Ít nhất 27 thành viên thuộc đảng cầm quyền cũ của Bangladesh thiệt mạng
Thi thể các cựu thành viên đảng Liên đoàn Awami của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina đã được phát hiện tại một số thành phố của Bangladesh.
Theo tờ Dhaka Tribune, ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công và bạo lực ở Satkhira sau khi có thông tin bà Sheikh Hasina từ chức thủ tướng rồi rời khỏi Bangladesh ngày 5/8.
Nhà và doanh nghiệp thuộc về các nhà lãnh đạo, nhà hoạt động của đảng Liên đoàn Awam đã bị phá hoại và cướp bóc.
Tại thành phố Cumilla, ít nhất 11 người đã thiệt mạng sau khi bị đám đông tấn công. Sáu người nữa đã thiệt mạng khi nhà của một cựu quan chức Liên đoàn Awami bị đốt cháy.
Các thành viên gia đình của các nhà hoạt động thuộc đảng Liên đoàn Awami cũng nằm trong số những người thiệt mạng.
Vào ngày 5/8, trong bối cảnh hỗn loạn, bà Hasina đã từ chức và rời khỏi Bangladesh. Những người biểu tình đã xông vào nơi ở của bà và tình trạng cướp bóc, đốt phá hàng loạt đã nổ ra trên khắp cả nước.
Chỉ huy quân đội Bangladesh, ông Waker-uz-Zaman, đã xác nhận rằng một chính phủ lâm thời đang được thành lập.
Sinh viên đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố của Bangladesh vào đầu tháng 7, yêu cầu bãi bỏ hạn ngạch việc làm cho người thân của những người tham gia cuộc chiến giành độc lập năm 1971. Tình hình ở nước này đã leo thang khi các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn. Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát trở lại ở thủ đô Dhaka và các thành phố khác của Bangladesh vào ngày 4/8. Theo tờ báo Daily Star, ít nhất 10.000 người đã bị bắt kể từ khi bạo loạn nổ ra. Ít nhất 350 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Tình hình ở Bangladesh đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) tại Bangladesh bày tỏ rất lo ngại trước những thông tin về nhiều vụ tấn công nhằm nhóm thiểu số. Trên mạng xã hội X, Đại sứ EU tại Bangladesh Charles Whiteley nêu rõ những người đứng đầu phái đoàn EU rất lo ngại về nhiều vụ tấn công nhằm vào các nơi thờ tự, các thành viên tôn giáo, sắc tộc thiểu số tại quốc gia Nam Á này. Theo đó, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, phản đối bạo lực nhằm cộng đồng và bảo vệ quyền con người của tất cả công dân Bangladesh.
Trước những diễn biến bất ổn tại Bangladesh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Bangladesh và hy vọng quốc gia Nam Á sẽ sớm khôi phục ổn định xã hội.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trong ngày 6/8 thông báo Washington đã ra lệnh di tản các nhân viên chính phủ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và gia đình của họ khỏi Bangladesh trong bối cảnh tình hình bất ổn dân sự đang diễn ra. Trước đó, ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật cảnh báo đi lại đến Bangladesh, trong đó có lệnh di tản các nhân viên Chính phủ Mỹ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và các thành viên gia đình đủ điều kiện khỏi Dhaka. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo đi lại liên quan Bangladesh lên “Cấp độ 4 - Không được đi lại” hôm 20/7.
Trong khi đó, truyền thông Bangladesh đưa tin ông Muhammad Yunus, từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006, sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ lâm thời của nước này.
Theo hãng thông tấn BSS, quyết định được đưa ra tại cuộc họp giữa Tổng thống Mohammed Shahabuddin với người đứng đầu ba cơ quan cùng các thành viên điều phối của Phong trào sinh viên chống phân biệt đối xử để hoàn tất bộ khung của chính phủ lâm thời trong tối 6/8.
Trao đổi với BSS, Thư ký báo chí của Tổng thống Joynal Abedin cho biết Tổng thống Shahabuddin đã nhất trí với đề xuất tại hội nghị và các thành viên khác của chính phủ lâm thời sẽ được hoàn chỉnh trong sự tham vấn với các chính đảng khác.
Cũng theo BSS, phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Shahabuddin khẳng định Bangladesh đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc và để giải quyết vấn đề, chính phủ lâm thời cần phải được thành lập càng sớm càng tốt. Ông cũng hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Shahabuddin đã giải tán Quốc hội, mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi Bangladesh.