Vi vu cồn Sơn miệt vườn trên dòng sông Hậu
Cồn Sơn là một trong 5 cù lao nằm dọc trên dòng sông Hậu thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (Cần Thơ), cách trung tâm thành phố khoảng 6 km.
Cồn Sơn còn có tên là cồn Linh, bởi theo truyền thuyết dân gian, thời xa xưa nơi vàm sông Bình Thủy có nhiều thủy quái, lại thêm sóng to gió lớn, thường gây tai họa cho người đi ghe xuồng. Để giải trừ tai ách đó, bà con cùng nhau lập đàn để khấn vái, cầu xin cho trời êm sóng lặng. Không bao lâu, ngay chỗ lập đàn, đất cát nhô lên khỏi mặt nước rồi mở rộng dần, cỏ cây mọc lên xanh rì. Từ đó người dân đặt tên là cồn Linh.
Cồn Linh lúc bấy giờ có rất nhiều cây sơn, một loại cây dùng lấy nhựa để trét ghe xuồng nên cồn còn có tên là cồn Sơn. Trước năm 1945, Cồn Sơn còn hoang sơ, chưa có nhà cửa. Nhiều người từ xóm Lưới và xóm Bà Đồ, Bình Thủy sáng bơi xuồng qua cồn cuốc đất làm rẫy, giăng lưới, chất chà, chiều bơi xuồng về nhà.
Cho đến khoảng năm 1960, bà con mới bắt đầu qua làm rẫy, làm vườn. Cồn Sơn lúc ấy rất vắng vẻ, chỉ có vài ba căn chòi dựng lên để trông coi rẫy bái. Ở đây, muỗi mòng, đỉa vắt nhiều vô số kể. Thỉnh thoảng chỉ có vài ba ghe xuồng tấp vào để săn bắt cua đinh, rùa, rắn, cá tôm.
Trên cồn, nhiều nhất là dơi quạ, rái cá và chim trích. Chiều tối dơi bay về rợp trời (nên nơi đây còn có tên ít người biết là cồn Dơi). Mãi cho tới nay, cồn Sơn vẫn còn những địa danh có từ thời khai hoang như rạch Mất Quần, rạch Lát, rạch Chảo Chẹt, rạch Vàm Hồ… Mỗi tên rạch đều có một sự tích ly kỳ.
Kể từ lúc những cư dân đầu tiên đặt chân lên cồn Sơn đến nay đã ngót 2/3 thế kỷ. Với công sức bồi đắp, vun trồng của những người khai khẩn, trải qua tháng năm, cồn Sơn hoang sơ xưa đã trở thành một cù lao, xứ miệt vườn trù phú, sung túc, điểm du lịch văn hóa hấp dẫn.
Hiện nay, cồn Sơn còn 74,4ha diện tích nổi và 79 hộ dân. Đến đây, ấn tượng đầu tiên là đường sá quanh co, vườn cây trái sum suê, những kênh rạch uốn khúc ghe thuyền tấp nập lại qua, những cây cầu khỉ bắc ngang vô cùng độc đáo. Do đó, cồn Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của khách tham quan.
Cồn Sơn hiện có trên 20 hộ tham gia mô hình liên kết làm du lịch, kết hợp phát huy nét văn hóa và lối sống tình làng nghĩa xóm, theo kiểu mỗi nhà góp một sản phẩm, rồi giới thiệu cho du khách những dịch vụ có ở nhà kế bên.
Du khách đến cồn Sơn không chỉ được trải nghiệm cuộc sống miệt vườn như tát mương bắt cá, bơi xuồng, hái trái cây, thưởng thức nhiều loại quả đặc trưng Nam Bộ, mà còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã, các loại bánh dân gian cũng như được trở về không gian cộng đồng làng xóm Nam Bộ truyền thống.