Nhóm đầu tư "không trong sáng" đẩy giá chung cư tăng bất thường?
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng việc tăng giá chung cư Hà Nội thời gian qua là bất thường. Giá nhà tăng cao nhưng giao dịch thực không nhiều, có thể do một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng đẩy giá.
Nhận định trên được ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra tại tọa đàm “Vận hội mới của thị trường bất động sản” do báo Dân Việt tổ chức hôm nay 1/8.
Theo ông Đính, rõ ràng nguồn cung đang có vấn đề. Mấy năm nay, thị trường không có dự án mới được phê duyệt, cấp phép đầu tư. Các dự án chủ yếu là dự án cũ và mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng; cung cho người dân, người nghèo rất ít; cấu trúc sản phẩm không phù hợp. Ngay cả nhu cầu đầu tư bất động sản cũng không được đáp ứng do thiếu nguồn cung.
Dự báo về giá chung cư Hà Nội thời gian tới, ông Đính cho rằng khu vực nào thời gian qua xuất hiện "bong bóng" chắc chắn sẽ xẹp, giá được điều chỉnh về giá trị thực.
Nhưng xu hướng chung thì giá chung cư sẽ không giảm do các yếu tố đầu vào của thị trường, như giá đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng tăng. Việc cấp phép dự án cũng không dễ như trước. Chỉ các chủ đầu tư đủ năng lực mới có thể làm dự án.
“Khi cung - cầu dần cân bằng, giá chung cư sẽ do cung - cầu quyết định. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều dự án được tháo gỡ, nguồn cung nhiều hơn, đa dạng hơn. Từ đó, giảm chênh lệch cung cầu, giảm áp lực tăng giá trên thị trường. Tại Hà Nội, từ nay đến cuối năm có nhiều dự án chung cư mới xuất hiện, sẽ có thêm vài nghìn sản phẩm”, ông Đính nói.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, 3 luật (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở) chính thức có hiệu lực từ hôm nay 1/8 với nhiều quy định cụ thể tháo gỡ vướng mắc, giúp gia tăng nguồn cung trên thị trường.
“Tác động chung của 3 luật này đến thị trường bất động sản là rất lớn, sẽ góp phần tăng nguồn cung. Ngoài ra, chính sách nhà ở xã hội thông thoáng hơn sẽ làm tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp. Từ đó, cũng tác động đến giá, nguồn cung nhà ở”, ông Dũng nói.
Khơi thông tỷ USD từ các dự án bất động sản
Tại tọa đàm, ông Đính dẫn thống kê có tới trên 3 tỷ USD từ các dự án bất động sản không triển khai được. Điều này khiến các ngành nghề liên quan khác cũng bị ảnh hưởng, như vật liệu, tiêu dùng, nội thất, điện tử... Qua đó, "sức khỏe" của hàng trăm doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp dịch vụ khác bị tác động tiêu cực.
Theo ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thông qua sớm 3 luật sẽ giải quyết hàng loạt vướng mắc, trong đó có vướng mắc về định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.
Ông Chính nói rằng, từ khi ban hành Luật Đất đai 2003, có dự án vướng mắc kéo dài 20 năm do không xác định được giá đất. Nhiều cán bộ địa phương sợ sai không dám làm. Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực sẽ giải quyết được những vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ông Chính, vẫn phải trông chờ vào các thủ tục hướng dẫn thi hành, thông tư của các bộ.
“Đến nay, có 5 nghị định được ban hành về hoạt động lấn biển, định giá đất, bồi thường tái định cư, điều tra đánh giá đất đai. Đây là các nghị định chung, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Còn 2 nghị định về thu tiền sử dụng đất, quyết định phát triển đất do Bộ Tài chính soạn thảo, đã trình ký”, vị cục trưởng thông tin.