Nông nghiệp - Nông thôn

Thủ cống mùa mưa bão

DŨNG CƯỜNG 18/08/2024 05:20

Nhiệm vụ điều tiết dòng chảy con nước qua hệ thống cống trong mùa mưa bão càng nhân lên những vất vả, khó khăn cho nhiều thủ cống ở Hải Dương nhưng họ vẫn kiên trì, thầm lặng góp sức để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

z5730588053618_4856d67fb02e0221ad12dae5cf259fb1(1).jpg
Cống sông Hương là công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Hải Dương

Lên dây cót

Cống sông Hương (Thanh Hà) là công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Hải Dương. Cống có vai trò quan trọng trong tưới tiêu nhưng lại luôn chực chờ những mối lo mỗi khi mưa bão vào mùa. Đây là đầu mối lấy nước thủy triều từ sông Văn Úc, tưới mát, làm tươi tốt hơn 19.000 ha ruộng đồng, vườn tược của 2 huyện Thanh Hà và Nam Sách. Khi mùa mưa tới, cống sông Hương lại là nơi gom nước từ 21,5 km kênh nội đồng, chảy ra sông ngoài để bảo vệ mùa màng. Dẫu đóng góp lớn song vài chục năm qua, cống sông Hương mới chỉ được sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ mà chưa được quan tâm đầu tư, nâng cấp lớn. Vì thế, nhiều năm liền cống sông Hương được xem là điểm xung yếu vì có thể phát sinh sự cố bất cứ lúc nào.

Ông Đặng Văn Thành ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) đã gắn bó với cống sông Hương gần 20 năm. Dù thời gian đến khi nghỉ công tác chỉ còn đếm từng ngày nhưng ông vẫn luôn suy tư, trăn trở với công việc thủ cống vốn nhọc nhằn. Xắn tay áo rồi hăm hở kiểm tra từng chi tiết, bộ phận của cống, ông Thành nói cống sông Hương chắc phải to nhất tỉnh và xếp vào hàng cũ kỹ, lạc hậu nhất nhì. Ngày trước cống hoạt động bằng tời, còn giờ vận hành thủy lực nên anh em cũng đỡ vất vả hơn. Dù vậy cũng phải mất gần 1 tiếng mới có thể đóng hoặc mở 3 cánh cống. Tuy nhiên, vì xây dựng từ lâu nên trong quá trình đóng, mở cống thường xuyên xảy ra sự cố.

“Tôi nhớ nhất vào năm 2005 khi vừa được phân công về cống sông Hương quản lý, trông nom thì gặp đúng đợt mưa lớn kéo dài. Nước dồn về xối xả đúng lúc việc đóng, mở cống trục trặc. Ai nấy đều tất bật, hối hả, đến khi đóng được cửa cống thì nước tràn, mọi người lại hì hục xúc cát ngăn tràn. Vào mùa mưa bão, thủ cống làm việc không có giờ giấc, thời gian, lúc nào tinh thần cũng phải lên giây cót để sẵn sàng nhận nhiệm vụ”, ông Thành chia sẻ.

z5730584338531_b0b7d74b253e2694f1141c81c5b7143b.jpg
Cống Đồng Tràng vẫn vận hành thủ công

“Sức người không ăn thua”, sau câu nói này là tiếng chẹp miệng, thở dài của ông Phạm Quang Tiến, Cụm trưởng Cụm Thủy nông Đồng Tràng khi nói về việc vận hành cống Đồng Tràng (Tứ Kỳ). Cống Đồng Tràng được xây từ những năm 50 của thế kỷ XX, cùng với thời điểm làm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Nguồn nước từ cửa cống này sẽ phục vụ cho 17 trạm bơm tưới của huyện Tứ Kỳ, 11 trạm bơm ở huyện Gia Lộc và 2 trạm bơm của TP Hải Dương. Cống Đồng Tràng còn bảo đảm tiêu tự chảy cho hơn 2.000 ha sản xuất nông nghiệp. Đảm nhận nhiệm vụ tưới tiêu đòi hỏi phải cấp bách, kịp thời nhưng cống này vẫn phải vận hành thủ công nên mất rất nhiều thời gian, công sức.

Hiện tại, để có thể đóng hoặc mở cống Đồng Tràng phải mất 5.000 vòng quay của 10 người, tương đương thời gian từ 2-3,5 giờ đồng hồ. Trong khi đó, diễn biến, ảnh hưởng của mưa bão ngày càng khó lường, chỉ cần chậm trễ chốc lát có thể gây ra hậu quả lớn. Thế nên, những thủ cống luôn phải chủ động túc trực để sẵn sàng trước mọi tình huống. Không những phải huy động nhiều người mà việc đóng, mở cống thủ công rất phức tạp, nếu không phối hợp chặt chẽ, ăn ý sẽ dễ xảy ra sự cố nguy hiểm.

Ông Tiến cho hay vận hành cống phải đúng thời điểm và lựa con nước. Nếu để mực nước chênh lệch lớn sẽ tạo ra áp lực cao, việc vận hành cống sẽ rất khó khăn. Vận hành thủ công cần sức song phải đồng đều, cánh cống hạ xuống hay kéo lên nhịp nhàng, tránh để vênh. Ông Tiến kể có những ngày buổi sáng đóng cửa cống giữ nước, đến chiều lại phải mở cống để hạ mực nước kênh trục, phòng mưa lớn. Mỗi lần đóng, mở cống rất cực nhọc nhưng vì nhiệm vụ nên ai nấy đều phải cố sức. Đã vậy, cống còn hay hỏng hóc vặt nên nhiều khi thủ cống còn kiêm luôn thợ sửa chữa.

Từng bước nâng cấp

Cùng làm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi song so với công nhân trạm bơm thì các thủ cống cần tích lũy nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong việc theo dõi thủy triều, con nước hơn nhằm bảo đảm điều tiết cống hợp lý, kịp thời. Ngoài ra, cửa cống lớn thường xây dựng cạnh sông ngoài, lại ở hạ lưu nên dễ xảy ra nhiễm mặn. Do đó, thủ cống luôn phải kiểm tra chất lượng nước trước khi dẫn nước vào hệ thống kênh trục.

z5730581719066_e97ef6cda6927c88e821524cc2961aa0.jpg
Cống Đoàn Thượng được vận hành bằng điện nên không tốn thời gian, công sức

Mỗi thủ cống phải thuộc nằm lòng lịch con nước, trông trăng nhận biết thời điểm triều cường. Tại cống sông Hương, ông Thành thường theo mực nước tại Phả Lại (sông Thái Bình), phà Gùa (sông Gùa) và tại Hòn Dấu (Hải Phòng) làm căn cứ tính toán thủy triều lên xuống, từ đó đề xuất phương án vận hành cống phù hợp, bảo đảm nguồn nước tưới và hỗ trợ tiêu hiệu quả, kịp thời. Là cống trọng điểm nên cống sông Hương được bố trí 10 người quản lý, vận hành gồm cả thủ cống, kĩ sư. Tuy nhiên, khi có mưa lớn thì tất cả đều thành thủ cống, mỗi người một công đoạn, quy trình để đóng, mở cống an toàn.

Ông Thành chia sẻ: “Cống sông Hương có 3 cánh cống. Khi đóng, mở phải thực hiện lần lượt từng cánh gây mất thời gian, nhiều khi làm lỡ thời điểm thích hợp chống úng hay tháo gạn. Vì vậy, ai cũng mong muốn việc vận hành cống được cải tiến giúp cho việc đóng, mở cống thuận lợi hơn. Có thế, việc điều tiết nước tự chảy qua các cửa cống mới phát huy hiệu quả như mong đợi và các thủ cống sẽ bớt vất vả”.

Bên cạnh những cống lạc hậu, đóng mở thủ công thì ở trong tỉnh đã có một số cống vận hành bằng điện, nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai. Cống Đoàn Thượng (Gia Lộc) được giao cho nhân viên nữ quản lý, vận hành vì việc đóng, mở cống đơn giản. Chị Phạm Thị Huyền làm việc tại đây nhiều năm, từ lúc cống còn nhỏ, lạc hậu đến hiện tại khi đã được đầu tư xây mới, vận hành chỉ cần một thao tác. Chị Huyền kể ngày trước phải cần 6-7 người và mất đúng 3 giờ 15 phút mới có thể đóng hoặc mở được cánh cống. Trong khi mưa lũ thì bất thường, đột xuất nên việc chống úng rất bị động, áp lực, nhiều khi không kịp trở tay.

z5730590086218_7da1e9a49ef1dbb3079385d670483aad.jpg
Phần lớn các cống thủy lợi của tỉnh đã xây dựng từ lâu

Cống Đoàn Thượng cấp nước cho hơn 3.000 ha đất nông nghiệp của huyện Gia Lộc và rút nước tự chảy từ kênh Thạch Khôi-Đoàn Thượng cho huyện Gia Lộc và TP Hải Dương. Từ năm 2015, cống được nâng cấp, sử dụng điện để vận hành thì mỗi khi đóng, mở cống không cần huy động người như trước và thời gian được rút ngắn. “Bây giờ chỉ cần 15 phút là có thể đóng, mở cống. Vì may mắn hơn nhiều anh chị em khác trong việc quản lý, vận hành cống nên tôi luôn tự nhủ phải làm tốt công việc được giao phó”, chị Huyền phấn khởi nói.

Huyện Gia Lộc có 6 cống thủy lợi đã được lắp đặt hệ thống vận hành bằng điện, tạo thuận lợi cho người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ. Ông Bùi Trọng Đức, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện khẳng định vai trò của cống không thua kém gì các trạm bơm động lực. Vì thế, cần quan tâm từng bước đầu tư để các cống vận hành hiệu quả, trơn tru, giảm áp lực phòng chống thiên tai và vơi đi vất vả cho các thủ cống.

Toàn tỉnh có gần 600 cống dưới đê và hàng nghìn cống lớn nhỏ nội đồng thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu tự chảy. Hệ thống cống phục vụ tưới tiêu tự chảy giúp tiết kiệm chi phí so với vận hành trạm bơm động lực, song phần lớn cống của tỉnh đã xây dựng từ lâu, có cống đã xuống cấp, gây bất lợi không nhỏ cho việc điều tiết nước. Những thủ cống phụ trách những cống này phải khắc phục khó khăn, kiên trì, bền bỉ với công việc để có thể đáp ứng được nhiệm vụ tưới và yêu cầu về phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống cống toàn tỉnh. Có như vậy mới bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp cũng như cho chính người trực tiếp vận hành cống.

DŨNG CƯỜNG