Giảm áp lực "học vẹt" môn ngữ văn
Từ năm học 2024-2025, việc không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ môn ngữ văn là một thay đổi quan trọng trong cách thức đánh giá học sinh, được kỳ vọng sẽ giảm áp lực phải học thuộc lòng - "học vẹt" cho học sinh THCS và THPT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, trong đó nêu đối với môn ngữ văn ở THCS và THPT, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Đây là một thay đổi quan trọng trong hệ thống giáo dục, hứa hẹn mang lại những tác động tích cực nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Khi đề thi không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ khuyến khích học sinh đọc hiểu sâu rộng. Các em sẽ phải tìm kiếm, đọc nhiều tài liệu khác nhau. Điều này khuyến khích khả năng tự học và mở rộng kiến thức, giúp học sinh làm quen với nhiều phong cách viết, ngôn ngữ khác nhau. Đọc hiểu sâu rộng không chỉ giúp nâng cao kỹ năng ngôn ngữ mà còn tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, xã hội, lịch sử. Học sinh sẽ học một cách tự nhiên hơn, tập trung vào việc hiểu sâu, ghi nhớ lâu dài.
Không còn bị bó buộc vào ngữ liệu sách giáo khoa, học sinh sẽ cần tư duy sáng tạo và phân tích để hiểu, bình luận về các văn bản mới. Họ sẽ phải giải thích, bình luận, đánh giá các văn bản chưa từng gặp, từ đó rèn luyện khả năng phân tích sâu sắc hơn. Kỹ năng tư duy phản biện sẽ được phát triển khi học sinh phải đánh giá, đưa ra quan điểm cá nhân dựa trên những gì họ đọc và hiểu.
Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa có thể giúp đánh giá chính xác, khách quan hơn khả năng thực sự của học sinh, tránh tình trạng học tủ, học vẹt, gian lận trong thi cử.
Bên cạnh những tác động tích cực thì việc ra đề thi không sử dụng ngữ liệu trong sách cũng tạo ra những khó khăn, thách thức ban đầu đối với giáo viên, học sinh.
Học sinh, giáo viên có thể gặp khó khăn ban đầu trong việc thích nghi với phương pháp đánh giá mới. Đặc biệt, học sinh ở các vùng sâu, vùng xa có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu ngoài sách giáo khoa do hạn chế về cơ sở hạ tầng, tài nguyên. Hơn nữa văn hóa đọc của chúng ta chưa cao, học sinh dễ bị ngợp trước những ngữ liệu mới.
Thời gian làm bài chỉ có 120 phút, mà học sinh phải đọc ra các tầng ý nghĩa trong hai văn bản mới (ở phần đọc hiểu và phần nghị luận văn học) với tổng độ dài các ngữ liệu có thể lên tới 1.300 chữ là rất khó. Nhưng để hiểu, phân tích, bình luận thấu đáo, sâu sắc, sáng tạo các văn bản mới (ngoài sách giáo khoa) theo yêu cầu của đề còn khó hơn nhiều, nhất là với học sinh đại trà, học sinh ở vùng sâu vùng xa ít được tiếp cận với các ngữ liệu tham khảo ngoài sách giáo khoa.
Giáo viên sẽ cần thay đổi phương pháp giảng dạy, tập trung vào việc phát triển kỹ năng đọc hiểu, phân tích của học sinh thay vì chỉ truyền đạt kiến thức từ sách giáo khoa. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng, kiến thức để hướng dẫn học sinh tiếp cận, phân tích các văn bản đa dạng. Giáo viên sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn để tìm kiếm, chọn lựa các ngữ liệu phù hợp trong giảng dạy, kiểm tra. Điều này có thể tăng thêm áp lực công việc, đòi hỏi sự hỗ trợ và đào tạo thêm cho giáo viên.
Việc không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ môn ngữ văn từ năm học 2024-2025 là một bước tiến quan trọng trong việc đổi mới giáo dục, hướng tới phát triển toàn diện kỹ năng, tư duy của học sinh. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hỗ trợ đầy đủ cho giáo viên và học sinh, cũng như hệ thống đánh giá linh hoạt, công bằng. Việc triển khai thay đổi này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.