100% mẫu máu miễn dịch tả lợn châu Phi sau tiêm phòng
Kết quả kiểm tra tại xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho thấy 16 mẫu máu trên đàn lợn thịt của 3 hộ chăn nuôi đều có kháng thể dịch tả lợn châu Phi sau khi được tiêm phòng vaccine.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương đã lấy 16 mẫu máu trên đàn lợn thịt của 3 hộ chăn nuôi tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) để kiểm tra hàm lượng kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng. Kết quả, 100% số mẫu đều có kháng thể dịch tả lợn châu Phi với tỷ lệ đạt từ 66,98 - 97,99%, bảo đảm miễn dịch (tỷ lệ kháng thể dưới 40% không bảo đảm miễn dịch). Đây sẽ là cơ sở để Hải Dương xem xét, đánh giá tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng thời gian tới.
Trước đó, đầu tháng 7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn thịt ở 3 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Lợn khỏe mạnh, phát triển bình thường và không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vaccine kể từ khi tiêm phòng. Sau 28 ngày tiêm, đơn vị đã lấy các mẫu máu để gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương.
Vaccine được tiêm đánh giá là của Công ty CP AVAC Việt Nam. Loại vaccine này được dùng cho đàn lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, thuốc có thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng.
Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục triển khai thực hiện tiêm đánh giá vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt. Đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn lợn thịt sau khi tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra hàm lượng kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng phải yêu cầu dừng tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi tại 31 tỉnh, thành phố (nơi có tổng đàn lợn lớn) do lợn bị chết sau khi tiêm loại vaccine này.
Nhưng trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, ngày 24/7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc sử dụng vaccine theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để phòng chống dịch bệnh tại địa phương; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vaccine. Các địa phương báo cáo kết quả sử dụng vaccine (nếu có), cũng như kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến bộ để phối hợp, xử lý.