Ca bạch hầu ở Thanh Hóa có thể mang mầm bệnh tiềm ẩn
Thai phụ 17 tuổi ở Thanh Hóa không đi khỏi nhà trong hơn một tháng trước khi phát bệnh bạch hầu, giới chức y tế nhận định có thể nguồn bệnh khởi phát tại chỗ do người lành mang trùng.
Chiều 8/8, tiến sĩ Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thanh Hóa, nói như trên, thêm rằng: "Người lành có thể trước đó mang trùng, khi gặp môi trường thuận lợi, lại chưa được tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu nên phát bệnh".
Người lành mang trùng tức là người khỏe mạnh mang mầm bệnh tiềm ẩn trong cơ thể nhưng không biểu hiện triệu chứng. Môi trường để mầm bệnh phát triển có thể do điều kiện sống khó khăn, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng, người bệnh tiêm chủng không đầy đủ...
Giới chức y tế địa phương tiếp tục khoanh vùng, truy vết nguồn gốc để xác định nguyên nhân phát sinh ổ dịch bạch hầu tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát. Thai phụ trên là ca đầu tiên được ghi nhận tại đây. Hiện chuỗi lây nhiễm có 3 ca, đều là người thân trong gia đình. Một số người tiếp xúc gần (F1) thai phụ có biểu hiện viêm họng, song chưa có kết quả xét nghiệm dương tính.
Điều tra dịch tễ cho thấy thai phụ quê ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, lấy chồng về thị trấn Mường Lát đã lâu. Hơn 30 ngày trước khi phát bệnh, cô chưa từng đi khỏi nhà. Lai Châu là tỉnh ở Tây Bắc, giáp Lào Cai. Khu vực này những năm qua rải rác xuất hiện một số ổ dịch bạch hầu. Tuy nhiên, không rõ thai phụ có mang mầm bệnh từ trước khi lấy chồng hay không.
"Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh bạch hầu từ đâu song nếu đúng như khai báo của người mắc đầu tiên, ngành chức năng nhận định có thể bệnh phát sinh tại chỗ", ông Yên cho hay.
Khu phố Đoàn Kết vốn là bản Đoàn Kết, thuộc xã Tén Tằn, mới sáp nhập về thị trấn Mường Lát. Nơi đây có 169 hộ, gần 800 nhân khẩu, nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 270 km với 100% đồng bào Khơ Mú. Bản nằm lọt thỏm trong một thung lũng, bao quanh là rừng núi. Đời sống cư dân ở đây còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, tự cung tự cấp là chính.
Từ khi phát hiện ca bạch hầu đầu tiên (hôm 5/8), cuộc sống dân bản có nhiều xáo trộn. Nhà chức trách khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập đông người, không tiếp xúc gần các F1, tránh phát tán mầm bệnh khiến lây lan rộng trong cộng đồng.
21 F1 đang tiếp tục cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát và tại nhà. Ngoài ra, CDC Thanh Hóa xác định ca nghi nhiễm ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, cách ổ dịch Đoàn Kết khoảng 20 km, âm tính với bệnh bạch hầu sau hai lần xét nghiệm.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch huyện Mường Lát tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe để người dân chủ động tham gia phòng chống dịch. Các biện pháp cụ thể như sử dụng khẩu trang đúng cách, khử khuẩn nhà ở và khuôn viên bằng dung dịch Cloramin B. Tất cả F1 và người thuộc nhóm nguy cơ cao được uống kháng sinh dự phòng.
Người dân cũng được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Kết quả tiêm chủng các năm gần đây của Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng dịch Covid-19 và khan hiếm vaccine có thành phần bạch hầu.
Bộ Y tế hồi tháng 7 khuyến cáo bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 5 ca bạch hầu, trong đó một trường hợp tử vong là nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác. Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng.