Đất và người xứ Đông

Những nghệ sĩ "chân đất" ở Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) gìn giữ nghệ thuật hát tuồng

TIẾN HUY 18/08/2024 15:00

Xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã vang danh xa gần với các nghệ nhân hàng thập kỷ qua gìn giữ nghệ thuật hát tuồng, nhưng ít người biết, tất cả họ đều là những nông dân thực thụ.

2795a20f1e1cba42e30d(1).jpg
Các nghệ sĩ tuồng Thạch Lỗi trên sân khấu

Nghệ nhân còn... bận đi cày

Hẹn gặp được ông Hoàng Đình Quý không phải dễ. Người đàn ông 62 tuổi này nói oang oang trên điện thoại:

- Chờ chú tí nhớ, cày sắp xong rồi.

Chừng nửa tiếng sau, có tiếng máy cày phành phạch ngoài đầu ngõ. Ông Quý đã về, nhưng cuộc trò chuyện vẫn chưa bắt đầu. Vừa tháo đôi ủng đầy bùn đất, ông Quý thò chân xuống cầu ao khua sùng sục rồi lại nhảy lên chiếc thuyền tôn gần đó bơi ra giữa hồ rắc thức ăn cho cá. Cái hồ rộng 1 mẫu thả đủ loại cá và chiếc máy cày là sinh kế của cả gia đình ông Quý. Nhìn người đàn ông lực điền này, mấy ai biết ông đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi với 28 thành viên.

Vốn yêu thích và thường tìm hiểu về nghệ thuật tuồng, có mẹ là bà Vũ Thị Diên đã được phong Nghệ nhân Ưu tú, ông Lê Quý Hậu, cán bộ xã cũng chỉ biết nghệ thuật tuồng đã có mặt ở Thạch Lỗi từ rất lâu rồi. Nó âm thầm bám rễ trong từng thôn, xóm. Có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chưa bao giờ nghệ thuật tuồng ở Thạch Lỗi mất đi. Mà lạ thay, cả huyện Cẩm Giàng, rồi cả tỉnh Hải Dương chỉ mỗi xã Thạch Lỗi có tuồng.

3a414707be1b1a45430a(1).jpg
Ông Hoàng Đình Quý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi bên trang phục biểu diễn của mình. Ảnh: VĂN TUẤN

Nghệ nhân tuồng Vũ Thị Diên năm nay đã 78 tuổi, không còn đủ sức khỏe để tham gia câu lạc bộ, nhưng nói về tuồng thì câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt.

- 100% là nông dân. Vừa dưới ruộng lên bờ, rửa chân xong là bước vào chiếu tập. Tuồng Thạch Lỗi khi xưa không chỉ được hát trong lúc làm đồng, mà còn phục vụ kháng chiến. Chúng tôi hát cho dân công, hát cho bộ đội. Năm 1969, cả gánh đang biểu diễn thì nghe tin Bác Hồ mất. Tất cả dừng lại. Cả diễn viên, nhạc công và khán giả òa khóc - bà Diên kể.

Vài năm trước, bà Diên không khỏe nên xin thôi biểu diễn, nhưng trong câu lạc bộ có những bậc cao niên vẫn bám trụ. Cụ Nguyễn Hữu Chẩn là nhạc công, nay đã gần 90 tuổi. Cùng với cây đàn tam, lão nhạc công này rong ruổi cùng đoàn tuồng đi khắp nơi biểu diễn. Hay như bà Lê Thị Lý năm nay tròn 80 tuổi song luôn đam mê với nghệ thuật tuồng. Bà Lý cũng làm ruộng từ nhỏ, gần đây khi các con trưởng thành và có điều kiện mới thoát cảnh chân lấm, tay bùn.

Ông Hoàng Đình Quý cho biết, mặc dù các diễn viên, nhạc công toàn bộ là nông dân song được đánh giá cao về chuyên môn, kỹ thuật diễn xuất, phục trang, được bà con yêu mến gọi là nghệ nhân, nghệ sĩ. Tuồng vốn là môn nghệ thuật rất khó, kén khán thính giả nên nông dân diễn được tròn vai thì càng hiếm. Không chỉ duy trì và phát triển môn nghệ thuật này tại địa phương, tuồng Thạch Lỗi còn bay cao, bay xa theo từng hội diễn. Đoàn tuồng Thạch Lỗi từng được cử đi tham gia hội diễn không chuyên toàn quốc tại Khánh Hòa. Tại liên hoan nghệ thuật không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2023, đội giành giải A với vở diễn Thành hoàng quê tôi. Đây là vở diễn do nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ - con rể của xã Thạch Lỗi viết. Vở diễn nói về danh tướng Lý Quốc Bảo và vợ là bà Vũ Thị Hương (người trang A Lỗi, là Thạch Lỗi bây giờ). Có công đánh đuổi giặc Lương, khi mất, ông được tôn làm Thành hoàng và được người dân Thạch Lỗi thờ phụng suốt hàng trăm năm qua.

Những nông dân tâm hồn nghệ sĩ

ec4d8f9a7686d2d88b97(1).jpg
Cởi bỏ trang phục trên sân khấu tuồng, nhiều thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi lại trở về với cuộc sống của những nông dân thực thụ. Ảnh: VĂN TUẤN

- Chúng tôi không có lý luận về tuồng, càng không biết lịch sử của tuồng ra sao, nhưng cứ lên sân khấu là diễn ngọt - ông Hoàng Đình Quý nói.

- Đây là "bà Vũ Thương, đọc lệch tên của Thành hoàng Vũ Thị Hương", còn đây là "giặc Tử Quýnh", còn tôi là Lý Quốc Bảo - ông Quý giới thiệu về các vai diễn của mình và bà Vũ Thị Mai, Vũ Thị Tâm.

- Nhắc lại là tất cả chúng tôi đều là nông dân, nhưng khi được thầy Lê Tiến Thọ giao kịch bản thì tất cả chong đèn ngồi đọc, bàn bạc - ông Quý cho biết thêm.

Còn Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thị Diên đã nhắc ở trên thì cho biết, để nghệ thuật tuồng tồn tại cho đến ngày nay ở Thạch Lỗi thì phải có công của khán giả. Không có người xem thì không diễn được, mà khán giả ở đây cũng đều là nông dân. Khi còn sống, ông Lê Quý Tạo - chồng nghệ nhân Vũ Thị Diên luôn ủng hộ vợ hát tuồng. Ông còn đi quay băng đĩa rồi in ra làm kỷ niệm mỗi lần vợ đi biểu diễn.

Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi Nguyễn Mạnh Dũng, đến nay ở xã có 2 người đã được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, ngoài bà Vũ Thị Diên còn có bà Vũ Thị Minh Thuyết (đã mất). Những người còn lại dù chưa được phong tặng và có thể họ diễn tuồng bằng tất cả tình yêu và đam mê của mình chứ không mong chờ danh hiệu, song họ đều xứng đáng là nghệ sĩ, nghệ nhân. Họ là những nông dân mang tâm hồn nghệ sĩ.

bb55b4434d5fe901b04e(1).jpg
Các thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi trao đổi về vở diễn mới tại nhà Chủ nhiệm Hoàng Đình Qúy. Ảnh: VĂN TUẤN

Điều mà lãnh đạo xã và người dân ở Thạch Lỗi lo lắng là nghệ thuật tuồng ở đây có thể sẽ dần mai một vì không có người kế cận. Thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi trẻ nhất cũng đã gần 60 tuổi, người cao nhất đã gần 90. Trước đây xã đã tổ chức truyền dạy tại bậc tiểu học. Học sinh tiểu học của Thạch Lỗi khi đó đã biểu diễn thành công trích đoạn. Nhưng sau đó vì nhiều lý do, nhất là các cháu bận học hành nên bỏ dở. Ngoài ra, tuồng là bộ môn rất khó, khác hẳn với nhiều môn nghệ thuật khác. Đó là tuồng không thể biểu diễn độc lập mà cần cả một tập thể lên đến chục người là diễn viên, nhạc công, phục trang, ánh sáng. Tuồng khó diễn theo kịch mới, ví dụ không sáng tác được vở tuồng về nông thôn mới, mà phải là các trích đoạn cổ... Vì thế khán giả, nhất là người trẻ ngày càng ít quan tâm đến môn nghệ thuật này.

Dù ngày càng ít khán giả, dù có thể nghệ thuật tuồng sẽ dần mai một, song những người nghệ sĩ ở Thạch Lỗi hằng ngày vẫn sống với đam mê bất tận. Với những người nghệ sĩ - nông dân ấy, nghệ thuật tuồng luôn cháy mãi trong tim!

TIẾN HUY