Đẩy mạnh liên kết, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng nhanh, toàn diện, bền vững
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng nhanh, toàn diện, bền vững là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, với nhiều khó khăn, thách thức, kỳ vọng và trách nhiệm.
Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng nhằm đánh giá tình hình triển khai một số dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Hồng, rà soát cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế - xã hội.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các thành viên Hội đồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành dự hội nghị.
Đẩy mạnh phát triển, liên kết các vùng là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời luôn đau đáu về sự phát triển của các vùng; luôn nhắc nhở, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về liên kết, phát triển các vùng. Nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về các vùng và Chính phủ có các chương trình hành động, thành lập các hội đồng vùng. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục trao đổi, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển, liên kết các vùng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng nhanh, toàn diện, bền vững là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, với nhiều khó khăn, thách thức, kỳ vọng và trách nhiệm, góp phần hoàn thành Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng các cấp của các tỉnh, thành phố trong vùng đã đề ra.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu điều hành phải linh hoạt, hiệu quả, triển khai Quy hoạch và phát triển vùng phải đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Tuân thủ nghiêm và triển khai đồng bộ quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương. Phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể; tổ chức thực hiện quy hoạch khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, Trung ương và địa phương, Nhà nước và xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; phát triển kinh tế theo chiều sâu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất, liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế.
Nhiệm vụ của Hải Dương và các địa phương trong vùng
Theo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, có 18 nhiệm vụ, đề án cụ thể các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung thực hiện.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ, không để chậm hay kéo dài thời gian thực hiện các nhiệm vụ sang năm 2025. Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, cần báo cáo lại cấp có thẩm quyền lý do không hoàn thành, lý do gia hạn thời gian thực hiện.
Đổi mới tư duy điều phối, chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của vùng đồng bằng sông Hồng đối với các vùng lân cận theo tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh". Chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, xác định các mục tiêu sẽ đạt được, chưa đạt và khó đạt để có giải pháp phù hợp, phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả.
Cùng với đó, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị". Tập trung phát triển theo hướng 1 vùng động lực quốc gia (gồm: TP Hà Nội và các địa bàn dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), 2 tiểu vùng (phía bắc sông Hồng và phía nam sông Hồng), 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế trong nước và kết nối quốc tế (gồm các hành lang kinh tế).
Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Về công nghiệp, phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào chế biến, chế tạo; ưu tiên công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới... Về dịch vụ, phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, các dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế… Về nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng; phát triển các nguồn cung và lưới điện, nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hạ tầng thủy lợi...
Đẩy mạnh các hoạt động điều phối vùng, cụ thể là triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách khác; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; thúc đẩy đầu tư PPP, nhất là trong phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, đẩy mạnh chuyển đổi số, chia sẻ cơ sở dữ liệu.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm đưa vào chương trình làm việc của Hội đồng vùng để thảo luận, thống nhất triển khai trong thời gian tới, trong đó có chú ý nhiệm vụ về rà soát các cơ chế, chính sách về pháp luật, các cơ chế huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xử lý môi trường, triển khai các dự án cấp vùng.
Nhấn mạnh tinh thần tiến công trong triển khai các nhiệm vụ, nhất là với các mục tiêu chưa đạt thì phải có giải pháp tăng tốc, đột phá, Thủ tướng lưu ý các địa phương đặc biệt chú trọng thúc đẩy đầu tư công, triển khai thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cần chủ động rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ này, nhất là những chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt để có sự bứt phá, hoàn thành mục tiêu đại hội.
Về liên kết văn hóa, phát triển du lịch, 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang cần tích cực để Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản thế giới.