Thị xã Hải Dương trong ký ức của mẹ
Từ bé tôi thường được nghe mẹ kể về thị xã Hải Dương, nơi gắn với thời thơ ấu và thanh xuân của mẹ và đó là ký ức khó quên.
Mẹ kể, năm 1954, ông ngoại lên lập nghiệp ở thị xã Hải Dương, khi ấy mẹ mới 6 tuổi. Nhà ông ngoại ở phố Nhà Thờ, một trong những con phố nhỏ, cổ nhất ở trung tâm thị xã lúc bấy giờ. Con phố nhỏ có tên ấy chắc vì gần nhà thờ công giáo do Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Phố Nhà Thờ có nhiều gia đình theo công giáo, gồm cả các gia đình công chức và buôn bán nhỏ. Cư dân trong phố Nhà Thờ sống hiền hòa, gắn bó. Dù gia đình ông ngoại không theo đạo nhưng tình xóm giềng rất đoàn kết, tối lửa tắt đèn có nhau.
Nhà thờ cách nhà ông ngoại tôi chỉ mấy bước chân. Những lúc rảnh rỗi, xong việc nhà, mẹ thường dắt các cậu, các dì ra chơi ở nhà thờ, nơi có một khoảng sân chơi rộng rãi, yên tĩnh và sạch sẽ. Đến giờ, mẹ vẫn nhớ giai điệu những bài thánh ca, tiếng chuông nhà thờ ngân vang mỗi chiều.
Mẹ tôi kể, thị xã ngày đó rất nhỏ bé và yên bình. Các đường chính trong thị xã chỉ đi một loáng là hết. Hai bên đường có rất ít nhà cao tầng, chủ yếu là nhà 1 tầng, kiến trúc đơn giản và nhỏ nhắn. Trong các phố nhỏ, ngõ nhỏ có nhiều nhà mái lá hoặc lợp giấy dầu. Cao nhất trong thị xã là tháp nước trong Cung văn hóa của thị xã (nay là Nhà Thiếu nhi tỉnh). Đây cũng chính là nơi phấp phới lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên trong ngày giải phóng thị xã 30/10/1954.
Ông ngoại tôi dạy học mãi tận Hải Phòng rồi Hồng Châu (Ninh Giang) nên việc nhà, nuôi dạy con cái do một tay bà ngoại quán xuyến. Chõ xôi bán đầu phố của bà mỗi sáng đã giúp ông bà nuôi dạy được 8 người con thành đạt. Bác cả tôi là giám đốc một doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi cơ chế, làm ăn có hiệu quả những năm 1985- 1990 của thị xã. Cậu tôi là huấn luyện viên bóng bàn nổi tiếng của tỉnh, có nhiều đóng góp và thành tích trong việc phát triển môn thể thao này, tạo nên "đặc sản bóng bàn" của Hải Dương. Mẹ và dì ba của tôi là giáo viên dạy cấp hai, dì tư và dì út đều là sĩ quan công an, còn dì năm và cậu thứ sáu là nhân viên ngành thương nghiệp.
Năm cấp một, mẹ tôi học tại Trường Con Gái (nay là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu). Mẹ bảo thị xã ngày đó có trường Con Gái hay gọi là Trường Nữ tiểu học, học sinh toàn con gái và Trường Con Trai (nay là Trường Tiểu học Tô Hiệu) hay còn gọi là Trường Nam tiểu học, toàn con trai.
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông con, mẹ tôi sớm bươn chải, lo toan. Ngoài việc làm chị của 6 đứa em lau nhau, mỗi sáng mẹ tôi làm thêm việc giao báo đến một số ty, cơ quan trong thị xã, nhân tiện còn giao bánh mì sáng cho các cô, chú trong các cơ quan ấy.
Những năm 1965, 1966, 1967 mẹ học tại Trường cấp 3 Hồng Quang. Thị xã khi ấy không còn vẻ yên bình như trước do Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh bắn phá miền Bắc. Cả thị xã vẫn vững vàng, hiên ngang, quyết tâm “địch phá, ta sửa ta đi”, “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “địch đánh ngày, ta làm đêm”. Mẹ bảo có thời điểm thị xã không người, đi sơ tán gần hết, chỉ còn có dân quân tự vệ và các đơn vị quân sự. Cầu Phú Lương thời đó có năm nhịp hình vành lược cong cong rất đẹp, có dáng tựa như cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương ở cố đô Huế. Mẹ thường đi bộ qua cầu mỗi lần về quê.
Khoảng năm 1966, trong chiến dịch phá hoại của Mỹ, cầu sắt Phú Lương bị bom phá sập, người, xe, tàu hỏa qua sông phải đi trên cầu cầu phao. Tôi không thể nào tưởng tượng ra trong thời chiến ác liệt, khó khăn, thiếu thốn, dưới mưa bom, bão đạn như vậy mà các kỹ sư của ta có thể xây dựng được cầu phao qua sông Thái Bình, bảo đảm cho những chuyến tàu hỏa vận tải hàng hóa, vũ khí, phương tiện qua sông thông suốt, an toàn.
Việc đưa những đoàn tàu hỏa nặng nề, cồng kềnh chở hàng hóa chạy trên cầu phao đường sắt thành công dưới bom đạn của Mỹ như một huyền thoại. Lòng dũng cảm, quyết tâm cao cộng với trí tuệ của những con người đã làm nên một kỳ tích thời chống Mỹ ngay tại thị xã Hải Dương. Sau này, đến năm 1973, cầu sắt Phú Lương được xây dựng lại và có hình hài khỏe khoắn như bây giờ.
Những năm học ở trường Hồng Quang mẹ tham gia dạy bổ túc văn hóa buổi tối cho nhân dân (và cả một số cán bộ) ở khu 5, phường Quang Trung. Mẹ cũng tham gia lao động công ích (rửa sỏi, đá) phục vụ xây dựng hội trường Đảng tỉnh, đôn đốc nhân dân tham gia phong trào thể dục buổi sáng ở các khu dân cư. Những hoạt động xã hội ấy đã giúp mẹ trưởng thành rất nhiều…
Ký ức của mẹ về thị xã Hải Dương chỉ là vài nét chấm phá trong một quãng đường lịch sử khó khăn, gian khổ mà hào hùng của quê hương.
TP Hải Dương nay đã khác. Kể lại chuyện xưa, tôi thường thấy trong mắt mẹ ánh lên niềm vui lấp lánh, như là niềm tự hào, như tình yêu mẹ dành cho thành phố và trao lại cho chúng tôi.