệp đồng tốt

Trực tiếp làm nhiệm vụ điều khiển tời, cẩu, Trung tá Hoàng Văn Oai - Trung đoàn Không quân 930 (Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không - Không quân) cho biết, để nhanh chóng tiếp cận các nạn nhân, mỗi thành viên trong tổ bay phải hiệp đồng, phối hợp nhuần nhuyễn với nhau.

W-HIEU2448.jpg
Trung tá Hoàng Văn Oai kiểm tra thiết bị cẩu trước khi làm nhiệm vụ
W-HIEU2489.jpg

"Trước khi cất cánh làm nhiệm vụ, công việc của tôi là kiểm tra, đánh giá tình trạng máy bay và các thiết bị tời, cẩu phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Dù đã nhiều lần làm nhiệm vụ, thuần thục động tác nhưng trước mỗi chuyến bay chúng tôi vẫn kiểm tra tỉ mỉ và bàn phương án kỹ lưỡng", Trung tá Hoàng Văn Oai nói.

Cũng theo vị kỹ sư cơ giới trên không này, tổ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phải hiệp đồng tốt với nhau thì công tác cẩu cứu nạn nhân mới nhanh chóng và an toàn tuyệt đối.

W-HIEU2598.jpg
Trung tá Hoàng Văn Oai thực hiện động tác cẩu người bị nạn từ mặt nước lên máy bay
W-HIEU2915.jpg
Các tổ bay sẽ thi bài cẩu đơn và cẩu 2 người

"Khi thực hiện nhiệm vụ thì không tránh khỏi các yếu tố tác động như gió, nhiễu động không khí... nên cán bộ, chiến sĩ thực hiện tời, cẩu phải thành thạo các động tác và phối hợp ăn khớp với phi công lái chính để không xảy ra sai sót", Trung tá Hoàng Văn Oai chia sẻ.

Cũng theo Trung tá Hoàng Văn Oai, mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, điều kiện thời tiết xấu để kịp thời cứu nạn, cứu trợ các nạn nhân.

VN (theo Vietnamnet)