Giá thuê mặt bằng bán lẻ có thể tăng gần 20% năm nay
Mặt bằng bán lẻ ở trung tâm có thể tăng 18% trong năm 2024, bất chấp công suất thuê có xu hướng giảm, theo CBRE.
Báo cáo của nhiều đơn vị tư vấn bất động sản cho thấy nguồn cung bán lẻ ở Hà Nội vẫn hạn chế, trong khi nhu cầu tăng từ các thương hiệu quốc tế lớn đã đẩy giá thuê đi lên.
Nửa đầu năm nay, CBRE - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ về tư vấn bất động sản, quản lý đầu tư - cho biết thị trường Hà Nội chỉ có một dự án mới ra mắt ở quận Hà Đông, với diện tích cho thuê hơn 10.000 m2. Nguồn cung ít ỏi khiến giá thuê hàng tháng có xu hướng tăng mạnh ở khu vực trung tâm, đạt 180 USD mỗi m2. Mức này tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo dữ liệu của hãng dịch vụ bất động sản Avison Young, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội hơn 1 triệu m2, trong đó trung tâm thương mại chiếm thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, trong quý II, thành phố không ghi nhận thêm nguồn cung mới. Điều này kéo giá thuê trung bình tăng 3% theo quý tại khu vực trung tâm và 15% ở vùng ven.
Phân khúc khối đế bán lẻ được Avison Young ghi nhận tăng giá thuê cao nhất, lên đến 15%. Một vài dự án điều chỉnh giá thuê theo tháng, như Handio Tower (Nam Từ Liêm) từ 28 lên 35 USD một m2 hay BRG 16 Láng Hạ (Ba Đình) từ 40 lên 45 USD mỗi m2.
Đơn vị nghiên cứu Savills cũng cho biết thị trường trong quý II ghi nhận nhiều giao dịch sôi động trong ngành F&B. Đơn cử, chuỗi pizza 4P's tăng gấp đôi diện tích cửa hàng tại Lotte Centre Hà Nội hay nhà hàng nướng Nhật Bản Gyu Shige mở chi nhánh đầu tiên tại một dự án mặt đường Láng, quận Đống Đa. Điều này thúc đẩy giá thuê gộp tầng trệt tăng 13% theo năm, lên 2 triệu đồng một m2 một tháng. Mức thuê tại một số khu trung tâm mua sắm đạt 1,3 triệu đồng mỗi m2, riêng ở quận trung tâm là 3,4 triệu đồng một m2.
Từ nay đến hết năm, giá thuê mặt bằng bán lẻ được dự báo tiếp tục leo thang. CBRE cho biết khu vực trung tâm có thể tăng 17-18%, còn vùng ven thêm 8-9%. Trong ba năm tới, giá thuê hai khu vực này đắt thêm lần lượt 10% và 3%.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam cũng dự báo giá chào thuê trung bình có thể nhỉnh 50 USD mỗi m2 một tháng.
Trái ngược với đà tăng giá, công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ có xu hướng giảm nhẹ. Theo Savills, công suất thuê hạ 3% theo quý và 2% theo năm, đạt khoảng 84%. Đà giảm tập trung vào các trung tâm mua sắm, với diện tích cho thuê sụt đến 54.000 m2.
Tương tự, Avison Young cho biết tỷ lệ lấp đầy cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm giảm nhẹ, lần lượt 3% và 1%. Ông David Jackson cho biết khách thuê có xu hướng di chuyển sang mặt bằng bán lẻ khu vực vùng ven để có không gian rộng, giá rẻ hơn so với diện tích hẹp ở trung tâm. Tuy vậy, hãng tư vấn dịch vụ bất động sản này cho rằng tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ có thể tăng trưởng tích cực ở nửa cuối năm nay, đạt hơn 90%.
Hai năm tới, nguồn cung mới sẽ dồi dào hơn với 6 trung tâm mua sắm và 11 khối đế bán lẻ bổ sung mới, theo Savills. Các trung tâm này sẽ chiếm gần 70% nguồn cung, còn khối đế bán lẻ hơn 30%. Nguồn cung mới tập trung ở các quận Tây Hồ, Đống Đa, Hoàng Mai...
Trước áp lực nguồn cung mới dồi dào, các chuyên gia khuyến nghị chủ đầu tư sở hữu mặt bằng cũ cải tạo, tái cơ cấu mô hình khách thuê nhằm tạo không gian cho nhiều thương hiệu mới gia nhập và nâng cấp trải nghiệm khách hàng.