Bật đèn chiếu sáng ô tô như thế nào để an toàn, tránh bị cảnh sát giao thông xử phạt?
Khi lái xe vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu, nếu không bật đèn chiếu sáng ở chế độ thích hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến tầm quan sát, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và những phương tiện khác.
Bật đèn chiếu sáng ô tô vào lúc nào và bật ra sao tưởng chừng là điều đơn giản, đã được dạy trong mọi cơ sở đào tạo lái xe, nhưng không phải tài xế nào khi ra đường nào cũng áp dụng đúng.
Trên thực tế, khi lái xe vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu, nếu không bật đèn chiếu sáng ở chế độ thích hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến tầm quan sát, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và những phương tiện khác. Đồng thời, sử dụng đèn không đúng còn có thể bị CSGT xử phạt.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông phải sử dụng đèn chiếu sáng khi trời tối, lái xe trong điều kiện trời có sương mù, thời tiết xấu gây ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn hoặc khi đang lưu thông trong hầm đường bộ.
Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định, với hành vi điều khiển xe ô tô không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều,... sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, lái xe bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng với bất cứ trường hợp nào. Ngoài ra, với thời điểm nằm ngoài khung giờ trên nhưng thời tiết xấu (trời tối, sương mù, tầm nhìn hạn chế,...) hoặc đi vào đường hầm, lái xe cũng phải bật đèn để đảm bảo an toàn.
Tuy vậy, động tác "bật đèn chiếu sáng" thôi vẫn chưa đủ mà cần phải bật đúng loại đèn khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và những phương tiện khác.
Hiện, trên hầu hết các loại ô tô, đèn chiếu sáng sẽ gồm 2 chế độ chính là chiếu xa (hay được gọi là far-pha) và đèn chiếu gần (hay được gọi là cos-cốt), lái xe phải sử dụng một cách phù hợp.
Khoản 12, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, nghiêm cấm bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ.
Tương tự với lỗi "không bật đèn chiếu sáng" được nêu ở trên, với hành vi "sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư và chạy trong hầm đường bộ ", lái xe ô tô cũng sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng (theo khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Để đảm bảo an toàn, đồng thời tránh bị CSGT xử phạt, các chuyên gia lái xe có một số lời khuyên về việc sử dụng đèn chiếu sáng ô tô khi đi trên đường như sau:
- Chủ động bật đèn chiếu sáng ô tô khi trời tối, không nhất thiết phải đúng khung giờ theo quy định; nếu xe có đèn pha tự động (auto), nên sử dụng chế độ này để tránh quên;
- Trong thành phố, khu đông dân cư, luôn để "mặc định" công tắc đèn ở chế độ chiếu sáng gần (cos);
- Trên đường quốc lộ không có dải phân cách, có thể sử dụng đèn pha khi vắng xe và về cos ngay khi có xe đối diện hoặc đi sát phía sau của một xe khác;
- Trên đường cao tốc có dải phân cách giữa đủ cao, tài xế được sử dụng đèn chiếu xa để có tầm nhìn tốt nhất;
- Với các cung đường đèo dốc quanh co, nên sử dụng đèn ở chế độ chiếu sáng xa. Điều này vừa giúp tăng tầm nhìn cho lái xe, vừa giúp phương tiện khác phát hiện sớm có xe phía trước, nhưng khi có xe đối diện phải lập tức chuyển sang chế độ cos;
- Nếu muốn vượt các xe cùng chiều, tài xế có thể nháy pha để xin nhường đường;
- Trong trường hợp trời mưa to, sương mù dày đặc, nên bật đèn chiếu sáng kết hợp với đèn báo hiệu khẩn cấp để đảm bảo an toàn;
- Luôn kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống đèn trước mỗi chuyến đi để đảm bảo chúng hoạt động tốt nhất.