Thành phố Hải Dương đằm sâu trong tôi
Tôi không sống ở Hải Dương, tôi không phải người quê gốc Hải Dương, nhưng không hiểu vì sao, cứ mỗi chuyến đi tới Hải Dương hằng năm đều cho tôi nhận ra, tôi đang giàu có hơn, sâu sắc hơn và được trải nghiệm phong phú về văn hóa.
Tôi ở Hà Nội. Ngày xưa, lần đầu tiên nhìn vào tấm bản đồ số hóa trên Internet, tôi ngạc nhiên nhận ra, Hải Dương che chắn ở giữa tôi và biển. Như một cảm giác hiện hữu, dẫu đi ngang dọc vùng đồng bằng Bắc Bộ, đi lang thang phỏng vấn hay tìm tư liệu viết sách, rồi thể nào, đầu tiên và cuối cùng của mọi chuyến đi, tôi đều ngang qua Hải Dương.
Sau này, có thêm hiểu biết về phong thủy, tôi mới nhận ra, Hải Dương ở địa thế trái tim của đồng bằng Bắc Bộ. Tuy núi không cao, không hiểm hóc nhưng địa thế hiền hòa bao dung che chở. Tuy không có biển nhưng mạch nguồn dồi dào, thuận buồm xuôi gió cho mọi dự định tìm kiếm đường thủy ra đại hải trình.
Tôi đã đến Hải Dương rất nhiều lần. Trên ô tô, bằng tàu hỏa, ngồi sau xe máy của người tôi yêu và đạp xe qua Hải Dương trong buổi sáng đầu năm, thậm chí chạy bộ mấy chục cây số quanh nội đô Hải Dương trong một buổi sáng mùa đông rét cắt da, trên đôi giày cũ.
Cứ mỗi lần đi ngang qua thành phố tháng bảy, hồi tôi còn ở tuổi đôi mươi, qua chiếc cầu nhỏ bắc từ đường Bạch Đằng sang Chương Dương, đi qua Đài tưởng niệm liệt sĩ của thành phố, thắp nén nhang dâng liệt sĩ Hồng Quang và biết bao anh hùng liệt sĩ ra đi từ Hải Dương, tôi luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi cho bản thân về thành phố. Có thể, không gian trung tâm Hải Dương rộng rãi lộng gió và những hàng cây dọc các con đường khiến tôi cảm nhận mình đang được sống giàu có và sâu sắc hơn.
Cũng có khi, lững thững đi bộ sang Trường THPT Hồng Quang, gặp thầy hiệu trưởng, chào thầy cô và các em học sinh Hải Dương, khi dự ngày lễ kỷ niệm 26/3, tôi ở tuổi ba mươi lại tha thiết nghĩ về những thế hệ lớn lên từ thành phố đồng bằng châu thổ sông Hồng này.
Kết cấu đô thị của Hải Dương những năm đầu thế kỷ 21 tuy bộn bề các công trình và con đường, nhưng đã có tầm vóc của một đại đô thị với các khoảng không gian được quy hoạch rõ nét cho trung tâm về văn hóa, lưu giữ phát triển các làng nghề truyền thống, quy hoạch cụm công nghiệp phát triển, chào đón những nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài lâu và ưu thế các cơ hội…
Hải Dương đất lành chim đậu. Tôi có một cô em họ là Nghệ sĩ nhân dân. Cô ấy nói, em đã đi khắp Việt Nam nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần qua Hải Dương lại có mong ước mình sẽ mua một ngôi nhà nhỏ thật nhỏ ở đây. Rồi trở thành một cư dân thật giản dị ở đây. Sống một cuộc đời thật hạnh phúc và tối giản ở đây.
Sao giống những gì tôi thầm mơ ước vậy? Tôi hỏi: Cô đã đóng phim khắp các tỉnh thành, diễn kịch ở mọi thành phố. Tại sao lại chỉ mong muốn trở thành một người Hải Dương?
Cô em họ tôi trả lời: Em không biết. Em không biết tại sao yêu Hải Dương! Em chỉ cảm thấy, ở đây thật hạnh phúc! Ở đây mình thật an toàn! Ở thành phố này, có điều gì đó thiết tha, gắn bó, không thể nói ra!
Dù chúng tôi đều nghèo, nhưng mỗi lần tới Hải Dương, hai chị em tôi lại nhắc nhau: mình có ước mơ đó, sẽ làm việc ở đây, sống ở đây. Để được gọi Hải Dương là quê. Chắc chắn sau này, mình sẽ về đây sống và làm việc. Sẽ về đây viết sách, làm báo, sẽ về đây mở lớp dạy diễn kịch miễn phí cho các em học sinh tiểu học, trở thành thủ thư cho một thư viện nhỏ trong thành phố, để mỗi cuối tuần đọc sách miễn phí cho trẻ em…
Thương hiệu của một thành phố, nói cho cùng, được quy hoạch trên bản đồ bằng địa giới, hay được nhận ra bởi những ghi dấu trong tâm hồn người dân và những câu chuyện kể dài lâu về văn hóa lịch sử?
Trái tim của một thành phố, là những cao ốc hiện đại, những khu trung tâm sầm uất, hay là những mạch ngầm văn hóa bền bỉ lưu trữ những giá trị truyền thống vẫn đầy ắp trong đời sống của cư dân?
Trả lời những câu hỏi ấy chính là cách chúng ta định nghĩa lại hai chữ đô thị, vẽ lại một hình dung về cách mà chúng ta kỳ vọng. Tôi không sống ở Hải Dương, tôi không phải người quê gốc Hải Dương, nhưng không hiểu vì sao, cứ mỗi chuyến đi tới Hải Dương hằng năm đều làm cho tôi nhận ra, tôi đang giàu có hơn, sâu sắc hơn và được trải nghiệm phong phú về văn hóa.
Hóa ra, đáp án của mọi câu hỏi đều nằm ở trong cảm xúc yêu mến thành phố này. Chúng ta đang sống ở trong một thế giới bị lệ thuộc vào các con số: Hải Dương là đô thị nhỏ, vỏn vẹn chỉ 111,7 km2. Nhưng với những người sống bằng đọc sách, dạy học, viết báo như chúng tôi, Hải Dương là một thành phố vĩ đại bởi những mạch nguồn văn hóa. Tôi tin những làn điệu chèo của đồng bằng Bắc Bộ, những nếp nhà tranh tựa lưng vào lũy tre xưa, vị ngọt ngào bánh đậu xanh, hương sen thơm mát từ đầm xa thành phố, mái chùa nhỏ đặc trưng Bắc Bộ… là di sản từ hàng ngàn năm của người Việt cổ, sinh sống ven bờ con sông Thái Bình, lấy nông nghiệp làm thành tựu, coi nếp nhà là gia bảo, và luôn coi tình làng nghĩa xóm, ăn ở tử tế mới là thứ đạo đức quan trọng bậc nhất.
Trong một cộng đồng dân cư lành hiền, cảm giác an toàn, cảm giác được thừa nhận các giá trị và cảm giác được chấp nhận sự đa dạng văn hóa, phát triển cá nhân… mới là những thành tố khiến những người đi ngang qua Hải Dương như chúng tôi cảm thấy, ở nơi đây, đích thực là một thành phố đáng sống. Những dòng chảy ngầm của văn hóa và giá trị sống mới là thứ thôi thúc những người vãng lai tâm niệm, Hải Dương là thành phố trái tim của đồng bằng Bắc Bộ.
Đại dịch Covid-19 vừa qua, khó khăn kinh tế tới, ô nhiễm môi trường và thời tiết khắc nghiệt là những mối hiểm nguy sững sờ của cả thế giới. Chính điều đó khiến chúng ta định nghĩa lại giá trị đô thị trong một thế giới hiện đại. Thì Hải Dương được cộng thêm những giá trị mới mẻ từ góc nhìn môi trường.
Đi dọc Hải Dương, tôi nhận ra, một đô thị hàng đầu không phải là có cao ốc cao nhất nước, mà là nơi mọi công dân nhỏ bé nhất đều tìm được cơ hội để phát triển.
Một thành phố thân thiện không phải là có thật nhiều rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, khu du lịch, nhà hàng năm sao, mà là thành phố đa dạng văn hóa, trân trọng giá trị truyền thống, có đầy đủ các không gian để con người được trải nghiệm văn hóa: từ không gian sáng tạo nghệ thuật, cho tới những cơ hội được nhúng mình vào cuộc sống bản địa đặc sắc, với những hoạt động văn hóa không bị ngoại lai pha trộn vay mượn.
Một cộng đồng trong lành không khí, có nhiều điều kiện để chơi thể thao, theo đuổi các lối sống thân thiện đầm ấm, ứng xử nhân văn lại trở thành phong thủy hàng đầu cho một đô thị đáng sống.
Và đó mới là lý do vì sao, cô em họ tôi cứ quả quyết, rồi em sẽ về đây, sẽ tìm một nơi ký gửi những thành tựu trọn đời của em.
Ở nơi gọi là đất lành, có lẽ, là chỉ bởi nơi đó, lòng người rất lành.
Trong quy hoạch Hải Dương giai đoạn 2021-2023 có tầm nhìn tới 2050, tôi đọc thấy sứ mệnh mới của thành phố, không phải chỉ là một đô thị trọng tâm để tỉnh chọn làm điểm tựa, phát triển bốn trụ cột công nghiệp theo hướng mũi tên đi lên, mà là một mắt xích kết nối theo chiều rộng, phát triển lan tỏa theo các trục không gian Bắc Nam, Đông Tây, kết nối các chuỗi giá trị vùng miền cùng các tỉnh thành lân cận. Việc quản trị Hải Dương không còn đơn thuần chỉ là tổng hợp, định lượng, thiết kế số liệu một cách máy móc như các báo cáo của những địa phương trên đài báo trước đây. Mà tôi tin rằng, Hải Dương đang quản trị các nguồn lực. Trong đó, văn hóa chính là một nguồn lực quan trọng để kết nối những mục tiêu kinh tế, xã hội với mục tiêu vô hình, là kiến tạo nền tảng một xã hội mới, một lối sống đô thị mới, một chuẩn mực con người mới: Giàu có hơn nhưng yêu những giá trị vô hình của văn hóa truyền thống; nhiều cơ hội phát triển hơn nhưng vẫn thấu hiểu và giữ gìn căn tính thiện lương đùm bọc; sức cạnh tranh cao hơn nhưng thấu cảm và trắc ẩn hơn…
Trong cuốn sách “Bạn chính là thương hiệu” tôi được tặng ở Đài Bắc (Trung Quốc), có một câu mà tôi rất tâm đắc: “Phong cảnh đẹp nhất là con người”. Con người đấy không phải chỉ là diện mạo, mà là tâm hồn, là cách sống đẹp, có những giá trị xứng đáng yêu thương học hỏi, con người trân trọng sự sống, con người mong tiến bộ, con người có thể còn chưa giàu nhưng sống với nhau nhân văn…
Nên tôi tin rằng, những điều tuyệt vời tôi cảm nhận ở Hải Dương, chính là những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, những con người tôi gặp, vở chèo tôi xem từ nhỏ của đoàn chèo Hải Dương.
Hay có thể, là từ một chiều cuối năm mưa phùn rét mướt, vợ chồng tôi run rẩy tạt xe vào quán nhỏ trên đường Trường Chinh, bà chủ quán rót cho cốc nước chè nóng ủ đôi tay, rồi nấu cho bát bún cá Hải Dương tỏa khói với hương thơm thì là, hành tươi, mỹ vị không thể nào quên.
Và từ đó tôi tin, hạnh phúc vẫn luôn chờ tôi ở phía TP Hải Dương. Thành phố ấy, tôi đi bao xa, vẫn đợi!