Người nước ngoài ngạc nhiên với tục thờ cúng ở Việt Nam
Tim, 30 tuổi, vẫn không thể quên sự ngỡ ngàng 4 năm trước khi chứng kiến người Việt đốt tiền, quần áo, xe ô tô bằng giấy để "gửi" cho tổ tiên.
Ấn tượng đầu tiên của chàng trai 30 tuổi đến từ hạt Cumbria, Vương quốc Anh là người Việt có một truyền thống rất đẹp "luôn hướng về tổ tiên".
"Tôi chưa bao giờ nghĩ người đã khuất cần những thứ như vậy", anh kể. Tim thừa nhận mình không biết về quan niệm thế giới bên kia. Ở Anh, đám tang được xem là lời chia tay và kết thúc cuộc đời của một con người. Anh nhớ ngày mất của người thân nhưng không làm gì để tưởng niệm trong khi người Việt tin vào sự hiện diện của ông bà ở thế giới bên kia. Họ đốt vàng mã, thắp nhang, cúng bánh kẹo để gửi đến tổ tiên đồng thời cũng là sự an ủi cho người ở lại.
Tim và bạn gái đã thành vợ chồng, sống ở TP Thủ Đức. Ban đầu, anh không tham gia vào việc thờ cúng gia đình bởi không muốn giả vờ khi chưa thật sự hiểu về phong tục. Nhưng vợ đã cho anh cảm nhận về ý nghĩa đằng sau.
Cô nấu thức ăn, mua hoa quả đặt lên bàn thờ trong nhà và khấn vái, tin rằng những lời nói của mình sẽ gửi đến ông bà. Thức ăn được sử dụng sau khi cúng kiếng nên Tim tin rằng đó không phải sự lãng phí. "Người Việt Nam sống tình cảm và sâu sắc", anh nói.
Anh cũng dự đám giỗ và tang lễ ở gia đình vợ, càng hiểu hơn về phong tục này. Giờ đây, Tim cũng thắp nhang trên bàn thờ mỗi ngày và cúng rằm hàng tháng. "Tôi cảm giác người đã khuất không bao giờ mất đi trong lòng con cháu trong khi ở Anh, chúng tôi chỉ nhớ về kỷ niệm khi họ còn sống", Tim nói.
Sự khác biệt mà Tim cảm nhận giống như nhiều người nước ngoài khác trong khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), công bố hồi cuối tháng 7. Việt Nam đứng hàng đầu trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á ở các chỉ số liên quan đến việc thờ phụng ông bà, tổ tiên.
Mauritz Pretorius, 34 tuổi, nói đã tìm hiểu về tôn giáo, phong tục Việt Nam trước khi sang định cư nhưng vẫn nhiều lần bất ngờ trước văn hóa thờ cúng ở đây. Chàng trai người Nam Phi vẫn nhớ lần đầu mình đi tảo mộ cùng với gia đình vợ khoảng 25 người, gồm anh chị em, con, cháu.
Cận Tết, các thành viên dù rất bận nhưng vẫn có mặt đủ để tỏ lòng kính trọng đối với người đã khuất. Họ chuẩn bị thức ăn, dụng cụ lau chùi, di chuyển từ trung tâm đến nghĩa trang TP HCM hòa cùng dòng người cũng viếng mộ rất đông. Gia đình chia nhau làm sạch bia mộ, một số người dọn thức ăn, xếp trái cây lên đĩa, thắp nhang. Cuối cùng, họ đốt giấy tiền và đợi nén nhang tàn cùng nhau dùng bữa tại nghĩa trang.
Mauritz theo đạo Thiên Chúa, sống ở Việt Nam 6 năm, nói ấn tượng về truyền thống này. "Nó là chuyến đi 'khổng lồ' của đại gia đình", anh nói. "Tôi nghĩ để duy trì nhiều năm phải xuất phát từ tấm lòng".
Những ngày mới đến Việt Nam, anh cũng cảm thấy khó hiểu trước chiếc bàn chứa đầy ắp thức ăn, trái cây, muối gạo, tiền vàng giấy. Anh hỏi thăm mới biết họ cầu nguyện để mua may, bán đắt. Điều này chứng minh sự thờ cúng có mối liên hệ sâu sắc với mọi vấn đề của cuộc sống.
Khảo sát của Pew cho thấy 96% người Việt Nam nói họ đã thắp hương và 90% thường dâng hoa, nến, thức ăn để tưởng nhớ tổ tiên. Trong việc tin vào sự hiện diện của ông bà đã khuất, có 45% người Việt Nam nói họ đã kể với tổ tiên về cuộc sống của mình và 8/10 người nói sự phù hộ của ông bà đã giúp đỡ họ trong cuộc sống.
Đồng thời 70% người Việt Nam nói đi thăm mộ gia đình ít nhất một lần trong năm và 68% tin rằng việc tuân theo các nghi thức tang lễ truyền thống là rất quan trọng.
Warren, 29 tuổi, ở TP Thủ Đức nói anh đã từng hốt hoảng khi thấy người ta ném xấp tiền đô-la vào chiếc thùng inox đang cháy. Đó là trải nghiệm vào tháng 7/2019, lúc anh vừa đặt chân đến TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Warren đã kịp nhận ra đó chỉ là tiền giả. Một người bạn của anh giải thích người Việt Nam chỉ đang "gửi" tiền cho ông bà của họ.
Anh cũng đã từng chạy sau những chiếc xe tang, mọi người thường ném tiền giấy khi di chuyển trên đường phố như một cách cầu nguyện. Với Warren, điều này đôi khi phiền toái bởi nó làm cả đoạn đường đầy rác.
"Tôi nhận ra người Việt Nam cũng rất nghiêm khắc trong việc thờ cúng", anh nói. James kể vài đồng nghiệp của anh đã xin nghỉ phép bởi gia đình có đám giỗ. Họ đón xe về quê bởi không muốn vắng mặt trong ngày này.
Ở Anh, mọi người thường mang hoa ra nghĩa trang và đặt lên mộ nhưng không bao giờ mang thức ăn. Điều này khác biệt với Việt Nam bởi mọi người có thể ăn uống, quây quần như ông bà vẫn hiện diện.
"Họ lưu giữ ký ức lâu dài về người đã khuất. Nhưng nó cũng có thể gợi lại những khó khăn cũng như nỗi đau mất mát", James nói.