Giới chức ngoại giao các nước chạy đua để giảm căng thẳng ở Trung Đông
Áp lực ngoại giao đang gia tăng nhằm ngăn chặn leo thang giữa Iran và Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh cấp cao Hamas khiến căng thẳng khu vực tăng cao.
Theo hãng tin AFP ngày 5/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này quyết tâm chống Iran và các nhóm vũ trang thân Iran trên mọi mặt trận.
Khi cuộc chiến chống Hamas ở Gaza sắp bước sang tháng thứ 11, Israel đã chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc tấn công trả đũa từ Iran và các nhóm thân Iran.
Vụ ám sát xảy ra vài giờ sau khi cuộc tấn công của Israel vào Beirut giết chết chỉ huy quân sự của phong trào Hezbollah ở Liban là Fuad Shuk.
Ngày 5/8, Iran khẳng định không ai có quyền nghi ngờ quyền hợp pháp của Iran trong việc trừng phạt Israel vì vụ giết ông Haniyeh.
Trong bối cảnh đó, các bên khẩn trương tìm cách giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức các cuộc thảo luận với đội ngũ an ninh quốc gia.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/8 kêu gọi tất cả các bên ở Trung Đông tránh leo thang. Ông Blinken cho biết nước này đang nỗ lực ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, đồng thời hối thúc Israel và Hamas phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực thông qua lệnh ngừng bắn.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Australia Penny Wong ở Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh Trung Đông đang ở thời khắc quan trọng do lo ngại Iran đang chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào Israel, khuyến cáo căng thẳng leo thang không có lợi cho bất kỳ bên nào mà chỉ dẫn đến nhiều xung đột, bạo lực và bất ổn hơn.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Michael Kurilla, đã tới Trung Đông ngày 3/8, có kế hoạch thăm Jordan và Israel trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang nguy hiểm.
Một nhà ngoại giao châu Âu ở Tel Aviv dự báo rằng sẽ có phản ứng phối hợp giữa Iran và các lực lượng thân Iran nhưng giới chức ngoại giao vẫn tiếp tục nỗ lực giảm leo thang. Nhà ngoại giao này nói: “Chúng tôi đang nói với họ rằng họ phải ngừng đùa với lửa vì nguy cơ bùng phát cao hơn bất cứ lúc nào kể từ ngày 7/10/2023”.
Một quan chức Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cho biết OIC sẽ nhóm họp vào ngày 7/8 theo yêu cầu của Palestine và Iran để thảo luận về những diễn biến trong khu vực.
Ngày 5/8, trong một tuyên bố, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk nhấn mạnh rằng ông vô cùng quan ngại về nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên cùng các quốc gia có ảnh hưởng hành động khẩn cấp để giảm leo thang tình hình vốn đã trở nên rất bấp bênh này. Theo ông Turk, trong 10 tháng kể từ khi nổ ra xung đột giữa Hamas và Israel, dân thường đã phải chịu đựng nhiều khổ đau tột cùng do bom đạn. Chính vì vậy, ông nhấn mạnh cần làm mọi điều để ngăn chặn căng thẳng lan tới bờ vực thẳm sẽ gây hậu quả thảm khốc hơn nữa.
Trong khi đó, theo tuyên bố chung ngày 5/8, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani và người đồng cấp Iraq Fuad Hussein đã đồng ý thực hiện mọi nỗ lực để tránh leo thang trong khu vực. Italy hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm G7.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi kiềm chế ở Trung Đông khi trao đổi với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi ngày 4/8 có chuyến công du tới Iran trong nỗ lực ngoại giao phút chót nhằm ngăn chặn xung đột có nguy cơ lan rộng ở Trung Đông.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã khuyến cáo công dân không tới Liban, Iran và Israel.
Ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã khuyến cáo mạnh mẽ công dân ở Liban và Israel rời khỏi các nước này càng sớm càng tốt do tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Jae-woong nói: "Chính phủ Hàn Quốc...hy vọng rằng những nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng như đàm phán ngừng bắn và thả con tin sẽ không dừng lại".
Trước đó, ngày 5/8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Liban đưa ra cảnh báo yêu cầu công dân Trung Quốc đi lại cẩn trọng nếu đến đất nước Trung Đông này, đồng thời nhấn mạnh họ có thể phải đối mặt với nguy cơ an ninh cao hơn do lo ngại về xung đột khu vực gia tăng.
Hãng tin Ansa ngày 5/8 dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani kêu gọi công dân nước này ở Liban tránh xa khu vực miền Nam và trở về nhà bằng các chuyến bay thương mại càng sớm càng tốt, do tình hình ngày càng xấu đi.
Đức cũng đang chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Liban và nhiều địa điểm khác ở Trung Đông. Không quân Đức đã sẵn sàng điều một đội nhỏ máy bay vận tải A400M đến để đón người dân từ Beirut.
Nhiều hãng hàng không đã đình chỉ các chuyến bay đến Liban hoặc hạn chế các chuyến bay vào ban ngày.
Hãng Lufthansa của Đức đã đình chỉ các chuyến bay đến khu vực, trong đó có Tel Aviv, đồng thời cho biết máy bay hãng sẽ tránh không phận Iraq và Iran cho đến ít nhất là ngày 7/8.
Hãng hàng không Royal Jordanian Airlines thông báo sẽ khai thác ba chuyến bay trong tuần này để vận chuyển công dân ra khỏi Beirut.