Doanh nghiệp may ở Hải Dương bộn đơn hàng
Đến giữa tháng 8, nhiều doanh nghiệp may mặc của Hải Dương đã có đơn hàng đến hết năm 2024, thậm chí đến năm 2025. Để bảo đảm tiến độ đơn hàng, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm máy móc, bố trí tăng ca phù hợp cho người lao động.
Công nhân làm không hết việc
Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (Thanh Hà) chuyên sản xuất quần áo theo mùa (cả đồ công sở, mặc ở nhà...). Năm nay, đơn hàng của công ty đạt khoảng 78 triệu sản phẩm, tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Thời điểm này, công ty đã nhận đủ đơn hàng của năm 2025. Khách hàng của doanh nghiệp vẫn là các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), nhưng đơn hàng nhiều hơn. Hầu hết các thời điểm trong năm, doanh nghiệp đều thiếu công nhân và đăng tuyển dụng lao động liên tục. Thậm chí, nhiều khách hàng muốn tăng sản lượng nhưng do không đủ nhân công nên doanh nghiệp chỉ nhận đủ đơn hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Trưởng Phòng Hành chính-Nhân sự, Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam, dù nguồn hàng dồi dào, công nhân làm không hết việc nhưng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường, các khâu kiểm hàng, giám sát đơn hàng đều được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Doanh nghiệp cam kết xuất sản phẩm đúng thời gian, bảo đảm các tiêu chí của đối tác, kiên quyết không xuất sản phẩm lỗi. Hằng tháng, khách hàng đều cử chuyên gia đến nhà máy sản xuất trực tiếp kiểm tra chất lượng cùng doanh nghiệp và đều hài lòng về sản phẩm. Ban Giám đốc công ty duy trì kết nối mật thiết và tôn trọng khách hàng nên duy trì được mối hàng qua nhiều năm. Đơn hàng dồi dào đồng nghĩa các chế độ phúc lợi với người lao động cũng được bảo đảm.
Năm nay, kế hoạch sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH NamLee International (Kinh Môn) cũng tăng khoảng 10% so với năm 2023. Để bảo đảm đơn hàng, công nhân đã tăng ca 2 giờ/ngày. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp. Dù không mở rộng thị trường nhưng đơn hàng của đối tác vẫn đều đặn. Vì thế, công nhân có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Loan, 16 năm làm công nhân may tại Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam cho biết đến nay lương của chị gần 14 triệu đồng/tháng. “Dù công việc nhiều nhưng công ty chỉ cho người lao động tăng ca 2 giờ/ngày. Có người muốn tăng ca nhiều hơn để nâng cao thu nhập nhưng công ty không đồng ý vì cho rằng người lao động cần được nghỉ ngơi, dành thời gian tái tạo sức lao động, từ đó hạn chế lỗi trong các khâu may, cắt”, chị Loan nói.
Đầu tư thêm máy móc
Ngoài tiếp tục tăng cường biện pháp kiểm soát chặt chất lượng để bảo đảm uy tín, Công ty TNHH NamLee International đã linh hoạt tổ chức sản xuất, đầu tư các thiết bị công nghệ mới tăng năng suất lao động nhằm giảm chi phí nhân công… Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết năm 2024 và sang đầu năm 2025.
Công ty TNHH May Formostar Việt Nam ở TP Hải Dương có hơn 1.000 công nhân, lao động chuyên sản xuất hàng may mặc. Theo đại diện công ty, các đơn hàng hiện đã đủ đến cuối năm 2024. Mỗi tháng, doanh nghiệp sản xuất khoảng 250.000 sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu đi các thị trường Mỹ (chiếm đến 80%), EU và châu Á. Để bảo đảm kịp tiến độ các đơn hàng, công ty đã bổ sung nhiều loại máy móc hiện đại, tự động như máy lập trình, ép là, cắt trải vải, cấp cúc, hệ thống chuyền treo…
Năm 2023, ngành may mặc của Hải Dương gặp khá nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm vì lạm phát. Nhiều doanh nghiệp may mặc Trung Quốc quay trở lại sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa... Hầu hết doanh nghiệp trong các ngành này thiếu hụt đơn hàng, nhiều công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên.
Bước sang năm 2024, ngành may mặc đã dần phục hồi và trên đà tăng trưởng tích cực, khởi sắc. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất của nhóm ngành may mặc tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới đang dần được cải thiện khi các thị trường lớn đã kiềm chế được lạm phát. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp dệt may ký được đơn hàng đến hết quý III/2024, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024, sang năm 2025. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng như dự án Tinh Lợi 3, Công ty TNHH Best Pacific, Công ty TNHH Quốc tế Ngân Tường… cũng góp phần tăng sản lượng của ngành.