Xuyên tạc Cách mạng Tháng Tám là có tội với dân, với nước
Giá trị đích thực của độc lập, tự do Cách mạng Tháng Tám 1945 đem lại là thiêng liêng và cao quý. Xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị Cách mạng Tháng Tám mang lại là có tội với nước, với dân.
Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Hải Dương đã đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng.
Tại Hải Dương, chỉ trong vòng 6 ngày (từ ngày 17 - 22/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã hoàn toàn thắng lợi ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi là một sự kiện lịch sử không chỉ có ý nghĩa trọng đại với dân tộc Việt Nam, mà còn có tác động to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, nô dịch toàn thế giới. Thế nhưng với các thế lực thù địch và phản động, bán nước thì Cách mạng Tháng Tám lại là nỗi nhục và thất bại của chúng. Vì thế từ lâu, mỗi khi chúng ta kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công thì chúng lại tung ra các chiêu trò chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả đấu tranh của toàn dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Năm nay, chúng vẫn dùng chiêu trò cũ nhưng lại bằng những thủ đoạn mới thâm độc, nham hiểm hơn những năm trước bằng cách ứng dụng công nghệ để cắt, ghép thông tin, đánh tráo khái niệm… Những thủ đoạn kiểu mới này được thực hiện một cách tinh vi, bài bản, được đầu tư về thời gian, kỹ thuật, tài chính…
Hậu quả, khi tiếp cận thông tin, không chỉ những người có nhận thức hạn chế, phiến diện mà đôi khi cả những người có trình độ, nhận thức sâu rộng cũng có thể hiểu sai bản chất vấn đề hoặc hoài nghi tính đúng đắn của vấn đề. Có một số người còn tổ chức “hội thảo”, “bình luận” rồi “chém gió” trên mạng xã hội rằng: “Giá như không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam sẽ tránh được chiến tranh, sẽ giàu như nước Pháp, nước Nhật”.
Lời “chém gió” ấy xuất phát từ cái nhìn không đúng đắn về lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới nhằm phủ nhận vai trò và công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của quần chúng nhân dân, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám mang lại.
Những người phát biểu lạc lõng nói trên không biết hoặc cố tình không biết rằng, trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Nước Việt đã không còn trên bản đồ thế giới, đã bị chia làm 3 miền, đã bị lẫn vào địa danh “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Người dân "một cổ hai tròng", sống đời nô lệ, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen...
Tỉnh Hải Dương của chúng ta thời đó chìm trong màn đêm của đói nghèo và lạc hậu. Nhiều người già trong tỉnh bây giờ vẫn còn không quên trận đói lịch sử năm Ất Dậu (1945). Cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử" được thực hiện bởi Tiểu ban Hợp tác Việt - Nhật nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, do GS. Văn Tạo và GS. Furuta Motoo làm chủ biên, trong đó có tới 12 trang nói về nạn đói ở Hải Dương vào thời điểm đó: “…Lúc đó, trên mảnh đất Hải Dương đâu đâu cũng thấy đói và chết đói... Xóm làng xơ xác, nhiều nơi rau má, củ chuối thay cơm cũng không còn. Đoàn người đói rách ở thôn quê kéo nhau vào thành phố, để rồi nằm chết gục trên hè phố thị xã Hải Dương và các thị trấn".
Theo số liệu thống kê, nạn đói năm 1945 đã cướp đi mạng sống của khoảng 2 triệu người Việt Nam, trong đó có khoảng 20 vạn người của tỉnh Hải Dương.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã trả lại tên cho nước Việt Nam, trả lại nền tự do, độc lập mà dân tộc ta có quyền được hưởng. Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến, cũng đã phải thốt lên rằng: “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”.
Kể từ ngày 2/9/1945 đến nay, dân tộc Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ đã lập nên biết bao kỳ tích có tính lịch sử, từ một nước làm nô lệ bước lên vũ đài của những dân tộc có quyền tự quyết, là tấm gương soi sáng, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, đô hộ vùng lên giành quyền độc lập, tự do.
Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước ta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonnio Guterres đã gửi lời chúc mừng Việt Nam và nhấn mạnh: “Việt Nam là hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh và ngày nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình”.
Những người phát biểu lạc lõng nói trên hãy xem các nước từ thuộc địa của Pháp giành được độc lập không bằng con đường đấu tranh cách mạng như Việt Nam mà được Pháp “trao trả”? Trong 11 nội dung ràng buộc chính của Hiệp ước thuộc địa mà Pháp áp đặt lên châu Phi để làm điều kiện “trao trả độc lập” cho họ, có việc “hoàn trả chi phí “xây dựng thuộc địa”. Các nước châu Phi bị buộc phải gửi dự trữ tiền tệ quốc gia của họ vào ngân hàng Trung ương Pháp. Pháp có quyền là người đầu tiên được mua bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào được tìm thấy trong vùng đất thuộc địa cũ của họ. Người châu Phi buộc phải gửi các sĩ quan quân đội của họ đến đào tạo tại Pháp hoặc các cơ sở đào tạo bên ngoài của Pháp...
Giá trị đích thực của độc lập, tự do mà Cách mạng Tháng Tám 1945 đem lại là thiêng liêng và cao quý. Bất cứ người Việt Nam yêu nước chân chính nào cũng đều cảm nhận được điều đó. Nếu ai đó còn có tư tưởng bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do thì cần xem xét lại bản thân mình. Nếu không xem lại được thì chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và đào thải.