Quả bóng vàng người Hải Dương Nguyễn Hoàng Đức xuống giải hạng Nhất cũng là chuyện bình thường
Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh thậm chí theo đuổi cả đương kim Quả bóng vàng Việt Nam - Nguyễn Hoàng Đức. Nếu thành công, họ sẽ sở hữu đội hình mạnh nhất giải hạng Nhất quốc gia 2024-2025.
Làn sóng đặc biệt
Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh vừa giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhất quốc gia mùa này. Họ ngay lập tức thể hiện tham vọng lên V.League khi chiêu mộ một loạt cầu thủ chất lượng, bao gồm cả những cái tên đã từng xuất hiện ở các cấp độ tuyển quốc gia Việt Nam như Đỗ Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo, Đỗ Văn Thuận, Trịnh Đức Lợi, Phạm Văn Thành, Nguyễn Đức Việt, Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình, Minh Hoàng…
Mới nhất, Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh đang tích cực đàm phán để ký hợp đồng với thủ môn Đặng Văn Lâm. Theo nhiều nguồn tin, thương vụ này chỉ còn chờ thời điểm để công bố. Không dừng lại ở đó, Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh thậm chí theo đuổi cả đương kim Quả bóng vàng Việt Nam, Nguyễn Hoàng Đức. Nếu thành công, họ sẽ sở hữu đội hình mạnh nhất giải hạng Nhất quốc gia 2024-2025.
Muốn chiêu mộ các ngôi sao nói trên, Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh phải bỏ ra không ít tiền. Các ngôi sao càng danh tiếng, chi phí càng cao. Ví dụ như với Đặng Văn Lâm, họ sẽ ký hợp đồng 3 năm với mức lót tay lên đến 27 tỷ đồng. Với Nguyễn Hoàng Đức, con số này còn cao hơn. Gần đây, Nguyễn Hoàng Đức đã quyết định chia tay Thể Công Viettel khi hợp đồng giữa đôi bên hết hạn vào cuối năm nay. Không loại trừ khả năng tiền vệ này “bắt tay” với câu lạc bộ mới để ra đi sớm hơn.
Trong những mùa giải gần đây, bóng đá Việt Nam chứng kiến nhiều đội bóng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” tương tự. Mới nhất là Câu lạc bộ Công an Hà Nội và Thép Xanh Nam Định. Xa hơn là Quy Nhơn Bình Định và Hải Phòng. Tuy nhiên, hiếm khi nào có đội mới chơi ở giải hạng Nhất đã chịu chi như Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến không ít người hâm mộ và chuyên gia lo ngại cho đội tuyển Việt Nam.
Lo ngại này xuất phát từ việc chất lượng giải hạng Nhất kém xa V.League. Nếu các tuyển thủ như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Hoàng Đức, Đinh Thanh Bình, Lê Ngọc Bảo… thi đấu thường xuyên ở giải hạng Nhất, tài năng và phong độ của họ có thể bị bào mòn. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ giải hạng Nhất không chỉ ít đội tham dự hơn, mà còn không được phép sử dụng ngoại binh.
Mùa trước, giải chỉ có 11 đội, với tổng vòng đấu là 20, ít hơn V.League 6 lượt trận. Đến mùa này, việc bốc thăm xếp lịch thi đấu đang phải hoãn lại do có tới 5 đội là Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Định Hướng Phú Nhuận chưa chốt tham dự giải.
Cuộc đua tranh vé lên hạng từ lâu cũng chỉ gói gọn trong vài cái tên, bởi lẽ nhiều đội bóng thậm chí… không dám lên hạng do tài chính có hạn. Không nói đâu xa, SHB Đà Nẵng vừa xuống hạng mùa trước đã lên hạng mùa này vì nền tảng vượt trội phần còn lại của giải hạng Nhất.
Dù vậy, nói đi cũng phải nói lại. Bóng đá Việt Nam đang cố gắng theo đuổi sự chuyên nghiệp, và những đội giàu có như Trẻ TP Hồ Chí Minh rất “đáng quý”. Không ai khác, chính họ sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn cho giải đấu, và tạo ra môi trường tốt cho cầu thủ phát triển.
Không có gì ầm ĩ
Cách đây 22 năm, ngôi sao số 1 của bóng đá Đông Nam Á Kiatisuk Senamuang gia nhập Hoàng Anh Gia Lai trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Ở thời điểm đó, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đang thi đấu ở giải hạng Nhất, trong khi Kiatisuk giống như “quốc bảo” của người Thái Lan. Sốc, nhưng không người hâm mộ Thái Lan nào chỉ trích thần tượng của họ.
Trong 4 năm khoác áo Hoàng Anh Gia Lai, Kiatisuk vẫn là lựa chọn số 1 ở đội tuyển Thái Lan. Ông chứng minh đẳng cấp bằng các bàn thắng vào lưới Yemen và Triều Tiên ở vòng loại World Cup 2006. Ở giai đoạn này, hiệu suất ghi bàn của “Zico Thái” chỉ giảm đi vì lý do tuổi tác.
Thực tế, bóng đá thế giới cũng từng xuất hiện những làn sóng ngược như cách một số tuyển thủ Việt Nam xuống hạng Nhất chơi bóng. Cách đây 5-7 năm, Super League của Trung Quốc chiêu mộ một loạt ngôi sao từ châu Âu. Nhiều cầu thủ trong số đó, như Yannick Carrasco, Ramires, Jackson Martínez, Marko Arnautovic, Fellaini… vẫn giữ phong độ và tỏa sáng trên đội tuyển như bình thường. Một số người như Carrasco, Arnautovic trở lại châu Âu và tiếp tục sự nghiệp đỉnh cao như chưa có “bước lùi” nào.
Gần hơn là trường hợp các ngôi sao lớn từ bỏ các giải đấu lớn ở châu Âu để gia nhập Saudi Pro League. Họ bị chỉ trích “hám tiền”, nhưng điều đó thực sự không ảnh hưởng đến chuyên môn như người ta nghĩ. NGolo Kante thậm chí có cơ hội trở lại tuyển Pháp và tỏa sáng ở EURO 2024 sau khi rời Chelsea chuyển đến Al-Ittihad.
Từ đó có thể thấy vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở bản thân cầu thủ. Nếu họ tài năng và chuyên môn tốt, việc thi đấu ở giải đấu ít cạnh tranh hơn không ảnh hưởng quá nhiều. Trong một số trường hợp, việc này còn tốt cho cầu thủ khi họ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, tích lũy được nhiều sức lực để cống hiến cho đội tuyển quốc gia hơn.
Chưa kể, gia nhập một câu lạc bộ giàu tham vọng sẽ kích thích tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Nếu mọi chuyện thuận lợi, Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh sẽ lên V.League chỉ sau 1 mùa. Khi đó, các ngôi sao hàng tuyển của họ không mất nhiều thời gian “đi lùi” như người ta nghĩ.
Câu lạc bộ Trẻ TP Hồ Chí Minh tái hiện hình ảnh Sài Gòn Xuân Thành
Chiêu mộ nhiều cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ, thậm chí là tuyển thủ quốc gia, dàn sao của đội Trẻ TP Hồ Chí Minh là niềm mơ ước của nhiều đội ở V.League.
Sau khi đánh bại “đại gia” Bắc Ninh để giành vé lên hạng Nhất 2024-2025 trong trận bán kết hạng Nhì 2024, Trẻ TP Hồ Chí Minh bị đồn đoán sẽ giải thể. Tuy nhiên, nhà tài trợ đội bóng này đã phủ nhận thông tin ấy bằng cách đầu tư mạnh chưa từng có để quyết tâm giành vé lên chơi ở V.League 2025-2026.
Đội bóng này đã thực hiện một cuộc “cách mạng” về nhân sự y như cách Sài Gòn Xuân Thành đã thể hiện gần một thập kỷ rưỡi trước, khi tậu một dàn “tuyển thủ quốc gia” để chơi ở hạng Nhất.
Trẻ TP Hồ Chí Minh đã biến từ “không thành có”. Ở hạng Nhất 2024-2025, Bình Phước cũng mua sắm khá nhiều để phục vụ mục tiêu lên V.League. Nhưng so sánh lực lượng, nhân sự của Trẻ TP Hồ Chí Minh cao hơn hẳn khi các cầu thủ đều đang ở thời điểm chín muồi của sự nghiệp.