Về quê mùa Vu Lan
Tôi nhớ mình đã từng hỏi mẹ về ngày lễ Vu Lan và tôi hiểu rằng mùa Vu Lan là mùa báo hiếu.
Mẹ hẹn cuối tuần sẽ cho anh em tôi về quê. Bố tôi bận công tác thì ba mẹ con về. Tôi háo hức lắm vì được về với mảnh vườn đầy cây trái của ông bà nội và được câu cá ở ao nhà ông bà ngoại. Hai nhà gần nhau nên hễ về quê là anh em tôi chia đôi thời gian để thăm nội ngoại, ăn cơm với nội ngoại mỗi bên một ngày. Lần này mẹ sắm rất nhiều đỗ vàng mã, hoa quả, bánh kẹo để mang về quê. Mẹ bảo: "Để cúng các cụ mùa Vu Lan con ạ!".
Tôi nhớ mình đã từng hỏi mẹ về ngày lễ Vu Lan và tôi hiểu rằng mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Bà nội tôi bảo rằng: "Đã thành truyền thống rồi con ạ, mỗi dịp tháng 7 trăng tròn, người người lại tươm tất chuẩn bị đón mùa Vu Lan báo hiếu. Đây là dịp để chúng ta tìm về với nguồn cội, tưởng nhớ, ghi tạc công nghĩa sinh thành của cha mẹ mình".
Bà ngoại tôi thì bảo: "Đây là thời khắc đặc biệt, khi con người bày tỏ tình cảm sâu sắc đến cha mẹ với tấm lòng thành kính. Vu Lan còn là nơi mọi người hướng tới sự thanh thản và trọn vẹn, thể hiện đạo làm con”.
Khi anh em chúng tôi về đến cổng nhà nội, bà đang dọn dẹp trong bếp, vội rửa tay khi nghe tiếng con, tiếng cháu. Bà xăm xắn ra sân:
- A ! Các con, các cháu về với ông bà đấy à? Lần này ở chơi một tuần nhé! Đang nghỉ hè mà. Ông bà cứ mong mãi. Về thắp hương tạ tổ tiên con ạ! Thi cử như thế là tốt rồi.
Anh tôi nhanh nhảu:
- Con chưa nhập học nên được chơi một tuần với ông bà, còn em con chỉ được chơi hai ngày cuối tuần thôi, em con còn phải đi học đội tuyển bà ạ!
Thấy anh giải thích thay tôi nên tôi nhìn quanh xem ông nội đâu:
- Bà ơi ! Ông đi đâu mà con không thấy?
- Ông ở ngoài vườn đang hái na đấy! Có nhiều na sắp chín rồi. Hai đứa rửa mặt mũi chân tay rồi ra vườn phụ ông nhé.
Thế là trong lúc mẹ tôi sắp đồ bày lên ban thờ thì anh em tôi đã chạy tót ra vườn. Ông đã hái được một rổ na. Còn ba cây nữa đang chờ ông cháu tôi hái. Ông giơ một quả ra làm mẫu và dặn anh em tôi:
- Quả nào mở mắt to như thế này thì các con hãy hái nhé. Đừng hái nhầm quả non đấy!
Bà phải mang thêm rổ ra đựng na, đựng thị. Mùi thị thơm nức khiến tôi cứ hít hà. Bà dạy tôi bện rọ đựng thị để treo ở đầu giường cho thơm. Ông tôi nhặt những quả na to nhất, đẹp nhất bày lên ban thờ và cho vào một túi giấy, dặn mẹ tôi mang sang biếu ông bà ngoại.
Chưa đúng ngày rằm nhưng ông bà nội cúng Vu Lan trước mấy hôm. Bà dẫn theo anh em tôi ra nghĩa trang để thắp hương ở phần mộ của các cụ. Bà giới thiệu về từng ngôi mộ và nhắc anh em tôi:
- Nhớ chưa các con? Ngày lễ Vu Lan là để nhắc các thế hệ con cháu về những công ơn của cha mẹ, của tổ tiên. Sau này, đi đâu, làm gì, các con cũng phải nhớ về cội nguồn, quê hương, gia đình, ông bà, cha mẹ.
Vừa nói, bà vừa đưa cho anh em tôi mỗi đứa một nắm hương và dặn làm theo bà. Bà cắm hương vào từng ngôi mộ và cúi đầu, chắp tay thành kính. Trong không khí trang nghiêm, lòng biết ơn trong tôi trỗi dậy. Tôi biết ơn ông bà nội đã sinh ra bố tôi, ông bà ngoại đã sinh ra mẹ tôi. Tôi biết ơn bố mẹ đã sinh ra anh em tôi. Không biết anh tôi cầu nguyện điều gì còn tôi chắp tay cầu khấn các cụ phù hộ cho gia đình tôi luôn mạnh khỏe, bình an.
Bữa cơm cúng gia tiên ở nhà ông bà nội thật đầm ấm. Mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng mặn có gà, có xôi. Đặt trên mâm các bát chén chứa thức ăn như cháo trắng, bánh kẹo và nhang để cúng tổ tiên.
Năm nào bà nội cũng cúng chúng sinh. Bà sắp xếp chén muối và chén gạo, nồi cháo trắng, nến và nhang. Bà bảo đây là cách thể hiện lòng từ bi và nhân ái đối với tất cả chúng sinh.
Hôm sau, ba mẹ con tôi sang nhà ông bà ngoại. Ông bà có thói quen ăn chay vào ngày tuần rằm đã mấy năm nay, kể từ khi ông bà được bác sĩ thăm khám và khuyên nên thay đổi chế độ ăn uống để ổn định huyết áp. Thế là mẹ và anh em tôi được thưởng thức một bữa cơm chay ngon, lạ miệng. Bữa ăn không phức tạp, cầu kỳ, chỉ tận dụng các loại rau, củ, quả tươi ngon trong vườn của ngoại: su su luộc, đậu bắp hấp chấm muối vừng, rau lang xào tỏi, canh bí đỏ thêm chút lá lốt, đậu hũ sốt cà chua, thêm món chả giò chay chiên vàng thật hấp dẫn. Mỗi món chay của ngoại đều mang một hương vị, đặc biệt cơm chay đem lại niềm vui và sự an lành trong tâm hồn, cũng như lan tỏa tình yêu thương của ông bà đến con cháu.
Hết hai ngày cuối tuần, tôi phải tạm biệt ông bà để về phố. Thấy tôi chăm chỉ, tự giác làm việc nhà, mẹ vui lắm. Mẹ có biết đâu là chuyến về quê vào mùa Vu Lan vừa rồi đã giúp tôi thay đổi. Tôi hiểu rằng, hiếu thảo với cha mẹ cần thể hiện ngay trong lúc này, để không bao giờ phải hối tiếc.