Nhà đất

Kinh Môn gỡ khó trong giải phóng mặt bằng

LÊ HƯƠNG 08/08/2024 05:30

Thời gian qua, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã quyết liệt giải phóng mặt bằng nhằm triển khai các dự án, nhất là các công trình trọng điểm.

img_5447(1).jpg
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và khu tái định cư xã Thượng Quận đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng

Dồn lực cho công trình trọng điểm

Thị xã Kinh Môn hiện có 4 dự án, công trình trọng điểm. 2 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư là nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5. Còn lại 2 dự án do UBND thị xã Kinh Môn làm chủ đầu tư là xây dựng đường nối cầu vượt sông Kinh Môn với đường tỉnh 389B; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và khu tái định cư xã Thượng Quận.

Ban đầu, cả 4 dự án đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Đa số các hộ có đất bị thu hồi đều có tâm lý ngại thay đổi, do dự về mức hỗ trợ, đền bù do không nắm hết các quy định… Để giải quyết khó khăn, từ ngày 1/1-31/7, thị xã Kinh Môn tập trung giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm bằng nhiều biện pháp quyết liệt.

Tính đến hết ngày 31/7, 3 trong tổng số 4 dự án nêu trên đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng với tổng diện tích trên 12 ha (diện tích thực hiện trên địa bàn thị xã). 100% số hộ, cá nhân có đất bị thu hồi của 3 dự án đã đồng thuận phối hợp kiểm kê hiện trạng, ký phương án bồi thường, hỗ trợ. Sau khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, UBND thị xã đã hoàn thành chi trả với số tiền trên 141 tỷ đồng.

Đối với Dự án Xây dựng đường nối cầu vượt sông Kinh Môn với đường tỉnh 389B, UBND thị xã Kinh Môn phê duyệt tháng 11/2023, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Dự án có 128 hộ, cá nhân có đất bị thu hồi, gồm 8 hộ có đất ở, đất vườn trong cùng thửa đất ở, diện tích 815,5 m2; 102 hộ có đất nông nghiệp, diện tích 35.938 m2 và 18 hộ có tài sản, cây cối trên đất công ích.

Đến nay, 127 trong tổng số 128 hộ đã đồng thuận ký phương án bồi thường, hỗ trợ. Sau khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thị xã Kinh Môn đã chi trả xong cho 127 gia đình, cá nhân với số tiền trên 26 tỷ đồng. Còn 1 hộ có tài sản xây dựng trên đất công ích, UBND thị xã đã báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương, chính sách hỗ trợ.

Với một phần nhỏ diện tích đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích, hệ thống đường bê tông do nhân dân đóng góp thuộc các dự án nói trên, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thị xã đã hoàn thiện hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và chi trả theo quy định...

Ngoài các dự án công trình trọng điểm, thị xã Kinh Môn còn 5 dự án điểm, khu dân cư, khu đô thị. Từ đầu năm đến ngày 31/7, thị xã đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư mới phường Thất Hùng và đang triển khai các dự án còn lại.

Công khai quy hoạch, kế hoạch và tăng cường vận động

tuyen truyen (OK)
Các cán bộ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thị xã Kinh Môn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong khu vực giải phóng mặt bằng dự án

Để đạt kết quả trên, UBND thị xã Kinh Môn đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Kinh Môn, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thị xã cho biết, để giải quyết những bất cập, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thị xã đã huy động tối đa nhân lực, lập kế hoạch chi tiết và thực hiện giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng trình tự, quy định, dựa trên thực tế từng dự án.

Địa phương công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư; các cơ chế, chính sách trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giải thích rõ cho người dân mục tiêu, lợi ích, hiệu quả của dự án mang lại cho xã hội.

Anh Phạm Văn Thắng, Công chức Địa chính xã Thượng Quận, trong quá trình triển khai dự án, khi có vấn đề phát sinh, cần nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ thấu đáo với người dân. “Chúng tôi xuống từng gia đình, thậm chí vào ngày cuối tuần, buổi tối, tranh thủ khi người dân ở nhà để gặp gỡ, chia sẻ, giải thích cặn kẽ và tuyên truyền các quy định cho người dân hiểu…”, anh Thắng nói.

Chính vì vậy, các dự án đều được hầu hết người dân đồng thuận cao. Bà Đặng Thị Oanh ở xã Thượng Quận có hơn 2.000 m2 đất thuộc diện thu hồi tại Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và khu tái định cư xã Thượng Quận. Lúc đầu, gia đình bà còn băn khoăn, cho rằng mức hỗ trợ, đền bù chưa thỏa đáng. Sau một thời gian dài được tuyên truyền, phổ biến các quy định, lợi ích dự án mang lại, gia đình bà đã chấp thuận phương án hỗ trợ.

LÊ HƯƠNG