Quy định 144-QĐ/TW: “Trọng dân” và “gần dân” một cách thực chất
Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ngày 9/5/2024 và đang đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất.
Điểm đặc biệt là trong số 5 nội dung về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ở giai đoạn mới thì toàn bộ các mục của điều thứ nhất đều gắn với hai chữ “nhân dân”.
Tư tưởng “trọng dân,” “gần dân” là một nội dung cơ bản và xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đề cao vai trò và sức mạnh của nhân dân, Đảng phải gắn bó với nhân dân, xác định nhân dân là mục tiêu, động lực của cách mạng – lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền.
Trong Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Đảng ta luôn lấy tư tưởng “trọng dân,” “gần dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận và kim chỉ nam để thực hiện trên thực tiễn công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, ngày càng thực chất và hiệu quả vấn đề có tính quy luật, tất yếu là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tổ chức hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Trước đó, ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Một biểu hiện rõ ràng về sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TW là “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Năm 2020, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.
Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.
Việc cán bộ, đảng viên thiếu tôn trọng quần chúng, xa rời nhân dân khiến cho các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước bị thực hiện sai lệch, không đến được với người dân, làm giảm lòng tin của nhân dân, sức mạnh của quần chúng không được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tình trạng này là điểm nhạy cảm rất dễ bị các thế lực phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Mặt khác, việc “gần dân” thiếu thực chất cũng đáng bị lên án vì đó chính là biểu hiện của thái độ coi thường quần chúng, không thực tâm muốn lắng nghe ý kiến của người dân.
Ngày 27/5/2016, phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo về những biểu hiện của tình trạng “vì dân suông” - chỉ nói mà không làm, hoặc miệng thì hô hào vì dân nhưng không có những việc làm cụ thể, thiết thực để mang lại quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân.
Tiếp đến, trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 14/10/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần tránh căn bệnh hình thức – “ra vẻ chú ý lắng nghe nhưng lại không nghe” khi tiếp xúc, đối thoại với dân.
Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới nhằm mục đích ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa".
Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW, trong đó có sự hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tư tưởng “trọng dân” và “gần dân” của Đảng ta trong những năm qua đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục bồi đắp bằng những lý luận sắc bén và bằng tấm gương sáng suốt, mẫu mực được thể hiện qua quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như trong đời sống hằng ngày.
Tiếp nối tư tưởng đó, trong phát biểu nhậm chức ngày 3/8/2024 mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có lời hứa "gắn kết tư tưởng và hành động, ý đảng và lòng dân; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh; vì nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Tiếp đó, trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa khẳng định kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc,” “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.