Giáo dục và đào tạo

Ám ảnh chuyện kể của người tham gia viết sách nạn đói năm 1945

NGHĨA AN 19/08/2024 09:00

"Viết về nạn đói năm 1945 tôi đã khóc, viết về kháng chiến chống Pháp trong tôi lại có chất thép”, đó là lời kể của ông Đặng Văn Nhạc (82 tuổi) ở thị trấn Tứ Kỳ (Hải Dương) khi nhắc lại kỷ niệm tham gia viết cuốn “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-Những chứng tích lịch sử” do Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo (người Nhật Bản) làm chủ biên.

img_9042.jpg
Ông Đặng Văn Nhạc ở thị trấn Tứ Kỳ kể chuyện cho thế hệ sau những kỷ niệm tham gia viết sách về nạn đói năm 1945

Có người còn “ngắc ngoải” vẫn bị vứt lên xe kéo đi

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Giáo sư Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam có đến tìm ông Đặng Văn Nhạc và chia sẻ về những khó khăn khi biên soạn cuốn sách về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Thời điểm ấy, ông Nhạc đang là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tứ Lộc. Cố Giáo sư Văn Tạo nói “Hải Dương là một địa chỉ nghiên cứu” và ngỏ lời mời ông Nhạc tham gia viết sách này.

Cuốn sách nghiên cứu về nạn đói tại 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố (từ Quảng Trị trở ra). Tại Hải Dương, ông Nhạc được giao thực hiện khảo sát bằng phương pháp xã hội học lịch sử tại 500 hộ dân ở thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải (Tứ Kỳ). Nhận lời mời, ông Nhạc vừa vinh dự, vừa lo lắng vì trước đó tư liệu liên quan đến sự kiện này rất ít. Hơn nữa, khái niệm về “phương pháp xã hội học lịch sử” với ông rất mới mẻ.

Điều thôi thúc ông phải làm bằng được chính là câu nói của Giáo sư Văn Tạo: “Mục đích cao nhất của cuốn sách là làm sáng tỏ lịch sử, bởi lẽ không điều gì thuộc về lịch sử mà con người được phép lãng quên. Nhắc lại nạn đói không phải gợi nỗi đau về quá khứ mà để người sống ứng xử nhân văn, tử tế với đồng bào đã chết”.

Ông Nhạc sinh ra tại thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải. Thời điểm nạn đói năm 1945, ông Nhạc chỉ là đứa trẻ lên ba nhưng phần nào hiểu được hoàn cảnh lúc bấy giờ khi cái đói và sự chết chóc đang bao trùm cả làng quê. Những hình ảnh, những con số của nỗi đau năm ấy vẫn luôn ám ảnh trong ông.

Với quan niệm viết sử phải đặt tính chính xác lên hàng đầu, ông Nhạc dành nhiều thời gian để nghiên cứu. Việc thu thập tư liệu mất hơn 3 năm, qua nhiều lần hội thảo tại địa phương lấy ý kiến đóng góp. Ông còn đạp xe rong ruổi khắp nơi gặp các nhân chứng lịch sử để thu thập tài liệu. Đi đến đâu, ông Nhạc cũng ghi chép vào sổ tỉ mỉ, cẩn thận.

Cuộc điều tra, khảo sát tại thôn Nhũ Tỉnh, xã Quang Khải được thực hiện công phu, góp phần phản ánh toàn diện về bức tranh nạn đói ở làng quê ấy. Kết quả cho thấy 32% số hộ khảo sát có người chết đói, trong đó có 17% số hộ chết đói cả nhà. Ông Nhạc còn sưu tầm được một số bức ảnh về nạn đói ở địa phương. “Tôi đã tìm gặp hàng trăm nhân chứng khác nhau là người dân, cán bộ trong xã Quang Khải. Câu chuyện mà họ kể lại khiến tôi thực sự xúc động và ám ảnh. Người chết không kịp chôn mà chỉ bó chiếu hoặc nhà nào có giát giường thì bó đem chôn. Có người còn “ngắc ngoải” vẫn bị vứt lên xe kéo đi, xếp cùng xác chết, đã cố kêu rên, nài nỉ đừng mang đi chôn. Thảm khốc vô cùng”, ông Nhạc nói.

img_9055(2).jpg
Thư viện nhỏ của ông Đặng Văn Nhạc tại gia đình

Công phu trong việc tìm tư liệu

Lần giở từng trang sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-Những chứng tích lịch sử”, ông Nhạc cho biết đây là cuốn sách đặc biệt nhất ông từng tham gia viết. Không chỉ công phu trong việc tìm tư liệu, mỗi chi tiết, câu chữ đều được chắt lọc kỹ lưỡng.

Theo Nguyên Trưởng Phòng Tư liệu Viện Sử học Việt Nam Nguyễn Quang Ân, cuốn sách này chính là công trình sử học đầu tiên áp dụng theo phương pháp xã hội học lịch sử mà trước đó giới sử học thường chỉ nghiên cứu trên cơ sở tư liệu thành văn. Vì vậy, những cộng sự tham gia viết sách như ông Nhạc phải vừa học, vừa nghiên cứu. Ông Nhạc lấy đó là cơ duyên và là niềm may mắn khi được góp công sức nhỏ bé vào công trình nghiên cứu này. Với những nỗ lực và cống hiến, công trình “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-Những chứng tích lịch sử” đã được trao giải thưởng Nhà nước năm 2010.

Ngoài cuốn về nạn đói năm 1945, ông Nhạc còn sưu tầm, biên soạn sách về lịch sử địa phương. Không phải là dân chuyên sử nhưng ông Nhạc thích viết lách, mê văn chương ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Qua thời gian, ông Nhạc coi viết sử trở thành niềm đam mê, trách nhiệm với thế hệ sau. Hằng ngày, ông vẫn dành thời gian để tìm kiếm tư liệu phục vụ cho việc viết lách.

Với phương châm “nói có sách, mách có chứng”, nơi nào còn dấu tích lịch sử, ông đến tận nơi để quan sát, tìm hiểu. Những chuyến đi thực tế giúp ông càng có nhiều cơ hội để trau dồi vốn kiến thức viết sử. Với sự lao động cần mẫn, miệt mài của ông và một số người khác, những cuốn sách lịch sử về huyện Tứ Kỳ lần lượt ra đời như Lịch sử Đảng bộ huyện Tứ Kỳ tập 1, tập 2, Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân huyện Tứ Kỳ (1930-1945)…

Trong căn nhà của mình, ông Nhạc vẫn dành một góc đặc biệt làm thư viện nhỏ để cất giữ những cuốn sách. Nhìn cách ông xếp sách ngay ngắn, khoa học theo từng đầu mục hay cách ông Nhạc lần giở cẩn thận từng trang mới cảm nhận được tình yêu của ông đối với sách lớn chừng nào.

Nhiều năm viết, tài sản của ông Đặng Văn Nhạc là hàng chục đầu sách về lịch sử có giá trị. Tuy vậy, ông chưa khi nào bằng lòng với những gì mình đã cống hiến. “Chỉ khi nào không còn đủ sức khoẻ tôi mới dừng công việc này. Những phần thưởng mà tôi nhận được không quan trọng bằng ý nghĩa mà mỗi cuốn sách mang lại”, ông Nhạc nói.

NGHĨA AN