Báo động tình trạng ly hôn tại Hải Dương: Bài 2-“Nghìn lẻ một” lý do đổ vỡ
Mâu thuẫn về kinh tế, ngoại tình, không hợp nhau trong chuyện “chăn gối”, bạo lực gia đình, bất đồng với người thân..., đó là “nghìn lẻ một” lý do dẫn tới các vụ ly hôn.
''Sống được thì sống, không thì giải tán''
Qua thực tiễn xét xử án hôn nhân – gia đình, Thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành nhận thấy phần lớn các nguyên đơn, bị đơn đưa ra lý do ly hôn là mâu thuẫn về kinh tế; tình trạng vợ, chồng ngoại tình; mâu thuẫn trong chuyện “chăn gối”; bạo lực gia đình; tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy; mâu thuẫn với bố mẹ, anh chị em hai bên; mâu thuẫn trong quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, con rể với bố mẹ vợ, giữa bố mẹ hai bên, giữa chị chồng, em dâu…
“Trước đây, ly hôn thường rơi vào các cặp vợ chồng 40-50 tuổi đã chịu đựng, cố gắng vì nhau thay đổi, sửa chữa đến khi không có kết quả mới đành buông tay. Còn hiện nay, cụm từ quen thuộc là: Tôi chỉ được thế thôi, sống được thì sống, không thì giải tán. Nhiều cặp đôi kết hôn khi chưa có sự tìm hiểu kỹ nhau, nhầm lẫn giữa tình yêu với sự hấp dẫn giới tính hoặc kết hôn vì những tính toán vị kỷ, cá nhân”, thẩm phán Ngọc Bích nhấn mạnh.
Phiên giải quyết ly hôn ngày 24/6 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ duy nhất người vợ là chị P.T.L. (sinh năm 1994, ở huyện Thanh Miện) có mặt. Chồng chị L. – anh N.T.B. vắng mặt. Chị L. kết hôn với anh B. từ năm 2013 khi chị mới 19 tuổi. 4 năm sau, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn do quan điểm bất đồng. Anh B. chơi bời không chịu làm ăn, thường ghen tuông vô cớ dẫn đến vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi nhau. Mâu thuẫn không thể hòa giải, chị L. đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ từ năm 2017 đến nay. Năm 2020, anh B. đi lao động tại Đài Loan, vợ chồng không liên lạc và không quan tâm đến nhau. Dù được gia đình hai bên hòa giải, khuyên bảo nhưng không có kết quả. Chị L. xác định tình cảm vợ chồng đã không còn, đề nghị tòa giải quyết ly hôn.
Ngoại tình là nguyên nhân được nhiều người cho rằng “không thể tha thứ”. Phiên tòa xử ly hôn ngày 26/9/2022 tại Tòa án Nhân dân TP Hải Dương, chị N.N.D. (sinh năm 1993, ở TP Hải Dương) chua chát trình bày: “Vợ chồng tôi có mâu thuẫn từ khi tôi mang bầu. Anh D. (chồng chị D.) có quan hệ với người phụ nữ khác. Một mình tôi lo toan kinh tế gia đình và trả nợ cho chồng. Quá đau khổ, tôi đâm đơn xin ly hôn để tìm lối thoát”.
Vấn đề bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn; vợ chồng nghiện cờ bạc, rượu chè... cũng là những lý do dẫn tới hôn nhân đổ vỡ. Nhiều vụ án được Tòa án Nhân dân hai cấp trong tỉnh đưa ra xét xử là do người chồng đang trong thời gian thụ lý án vì vi phạm pháp luật. Quá trình chung sống, Trần Văn Luân (sinh năm 1986, ở xã Kim Xuyên, Kim Thành) nhiều lần dùng tay, dây cắm nồi cơm điện, dây thắt lưng, lược bằng nhựa, thanh gỗ đầu giường, trụ nắm cầu thang đánh vợ. Có lần Luân dùng nước nóng trong phích hất vào người vợ. Khi vợ đang mang thai khoảng 7 tháng, Luân đã đánh vợ gây ra 61 vết bỏng da vùng mặt, ngực, lưng, tay... gây tổn thương cơ thể 48%. Trước khi đưa ra xét xử vụ án, Tòa đã xử Luân ly hôn với vợ. Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Văn Luân 6 năm 3 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, 3 năm 3 tháng tù tội hành hạ vợ.
Suy nghĩ cởi mở hơn
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Nguyễn Hải Bằng cho biết, ngoài những nguyên nhân mâu thuẫn thông thường trong cuộc sống hôn nhân gia đình, về góc nhìn xã hội vĩ mô hơn, có một số nguyên nhân khác dẫn đến ly hôn như có sự khác biệt về học vấn, mức sống, giới, tuổi... Càng ngày nhận thức pháp luật, nhận thức về quyền con người, bình đẳng giới càng tốt hơn. Phụ nữ đã biết sử dụng công cụ pháp luật để bảo vệ mình, vượt qua rào cản định kiến xã hội về ly hôn để chủ động chấm dứt quan hệ hôn nhân khi người chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ... Con số biết nói cho thấy, có khoảng 70% số vụ án ly hôn trên địa bàn tỉnh do phụ nữ chủ động yêu cầu (khởi kiện).
Tại tòa, mỗi khi tiếp nhận đơn ly hôn, cán bộ thụ lý luôn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng trường hợp để hòa giải, hàn gắn. Dù nỗ lực nhưng tỷ lệ hòa giải không cao. Với suy nghĩ cởi mở, nhiều cặp đôi trước khi ra tòa đã tự thỏa thuận về tài sản, nghĩa vụ nuôi con, đến Tòa án chỉ nhằm hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Ngoài ra, với vị trí thuận lợi và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Hải Dương là điểm đến, thu hút nhiều lao động ở các tỉnh khác đến lao động, sinh sống. Đây cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến số vụ ly hôn tăng. Số liệu thống kê sơ bộ của Tòa án Nhân dân tỉnh cho thấy nhiều trường hợp kết hôn tại các địa phương khác, sau đó đến Hải Dương lao động, cư trú và ly hôn tại Hải Dương. Số này tập trung vào các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp tập trung.
Kỳ sau: Nỗi đau phía sau những bản án