Nền kinh tế Mỹ suy thoái, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu ra sao?
Ám ảnh suy thoái kinh tế bao trùm lên Mỹ và điều này có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu. Vậy mức độ ảnh hưởng ra sao và thông qua các kênh nào?
Những con số đáng lo ngại
Từ đầu tháng 8, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo sau đợt bán tháo cổ phiếu, tình trạng xấu kéo dài đến đầu tuần này khi dữ liệu cho thấy chỉ số báo cáo việc làm Mỹ yếu hơn dự kiến. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này bất ngờ tăng lên 4,3% trong tháng 7 (từ mức 4,1% trong tháng 6), và tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại ở mức 114 nghìn việc làm - thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà quan sát.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs đã nâng ước tính về khả năng xảy ra suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong năm tới từ 15 lên 25%. Các nhà đầu tư lo ngại rằng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã duy trì chính sách lãi suất cao lâu hơn mức cần thiết. Lãi suất cơ bản của Fed đã ở mức 5,25 - 5,5% trong một năm nay, đây là mức cao nhất trong 23 năm qua. Giáo sư tài chính Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton cho biết, để nền kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ này cần phải nằm trong khoảng từ 3,5 đến 4%.
Nhìn chung, nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, vào tháng 9 tới Fed nên hạ lãi suất 0,25 hoặc 0,5 điểm phần trăm để giảm thiểu rủi ro suy thoái kinh tế, và chính Giáo sư Jeremy Siegel thậm chí còn mạnh dạn cho rằng Fed nên hạ lãi suất ngay tập lức 0,75 điểm phần trăm.
Ngoài dữ liệu thị trường lao động trong tháng 7, nhiều số liệu thống kê khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đang xấu đi trong bối cảnh chính sách thắt chặt của Fed như hiện nay. Ví dụ, báo cáo tháng 7 của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ suy giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong khi dữ liệu thay thế từ S&P Global cho thấy sự sụt giảm đầu tiên về số lượng đơn đặt hàng mới đối với các sản phẩm sản xuất của Mỹ trong ba tháng qua.
Ngoài ra, dữ liệu thất nghiệp mới nhất đã kích hoạt cái gọi là “Quy tắc Sahm”, được đặt theo tên của cựu chuyên gia kinh tế Fed Claudia Sahm, người đã đưa ra khái niệm này vào năm 2019. Quy tắc nêu rõ rằng, nếu mức trung bình luân phiên của tỷ lệ thất nghiệp quốc gia trong ba tháng vượt quá tỷ lệ thất nghiệp tối thiểu trong 12 tháng qua 0,5 điểm phần trăm hoặc hơn, nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu của suy thoái. Hiện theo chỉ báo “Quy tắc Sahm”, mức chênh lệch này ở Mỹ đang ở mức 0,53 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, bản thân chuyên gia Claudia Sahm tỏ ra lạc quan về nền kinh tế. Theo CNBC, bà Claudia Sahm nhấn mạnh, hiện nay nền kinh tế Mỹ không ở trong thời kỳ suy thoái bất chấp tín hiệu từ “Quy tắc Sahm”, song Mỹ đang đi đúng hướng. Theo Claudia Sahm, suy thoái kinh tế sẽ không xảy ra nếu có sự can thiệp của Fed khi giảm lãi suất cơ bản.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs nhấn mạnh rằng nguy cơ suy thoái có thể được kiểm soát, nền kinh tế Mỹ “nói chung đang hoạt động tốt” và Fed có thể nhanh chóng ứng phó với môi trường đang xấu đi bằng cách hạ lãi suất. Ngay trong ngày 6/8, các chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới đã phục hồi sau khi giảm một ngày trước đó. Ví dụ, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng hơn 10% sau khi giảm 12%, mức lớn nhất kể từ năm 1987. Giao dịch chứng khoán Mỹ vào ngày 6 tháng 8 mở đầu với mức tăng trưởng vừa phải sau khi các chỉ số này giảm trung bình 3% vào một ngày trước đó - tính đến 21 giờ (theo giờ Moscow) ngày 6/8, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng thêm 1,5 - 2%.
Theo tờ RBC của Nga, nhà quản lý danh mục đầu tư của Astero Falcon, bà Alena Nikolaeva lưu ý, “thị trường có xu hướng hoảng loạn và những sự kiện gần đây đã cho thấy điều này. Sự hoảng loạn thường đi kèm với việc bán ồ ạt các tài sản rủi ro, và điều này có thể dẫn đến sự biến động mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng những phản ứng như vậy không phải lúc nào cũng đi kèm với rủi ro suy thoái thực sự”. Trong quý 2 năm 2024, GDP của Mỹ đã tăng theo ước tính ban đầu là 2,8% trên cơ sở hằng năm được điều chỉnh theo mùa (SAAR), khiến mức tăng trưởng thực tế theo quý là khoảng 0,7%. Trong quý đầu tiên, tăng trưởng GDP trên cơ sở SAAR là 1,4%.
Nhà kinh tế học kinh tế của Bloomberg Alexander Iskov đánh giá sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ là “tương đối nhẹ”. Ông nói rõ: “Chúng tôi dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,5% vào cuối năm 2024 và lên 5% vào năm 2025”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại thừa nhận tình trạng suy thoái đang diễn ra sâu sắc ở Mỹ, tin rằng việc duy trì tăng trưởng kinh tế là “gần như không thể do lạm phát cao và thâm hụt ngân sách lớn”. Theo họ, nền kinh tế Mỹ đã trải qua một cú sốc tài chính lớn do việc Fed tăng lãi suất thêm 7%. Trong 2 năm, cơ quan quản lý Mỹ không chỉ tăng lãi suất từ 0 lên 5,5% mà còn cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng.
Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu
Theo tờ RBC, nếu xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ thì mức độ và thời gian của nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó có thể là sự bất ổn địa chính trị đang diễn ra sâu sắc hiện nay, căng thẳng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tạo ra sự bất ổn cho hoạt động kinh doanh và có thể dẫn đến đầu tư thấp hơn và sản xuất chậm hơn.
Theo giới chuyên gia kinh tế, có 2 kịch bản có thể xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ. Thứ nhất là nền kinh tế hạ nhiệt ở mức nhẹ, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Trong trường hợp này, tác động sâu sắc nhất sẽ bao trùm lên thị trường bất động sản và hoạt động mua sắm hàng tiêu dùng của Mỹ, song tác động toàn cầu sẽ ở mức vừa phải. Kịch bản thứ hai là tình trạng sụt giảm sâu, kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Trong trường hợp này, suy thoái kinh tế Mỹ có thể tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Trong khi đó, các nhà kinh tế Oleg Kuzmin và Andrey Melashchenko của Renaissance Capital chỉ ra trong một bài đánh giá vào ngày 6/8 chỉ ra rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ chồng chất lên các vấn đề khác trên thế giới, bao gồm cả rủi ro leo thang ngày càng tăng ở Trung Đông, nơi Iran và lực lượng thân Iran ở khu vực, như Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, có thể tấn công Israel, theo cảnh báo từ Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Ngoài ra, tình hình kinh tế ở châu Âu tiếp tục ảm đạm và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về cơ cấu. Do đó, sự khởi đầu của một cuộc suy thoái hoặc sự hạ nhiệt đáng kể của nền kinh tế Mỹ được cho là sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với dự kiến trước đây, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển (điển hình như Ấn Độ).
Theo bản cập nhật tháng 7 về dự báo kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2024 được dự đoán là 3,2% và tăng tốc nhẹ vào năm 2025 lên 3,3%. Ở Mỹ, tốc độ tăng trưởng được dự đoán lần lượt là 2,6 và 1,9%, ở Trung Quốc - 5 và 4,5%, ở Ấn Độ - 7 và 6,5%.