Nhà đất

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng nào ở Hải Dương thuộc diện xem xét hỗ trợ về đất?

PV 05/08/2024 13:00

Xem xét chính sách hỗ trợ về đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hải Dương là một trong những nội dung tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 8 (lần 2) sáng 5/8.

img_1246.jpg
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 2). Ảnh: Thanh Nga

Về nội dung này, UBND tỉnh thống nhất sự cần thiết phải ban hành chính sách hỗ trợ để phù hợp quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 và Nghị định 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ con số hơn 11.000 người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số đang phân bổ cụ thể ở đâu, cần có danh sách cụ thể đối tượng được hưởng chính sách này tập trung ở 2 xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám của Chí Linh, chủ yếu là dân tộc Hoa và Sán Dìu. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện tờ trình; phối hợp TP Chí Linh rà soát ngay những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ khi thực hiện nghị quyết này.

Theo tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, đối tượng áp dụng của chính sách này gồm đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất sinh hoạt cộng đồng. Cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc một trong các trường hợp sau: chưa có đất ở, không còn hoặc thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh; chưa có đất nông nghiệp, không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp; có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ.

Cụ thể: tỉnh sẽ bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng đến từng thôn tại nơi chưa có đất sinh hoạt cộng đồng theo quy định, chính sách của tỉnh phù hợp phong tục, tập quán, tín ngưỡng văn hóa và điều kiện thực tế từng dân tộc, từng địa phương.

Về hỗ trợ đất ở: Trường hợp không có đất ở, không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác đang sử dụng hợp pháp sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác đang sử dụng hợp pháp sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh và được miễn tiền sử dụng đất.

img_1235.jpg
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày dự thảo tờ trình về chính sách hỗ trợ về đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Về hỗ trợ đất nông nghiệp, có 2 trường hợp: Trường hợp không có đất nông nghiệp, không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp thì được nhà nước giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức và không thu tiền sử dụng đất.

Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp mà Nhà nước không bố trí được quỹ đất, nếu có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh thì được cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất.

Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp mà Nhà nước bố trí được quỹ đất để giao tiếp nhưng không có nhu cầu được giao tiếp đất nông nghiệp mà có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh thì được cho thuê đất và được giảm 50% tiền thuê đất…

Ngoài các chính sách hỗ trợ trên, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết này còn được hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền ở hữu tài sản gắn liền với đất và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai.

Theo thông tin của Cục Thống kê tỉnh, các Sở Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, trên địa bàn tỉnh có gần 11.000 người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số của 53 dân tộc, sinh sống rải rác ở cả 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) là xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số 3.419 người dân tộc thiểu số, 191 hộ gồm người Sán Dìu, người Hoa và người Tày. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 27 hộ nghèo dân tộc thiểu số (gồm 76 nhân khẩu), 31 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số (83 nhân khẩu)...

Những năm gần đây không có tình trạng di cư tự do nên các địa phương không phải sắp xếp giao đất ở cho các hộ mới đến sinh sống. Thực tế hiện nay, các hộ người dân tộc thiểu số ở Chí Linh đang sử dụng trên 1.000 ha đất nông, lâm nghiệp để phục vụ sản xuất, bình quân khoảng 1,3 ha/hộ, không có hộ thiếu đất sản xuất nông, lâm nghiệp.

Cũng tại phiên họp này, UBND tỉnh còn xem xét, thảo luận một số nội dung đáng chú ý là: Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị và dự án khu dân cư nông thôn trên địa bàn Hải Dương (báo cáo lại sau phiên họp UBND tỉnh tháng 8 lần 1). Việc xử lý các văn bản liên quan đến việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị Đá Mài, phường Bình Hàn (TP Hải Dương); Tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 2288/KH-UBND ngày 18/6/2024 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên địa bàn tỉnh; đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định hỗ trợ học phí đối với người học giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tờ trình ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030"; tờ trình về việc ban hành Quy chế (tạm thời) tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hải Dương; tờ trình đề nghị chấp thuận điều chỉnh, bổ sung chi phí trong danh mục bảo trì đường bộ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp giao thông đường bộ năm 2024; phương án giải quyết vướng mắc đối với 3 dự án do Công ty CP Xây dựng du lịch Hà Hải làm chủ đầu tư; tiến độ triển khai, công tác giải phóng mặt bằng các dự án tại khu trung tâm TP Hải Dương: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nội bộ và giải phóng mặt bằng khu đô thị trung tâm thành phố - Khu vực 2, Dự án đầu tư hạ tầng khu tái định cư và giải phóng mặt bằng khu trung tâm phường Phạm Ngũ Lão - Khu vực 1, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường Nguyễn Trãi và giải phóng mặt bằng khu đô thị trung tâm thành phố - Khu vực 1 (Diamond Land) và đề xuất phương án triển khai thực hiện các dự án tại các vị trí trên theo quy hoạch...

PV