Truyện ngắn

Đừng chờ anh nữa

CẨM DƯƠNG 10/08/2024 10:00

Thì ra để chia tay nhau, chỉ cần một câu “Đừng chờ anh nữa”. Hai người đàn ông, cùng một lời nhắn chia tay bạn gái nhưng chỉ một chuyện tình có kết cục tốt đẹp.

truyện ngắn

Sân chùa được che nắng bởi các tàng cây nhãn, cây bồ đề, cây đa, cây sữa. Dưới mỗi bóng râm ấy là một đội pháo đất đang hì hụi nhào nặn pháo. Phương theo chân chị Dinh đi vào giữa sân pháo ấy. Những khoảng nắng vẽ hoa rập rờn, những nụ cười đôn hậu, tiếng nói râm ran, những giọt mồ hôi mướt mát, những khuôn mặt rám nắng... tất cả vẫn như hai mươi lăm trước. Hai mươi năm đã qua, kể từ cái ngày giữa hè Phương theo chị Dinh về quê xem hội pháo đất, có biết bao sự thay đổi, vậy mà trò chơi vẫn như thế, con người trong ngày hội vẫn dân dã, chân chất như thế.

Năm ấy, thi học kỳ xong, Phương theo chị Dinh về quê xem hội pháo đất. Chị đạp xe đi trước, Phương theo sau. Hơn hai tiếng đồng hồ thì tới quê chị. Ngôi làng nằm giữa những cánh đồng lúa và cạnh một con sông, như bao ngôi làng khác ở vùng đồng bằng châu thổ.

Chị Dinh dừng xe, dựa vào gốc đa già:

- Cây đa là mốc vào làng chị đấy. Ngồi nghỉ chút nhé. Hồi bé bọn chị hay ra đây chơi, thả trâu ở chỗ bãi cỏ kia.

Chị Dinh hơn tụi Phương hai tuổi nhưng lúc nào cũng ra dáng chị cả. Cả phòng tôn chị là trưởng phòng bởi chị lớn tuổi nhất và cũng hiền lành, chu đáo nhất. Chị như "bà già", hay kể chuyện hồi xửa, hồi xưa, như thể chị đã trải qua thời niên thiếu mấy chục năm rồi không bằng.

Chị Dinh đang kể chuyện chăn trâu, cắt cỏ cho Phương nghe thì từ dưới bờ sông hai người con trai đội nước nhô lên bờ, cắp thúng trai cạnh sườn, nước rơi lướt thướt. Chị Dinh chợt ửng đỏ hai gò má. Một người con trai tiến sát tới chỗ chị Dinh đứng, nhìn rất tình cảm, còn người kia thì đứng xa hơn một chút cười hiền.

- Em được nghỉ hè rồi hả? Sao không bảo để anh ra đón.

- Em đi với bạn.

Phương đoán ra người con trai đứng cạnh chị Dinh là anh Tùng, người hay gửi thư cho chị. Bọn Phương hay trêu là người yêu nhưng chị Dinh vẫn chối, bảo chỉ bạn bè thân thiết, chưa yêu đương gì.

- Em là Phương?

-Sao anh biết em?

- Thì chị Dinh hay kể về mấy cô bạn cùng trọ. Phương xinh gái, có má lúm đồng tiền.

Phương nhoẻn cười, để lộ ra hai lúm đồng tiền. Tùng chỉ người con trai:

- Bình, bạn anh cũng có má lúm đồng tiền y như em.

Tự dưng Phương đỏ mặt. Nhớ một lần chị Dinh bảo sẽ làm mối cho người bạn có má lúm đồng tiền giống như Phương. Giờ lại gặp ở đây, cứ như thể có sự sắp đặt của ông trời. Hai người kia lâu ngày không gặp nhau nên họ không để ý đến sự thay đổi của Phương cũng như không hề để ý đến câu chuyện chung nữa. Họ xoay ra nói chuyện riêng để mặc hai kẻ mới quen nhau tự trò chuyện.

Bình kể, hai người rủ nhau tắm sông và mò trai. Tưởng mò chơi ai ngờ gặp mẻ trai to nên giờ mới lên bờ và có duyên được gặp hai cô sinh viên sư phạm về nghỉ hè. Phương kể về cái xe cứng đầu đang đi xuống dốc thì tuột xích, loay hoay lắp không được, may quá có một bác thợ sửa xe chạy xe máy qua đã xuống lắp hộ. Bình kể đã chuẩn bị đất nặn pháo đâu vào đấy chuẩn bị cho ngày mai.

Nghe tới pháo đất, chị Dinh bèn quay lại.

- Hai người này là tay pháo số một của xóm Mới đấy em ạ. Nhất là Bình. Năm ngoái đội còn được chọn đi biểu diễn ở lễ hội Đền Hùng đấy.

- Vậy mai em được xem hai anh biểu diễn rồi.

Anh Tùng lấy túi ni lông bốc cho chị Dinh một ít trai bảo đem về nấu canh rau lang, nhưng chị Dinh nhất định không lấy. Lúc chia tay hai người, Phương hỏi, sao chị không lấy? Chị Dinh bảo, lấy trai của Tùng lộ ra bố mẹ chị mắng chết. Thì ra chuyện tình cảm của hai người vẫn trong vòng bí mật. Bố chị là thầy giáo làng khá nghiêm khắc, ông sẽ không vui nếu cô con gái còn đang học mà đã yêu đương. Nhưng ông cũng không cấm chị Dinh có bạn bè. Vậy nên, giữ ý, mỗi khi vào nhà chị Dinh chơi, bao giờ anh Tùng cũng rủ Bình hay mấy người bạn trai cùng xóm đi cùng.

Tối ấy, anh Tùng lại rủ Bình đến nhà chị Dinh chơi. Lấy lý do làng có hội nên bốn người rủ nhau ra chùa xem hát. Bố chị Dinh đồng ý.

Sân chùa khá đông người. Nào hát chèo, hát quan họ, cả hát chầu văn. Các tiết mục cây nhà lá vườn nhưng rất hấp dẫn. Nửa tiếng sau thì chỉ còn Phương và Bình ngồi dưới tán cây mẫu đơn nghe hát. Loa vang lên giọng ca nam trầm ấm bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Bình khoe:

- Bố Tùng hát đấy.

- Giọng bác ấy ấm và hay quá.

Bình kể: Bố Bình và bố Tùng từng là lính Trường Sơn, cùng bị thương. Bố Bình bị thương ở tay, còn bố Tùng bị thương ở bụng. May sao cả hai ông thoát chết mà về quê. Vài năm sau lấy vợ và sinh con. Nhà Tùng thì hai bác đẻ mấy lần nhưng cuối cùng chỉ nuôi được mỗi mình Tùng. Còn nhà Bình có ba anh em. Anh lớn đi Đức, lấy vợ bên đấy. Em gái Bình vừa lấy chồng. Còn Bình hai mươi lăm tuổi mà vẫn ăn bám bố mẹ.

Phương cười:

- Chị Dinh kể anh đang làm cho quán sửa xe máy trên thị xã mà nói ăn bám á? Thế thì bọn em đi học còn ăn bám thế nào.

- Các cô giáo tương lai như các em thì ai cũng quý. Giờ chỉ là còn đang học để về dạy chữ cho các em thơ, chứ ai gọi là ăn bám. Học nghề sửa xe máy cực khổ, dầu mỡ bẩn thỉu lắm. Chẳng ai người ta thích em ạ.

- Mỗi người một nghề. Làm gì thì cứ giỏi và yêu thích nó là được. Không có người sửa xe thì cứ dắt bộ xe như em chiều nay thì chết mệt.

- Cảm ơn em không chê nghề dầu mỡ của anh.

Anh Tùng và chị Dinh cầm mấy que kem đi vào. Cả bọn ngồi ăn kem và chuyện trò đến khi hết văn nghệ mới về. Lúc chia tay ở lối vào ngõ nhà chị Dinh, trong lòng Phương đã có cảm giác xốn xang khi nhìn vào mắt Bình.

Trưa hôm sau, chị Dinh dẫn Phương ra sân chùa xem hội pháo đất. Nhìn thấy Bình cởi trần, mặc quần đùi, da nâu bóng, mồ hôi nhễ nhại, đang ngồi nhào đất, nặn pháo cùng với các pháo thủ khác Phương đã không còn tự nhiên được nữa. Bình nhìn Phương, mỉm cười. Khi Bình được đội chọn gieo pháo, anh đỡ lấy mâm pháo, choãi chân giữ thế, tay nâng mâm pháo lên ngang mặt, rồi bặm môi, xoay người, tung pháo trong tiếng hô ran của cả đội: “Ra đi! Ra đi!”. Pháo đất nổ rền vang, dây pháo tung dài ra hai bên như râu rồng. Anh em nắm tay Bình reo hò. Ánh mắt Bình tìm nhìn Phương đầy hân hoan.

*

Phương trở lại quê mình, đem theo mùa hè rạo rực trong lòng. Lúc nào Phương cũng như nghe thấy tiếng pháo đất gieo. Bình hay mượn xe máy của chủ quán sửa xe đến nhà Phương chơi. Có hôm đi một mình, có hôm đi với anh Tùng. Tháng sau, Bình đã ngỏ lời yêu Phương, Phương đón nhận tình yêu của Bình. Trước ngày Phương lên trường đi học, nhân dịp làng lại mở hội pháo đất, Bình đến và đón Phương về quê chơi để ra mắt bố mẹ.

Bố mẹ Bình đều mừng khi con trai dẫn bạn gái về nhà. Ăn cơm trưa xong, hai người ra sân chùa xem hội. Nhưng Phương không thấy Tùng trong đội pháo của Bình, cũng không gặp chị Dinh. Đợi Bình gieo pháo xong, Phương hỏi chuyện. Bình kể:

- Bố Tùng trở bệnh, đi viện, cả nhà dắt díu nhau lên đó. Tùng xin việc làm thuê, đêm vào viện chăm bố thay mẹ. Còn Dinh mấy hôm nay anh cũng không gặp.

Sân chùa vẫn vang tiếng pháo đất nổ. Phương đi về phía cổng nhà chị Dinh. Bố mẹ chị Dinh không có nhà. Chị Dinh đang ngồi thẫn thờ trong bàn học, mắt sưng đỏ, húp híp. Nhìn thấy Phương, chị ứa nước mắt. Phương chột dạ:

- Có chuyện gì sao chị?

Chị đưa một lá thư tay cho Phương:

- Anh Tùng gửi thư về bảo chị đừng chờ anh nữa, học xong rồi lấy chồng đi.

- Anh ấy đổi lòng sao? Phương gặng hỏi.

Chị Dinh khóc rấm rức. Vừa khóc chị vừa kể câu chuyện buồn của nhà anh Tùng. Bác Khang, bố anh Tùng trở bệnh, đi xét nghiệm, người ta bảo bị nhiễm chất độc da cam, giới thiệu lên tuyến trên. Người làng nhiều chuyện, nói bác Khang bị ảnh hưởng chất độc da cam nên có đến mấy người con nhưng không nuôi được. May vớt vát được anh Tùng. Nhưng có khi Tùng cũng bị di truyền chất độc da cam rồi. Bố mẹ chị Dinh hay tin, không chấp nhận cho chị yêu anh Tùng nữa. Chị Dinh đau khổ, thuyết phục mãi bố mẹ chị cũng không chịu. Nay ngày hội pháo đất, chị chẳng muốn ra xem. Chị mong ngày anh Tùng về. Nhưng anh Tùng chưa thấy về mà thư dứt tình của anh đã gửi về cho chị.

Nước mắt chị Dinh lại òa ra.

- Giờ chị tính sao?

- Chị sẽ viết thư động viên anh ấy, chứ chẳng biết tính sao.

Lên trường học, chị Dinh ít nói hẳn. Chị cũng không nhận được thư của anh Tùng nữa. Phương sợ chạm đến nỗi buồn của chị Dinh cũng không dám hỏi chuyện nhiều. Bình lên ký túc xá thăm Phương một lần. Sau đấy một tháng, không thấy Bình lên. Một thời gian sau Phương nhận được thư của Bình, lòng đầy hồi hộp. Mở thư ra, Phương choáng váng bởi những dòng chữ:

“Phương em! Anh xin lỗi em vì quyết định này. Anh trai anh về chơi. Gia đình và anh đã quyết cho anh đi theo anh trai sang Đức. Anh muốn đi để thay đổi cuộc đời. Còn ở nhà anh chỉ làm một thằng sửa xe quèn, không biết tương lai thế nào. Em đừng chờ anh nữa. Lá thư này đến tay em thì có lẽ anh đã sang đó rồi. Anh xin lỗi em!”.

Phương lặng người đi. Trời đất như xám xịt trước mắt. Phương phải dựa vào tường cho khỏi ngã. Thì ra để chia tay nhau, chỉ cần một câu “Đừng chờ anh nữa”. Hai người họ là bạn nhau, bảo sao lại viết câu dứt tình giống nhau đến thế. Có điều, Tùng vì hoàn cảnh éo le mà phải viết vậy cho người yêu đi lấy chồng. Như thế là Tùng yêu chị Dinh nhiều lắm. Còn Bình, dứt bỏ mối tình đầu để đi tới mảnh đất mới, tìm cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân. Bình không quan tâm đến cảm xúc của Phương. Bình đâu có yêu Phương tha thiết như lời Bình nói.

Người Phương rung lên, Phương khóc.

*

Chị Dinh kéo tay Phương đi tới chỗ anh Tùng đang nặn pháo:

- Chào Phương nhé. Em có muốn gieo pháo không?

Phương xua tay:

- Em thì gieo được chữ thôi.

Thằng Phúc, con trai anh chị đi đến đỡ mâm pháo từ tay các pháo thủ, rồi xoay người tung pháo lên, pháo nổ vang, dây pháo văng ra thẳng căng. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang sân chùa.

Phương nhìn anh Tùng, nói:

- Ngày ấy mà chị nghe lời “đừng chờ anh nữa” thì sao có cậu pháo thủ này nhỉ?

Anh Tùng cười, tay vờ gãi tai:

- Duyên số em ạ.

Chị Phương khẽ lấy khăn chấm mấy giọt mồ hôi trên má chồng:

- Chị nói với bố mẹ chị, không cho lấy anh ấy, chị sẽ không lấy ai.

Một năm sau, gia đình anh Tùng mới về làng. Bác Khang đã khỏe lại, có thêm suất tiêu chuẩn hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cũng thêm được tiền thuốc men. Chị Dinh tới thăm nom như con gái. Anh Tùng không tránh mặt chị nữa.

Anh chị vui mừng làm đám cưới. Đêm tân hôn, trong phút giây hạnh phúc thiêng liêng, anh Tùng ôm chị Dinh vào lòng thì thầm: “Cảm ơn em đã chờ anh!”. Anh kể, trước khi về, anh đã đi kiểm tra và bác sĩ bảo anh bình thường, có thể lấy vợ, sinh con. Nghe anh nói, chị Dinh cười mà rơi nước mắt.

Phương nghe chuyện của anh chị mà tưởng như đang nghe một chuyện tình trong cổ tích.

Chợt chị Dinh kéo tay Phương, chỉ người đàn ông đang đi đến:

- Em có nhận ra ai không?

Phương nheo mắt:

- Ai như anh Bình?

- Bình đấy, về hôm giỗ bố.

Bình đi tới, mỉm cười chào hai người. Khuôn mặt bự không còn đôi lúm đồng tiền như xưa. Bình bắt tay Dinh, rồi đến Phương:

- Anh vẫn chờ ngày hội pháo đất được gặp lại em. Em thế nào?

- Cảm ơn anh. Em vẫn khỏe ạ.

Thằng Phúc lại đỡ mâm pháo ra gieo, Phương kéo tay chị Dinh đi:

- Ra cổ vũ cho thằng Phúc đi chị!

Tiếng pháo đất nổ vang rền.

CẨM DƯƠNG