Khi nào không nên quay lại với người cũ?
Có đến không ít cặp đôi đã chia tay rồi lại tái hợp nhưng chỉ 3% trong số này có thể đi cùng bên nhau đến cuối con đường.
Thời gian gần đây đang xuất hiện nhiều thông tin cho rằng cặp sao nổi tiếng Hollywood, Jennifer Lopez và Ben Affleck đang làm thủ tục ly hôn. Hai người từng yêu nhau, đính hôn nhưng chia tay vào đầu năm 2004. Năm 2021, họ tái hợp, kết hôn vào hè 2022.
Câu chuyện như của hai ngôi sao này không hiếm. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc từng chỉ ra một thực tế, xác suất các cặp đôi quay lại với nhau sau chia tay là 82% nhưng sau đó, chỉ có 3% có thể đi đến cùng bên nhau đến cuối con đường. 97% là chia tay với lý do giống như lần đầu tiên họ tan vỡ.
Courtney Boyer, chuyên gia về các mối quan hệ, tác giả cuốn sách bán chạy Not Tonight, Honey chỉ ra những dấu hiệu quan trọng cần chú ý trước khi quay lại với người yêu cũ.
Cả hai đã thực sự tha thứ cho quá khứ của nhau chưa?
Tầm quan trọng của sự tha thứ luôn được nhắc đến trong mọi mối quan hệ. Sự oán giận chưa được giải quyết sẽ làm trầm trọng thêm và làm suy yếu mối quan hệ của bạn, ngay cả khi nối lại tình xưa. Nếu bạn không sẵn lòng tha thứ cho đối tác hoặc chính bạn vì quá khứ của họ, điều đó sẽ ám ảnh mối quan hệ hiện tại.
Điều quan trọng, bạn cần xác định được lý do tại sao mối quan hệ ban đầu kết thúc. Điều gì đã gây ra sự sụp đổ? Hãy thực sự trung thực với những gì đã dẫn đến mối quan hệ thất bại và xem làm thế nào để ngăn chặn nó trong tương lai.
Bạn có biết mình thật sự muốn gì?
Mục tiêu của việc có đối phương trong cuộc sống của bạn là gì? Có phải là để lập gia đình không? Có phải là để đáp ứng một nhu cầu cụ thể không? Cần thật rõ ràng về những gì bạn muốn và đảm bảo người kia cũng vậy. Sau đó hãy xem liệu họ có thực sự có thể đáp ứng được nhu cầu đó không.
Tiến sĩ Becky Spelman, nhà tâm lý học người Mỹ nói: "Quyết định xem bạn có nên hàn gắn lại mối tình cũ hay không là một quyết định hết sức cá nhân và chủ quan". Theo bà, nên trò chuyện cởi mở và trung thực với đối tác và tìm kiếm sự hướng dẫn từ bạn bè, thành viên gia đình và đưa ra quyết định.
Cần xác định bạn và đối tác có giá trị, mục tiêu và nguyện vọng tương thích hay không. Điều quan trọng là phải có điểm chung và tầm nhìn chung cho tương lai để đảm bảo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ. Cả hai nên thể hiện mong muốn kết nối lại và đầu tư vào mối quan hệ trong tương lai. Điều quan trọng là đảm bảo rằng cả hai đều cùng chung quan điểm và sẵn sàng nỗ lực cần thiết để mối quan hệ này thành công.
Tiến sĩ Becky Spelman cũng chỉ ra dấu hiệu quan trọng chỉ ra việc bạn không nên quay lại với người yêu cũ: "Nếu bạn chỉ trích bản thân nhiều hơn và không thể giải quyết nỗi buồn từ khoảng cách trong mối quan hệ, điều này có thể khiến hai bạn khó có thể phát triển hơn nữa. Nếu đối tác không cho phép bạn thổ lộ mọi chuyện thì có lẽ đã đến lúc phải cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ này".