Murray khép lại sự nghiệp quần vợt nhiều thăng trầm
Tay vợt 37 tuổi Andy Murray chính thức giải nghệ sau khi thua trận tứ kết đôi nam Olympic Paris hôm 1/8, để lại sự nghiệp rực rỡ nhưng cũng nhiều nốt trầm.
Sự nghiệp 19 năm của Murray khép lại sau khi anh cùng đồng dội Dan Evans thua cặp Mỹ Taylor Fritz/Tommy Paul 2-6, 4-6 ở tứ kết đôi nam Olympic hôm 1/8. Sau hai năm thi đấu với cái hông bằng kim loại, cùng nhiều lần thực hiện tiểu phẫu, Murray quyết định từ giã quần vợt để cơ thể nghỉ ngơi và tận hưởng một cuộc sống khác.
"Tôi đã hết mình cho sự nghiệp này"", anh nói. "Rõ ràng có nhiều điều tôi ước sẽ làm khác đi nhưng tôi đã chơi ở giai đoạn khắc nghiệt bậc nhất lịch sử quần vợt và tự hào về những điều đã đạt được".
Murray thắng 739 trận cả sự nghiệp, gồm 105 trận trước các tay vợt top 10. Anh giành tổng cộng 45 danh hiệu đơn nam, nhiều thứ 15 lịch sử. Trong đó có ba Grand Slam, một ATP Finals và 14 Masters 1000. Anh kiếm được 65 triệu USD tiền thưởng, chỉ kém nhóm "Big 3" và đã gây dựng sự nghiệp kinh doanh bất động sản ở quê nhà Scotland nhiều năm qua.
Bên cạnh chấn thương nặng, sự nghiệp của Murray còn gây tiếc nuối khi anh có nhiều cơ hội để tăng số Grand Slam sự nghiệp nhưng không thành công. Trong sáu năm từ 2010 đến 2016, Murray đã thua năm trận chung kết Australia Mở rộng, gồm bốn lần dưới tay Novak Djokovic. Anh còn thua đối thủ Serbia một lần khác ở chung kết Roland Garros 2016.
Những năm đầu thập niên 2010 là giai đoạn rực rỡ của Murray. Anh đoạt Grand Slam đầu tiên tại Mỹ Mở rộng 2012, và đánh bại Roger Federer để lấy HC vàng Olympic cùng năm đó. Tới hè 2013, anh giải cơn khát vô địch Wimbledon dài bảy thập kỷ của người Anh bằng trận chung kết thắng Djokovic chỉ sau ba set.
Tháng 11/2016, Murray trở thành tay vợt Anh đầu tiên giành vị trí số một thế giới khi anh 29 tuổi. Năm đó Murray thắng 24 trận liên tiếp vào cuối mùa, đoạt năm danh hiệu, gồm hai Masters 1000 và ATP Finals. Ở ATP Finals, Murray toàn thắng cả năm trận, gồm chung kết với Djokovic, để giành giải Tay vợt số một năm 2016. Tổng cộng Murray có 41 tuần giữ số một ATP, nhiều thứ 14 lịch sử.
Không thể nghi ngờ vị trí huyền thoại của Murray trong làng banh nỉ, và đặc biệt là với quần vợt Vương quốc Anh. Ít phút sau khi Murray chính thức giải nghệ, CLB Quần vợt Toàn Anh đã đổi tên sân đấu chính của giải Queen’s Club Championship thành Andy Murray Arena để tri ân tay vợt 37 tuổi. Chủ tịch ATP, Andrea Gaudenzi thì khẳng định Murray là biểu tượng về tài năng và tình yêu quần vợt trong thế kỷ 21. Ông cho rằng Murray đã có đóng góp phi thường cho môn thể thao anh yêu thích và để lại một di sản đồ sộ.
Tới nay Murray vẫn là tay vợt duy nhất giành hai HC vàng đơn nam Olympic, các năm 2012 và 2016. Anh còn dẫn dắt tuyển Vương quốc Anh đoạt Davis Cup năm 2015. "Nếu không cạnh tranh cùng kỷ nguyên với Federer, Nadal và Djokovic, Murray có lẽ đã giành hơn 10 Grand Slam", huyền thoại Boris Becker nhận xét về tay vợt Scotland.
Với nhiều đóng góp cho quần vợt Anh và thế giới, Murray được trao nhiều giải thưởng cá nhân cao quý, gồm tước Hiệp sĩ do Hoàng tử Charles phong ở Cung điện Beckingham năm 2019 hay huân chương Sĩ quan xuất sắc của Đế chế Anh do Hoàng tử William tặng vào 2013.