Báo động tình trạng ly hôn tại Hải Dương: Bài 3-Nỗi đau phía sau những bản án
Ly hôn không chỉ là dấu chấm hết cho cuộc sống hôn nhân đó mà còn khởi đầu cho những tranh chấp về con cái, tài sản, thậm chí dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
''Cuộc chiến'' chưa có hồi kết
Qua quá trình tiếp nhận các vụ án ly hôn, Luật sư Ninh Văn Lực, Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Chánh (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương) nhận thấy hiện nay có nhiều vụ ly hôn kéo dài từ sơ thẩm đến phúc thẩm do tranh chấp quyền nuôi con, phân chia tài sản, nghĩa vụ chu cấp hằng tháng cho con chung... Những vụ án này không chỉ khiến cho những người trong cuộc tổn thương mà còn khá mệt mỏi vì mất quá nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi vụ việc.
“Với tâm trạng hậm hực sau khi đường ai nấy đi, nhiều người chắc chắn vẫn còn có ý nghĩ tại anh thế này, tại cô thế kia. Bên nào cũng đổ lỗi cho nhau. Thực tế những mâu thuẫn trong quá trình chung sống dẫn đến hôn nhân tan vỡ đã khiến nhiều người coi chồng cũ, vợ cũ như người xa lạ, thậm chí còn coi nhau như kẻ thù. Từ đó dẫn đến cách cư xử với nhau không văn hóa. Có những người cha, người mẹ còn đưa cả con cái tham gia vào việc của người lớn, để những đứa trẻ với suy nghĩ còn chưa chín chắn hiểu sai về cha hoặc mẹ….”, Luật sư Lực cho biết.
“Cháu rất nhớ mẹ, bố cháu đi lái xe suốt không có ở nhà. Cháu chỉ mong được ăn cơm cùng bố mẹ và em M. Bố còn không cho cháu gặp mẹ và em...”, lời nói hồn nhiên của cháu C.T.H. khiến người nghe quặn thắt. Nguồn cơn sự việc do chị N.T.L. và anh C.V.M. đã thuận tình ly hôn năm 2023 và Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng giao mỗi người nuôi một con chung. Hai bên tự nguyện không yêu cầu cấp dưỡng cho con và không ai được ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con chung. Sau khi ly hôn, anh M. không quan tâm chăm sóc con để con ăn uống tạm bợ, quần áo bẩn thỉu. Khi chị L. đến chăm sóc con thì anh M. ngăn cản, đánh chửi chị trước mặt làm con hoảng loạn. Do các cháu đều là nữ, hiện cần sự chăm sóc nên chị L. đề nghị Tòa xem xét giao con chung do anh M. đang nuôi cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Tòa đã chấp nhận giao chị L. trực tiếp nuôi dưỡng cả 2 con, không yêu cầu anh M. phải cấp dưỡng.
Không chỉ gây hậu quả trong gia đình, một số vụ ly hôn còn dẫn tới những bất ổn trong xã hội. Đơn cử, bà N.T.L. kết hôn với ông P.V.X. ở cùng xã Tân Việt (Thanh Hà) từ năm 1992. Đến năm 2015, ông X. và bà L. phát sinh mâu thuẫn trầm trọng, sống ly thân từ đó đến nay. Sau khi có bản án của Tòa, bà L. có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 12/12/2023, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà đến nhà ông X. thông báo về việc lùi thời gian cưỡng chế thi hành án đối với tài sản của gia đình ông thì có khoảng 200 người tụ tập tại đây. Sau đó một số người tụ tập thành đoàn hô hào người dân xung quanh, hò hét, cầm cờ Tổ quốc đi dọc đường thôn Ngọc Lộ ra đường liên xã Tân Việt - Hồng Lạc. Đoàn người vừa đi vừa hò hét, kích động mọi người ở cổng sân UBND xã Tân Việt... Công an huyện Thanh Hà đã điều tra, xác minh, sau đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Hà đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, khởi tố 4 bị can về tội gây rối trật tự công cộng.
Sa ngã, vướng vòng lao lý
Khi thiếu vắng tình cảm và dạy bảo của cả cha lẫn mẹ, nhiều trẻ đã rơi vào tâm trạng chán nản, bi quan, dễ bị sốc và sa ngã vào những tệ nạn xã hội, thậm chí vướng vào vòng lao lý.
Bố mẹ ly hôn, N.M.Đ. (sinh năm 2003, ở thị xã Kinh Môn) ở với bà nội. Đ. đã cùng nhóm bạn rủ nhau đi xe máy, nhặt gạch đá ném 15 xe container đang đi trên quốc lộ 5 gây thiệt hại hơn 36 triệu đồng. Trong khi các bị cáo khác đã được gia đình tự nguyện bồi thường cho các bị hại thì gia đình Đ. không có tiền để bồi thường. Tại tòa chỉ có mặt bà của Đ. với gương mặt buồn rầu, thương cháu. Hội đồng xét xử nhận định đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến tài sản, có thể gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của các lái xe, gây mất an toàn giao thông. Đ. đã bị xử phạt 20 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Năm 2012, Nguyễn Văn Đảo (sinh năm 1985, ở thị trấn Gia Lộc) kết hôn với chị N.T.X. (sinh năm 1992, trú tại xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ). Đến năm 2021, hai người ly hôn khi đã có 3 con chung. Tháng 1/2022, chị X. đến bán hàng thuê tại cửa hàng ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương). Đảo nghi ngờ trong thời gian sống cùng nhau, chị X. đã sử dụng hết tiền chung của hai vợ chồng. Khoảng 10 giờ 15 ngày 11/10/2023, cầm theo con dao bầu bọc trong chiếc áo khoác, Đảo đến chỗ chị X. đang bán hàng, vào trong cửa hàng, đâm liên tiếp nhiều nhát vào lưng, đầu và hai tay vợ cũ. Chị X. bị 11 vết thương phần mềm vùng thái dương, ngực, lưng, tay. Tỷ lệ tổn thương cơ thể 12%. Toà án Nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Đảo 12 năm tù về tội giết người.
Phóng viên Báo Hải Dương đã khảo sát ngẫu nhiên tại một trường THCS ở huyện Ninh Giang trong năm học 2023-2024 thấy có 37/236 học sinh có bố mẹ đã ly hôn; năm học 2024-2025 có 42/260 học sinh có bố mẹ đã ly hôn.
Thầy giáo N.V.H., Hiệu trưởng trường này cho biết: ''Việc có bố mẹ ly hôn đã ảnh hưởng đến kết quả học tập của các cháu, phần lớn số học sinh này có thành tích học tập trung bình, kém. Chỉ một số ít phụ huynh rất quan tâm con vì luôn trong tâm trạng thương con thiếu thốn tình cảm bố hoặc mẹ. Còn phần lớn sau khi bố mẹ ly hôn, mẹ không nuôi con mà để cả hai con cho bố nuôi, hoặc cả bố và mẹ không nuôi, phó mặc cho ông bà và bố mẹ xây dựng gia đình mới, không quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt của các con. Bố mẹ sau khi ly hôn cũng ít khi gọi điện hoặc tham gia họp phụ huynh, thường phó mặc cho thầy cô, ít có sự quan tâm, kèm cặp tới việc học hành của các con”.
Ngoài việc những người trong cuộc phải chịu đựng về một cuộc hôn nhân tan vỡ thì trẻ em là những người dễ chịu tổn thương nhất.
Kỳ cuối: Hết tình, còn nghĩa