Những công trình văn hoá cũ kỹ và ẩn chứa nhiều suy tư của người Hải Dương
Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 08:00, 03/08/2024
Trong khi cơ sở vật chất một số công trình văn hoá cấp tỉnh ở Hải Dương xuống cấp, thậm chí chỉ còn tồn tại trong ký ức người dân thì vẫn chưa có công trình mới thay thế.
Riêng Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh Hải Dương có 5 trụ sở làm việc trên địa bàn TP Hải Dương là Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng ở số 28 đại lộ Hồ Chí Minh (rạp phim Thống Nhất), hội trường số 8 đường Hồng Quang, nhà hát nhân dân ở số 6A Đô Lương, nhà triển lãm ở số 109 phố Phạm Ngũ Lão và Trung tâm Văn hoá Xứ Đông mới xây dựng.
Trừ Trung tâm Văn hoá xứ Đông, các địa điểm còn lại đều ở những vị trí "đất vàng" ở trung tâm TP Hải Dương nhưng hiện có nơi bỏ hoang, nơi còn hoạt động thì cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, hoạt động kém hiệu quả. Đây là sự lãng phí lớn trong việc sử dụng đất đai giữa thành phố.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, 2 trụ sở của Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh Hải Dương là nhà hát, rạp chiếu phim đã xuống cấp nghiêm trọng, không sử dụng được, không đáp ứng được nhu cầu của người dân từ nhiều năm nay.
Một số thiết chế văn hoá cấp tỉnh còn lại ở Hải Dương cũng xuống cấp. Nhà hát Chèo Hải Dương dù được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ (có hội trường, sân khấu nhỏ) đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện nhưng chưa đáp ứng được nhiệm vụ tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu thưởng thức của người dân.
Bảo tàng tỉnh Hải Dương đi vào hoạt động từ năm 1990 và đang lưu giữ 50.477 tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm. Những năm qua, dù bảo tàng được tỉnh đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều hạng mục cơ sở vật chất, nhưng một số hạng mục còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng tốt nhu cầu bảo tồn, trưng bày hiện vật của bảo tàng. Thư viện tỉnh cũng đang loay hoay vì thiếu cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số.
Trong khi một số thiết chế cũ bị bỏ hoang, xuống cấp hoặc hoạt động không hiệu quả thì theo báo cáo sau giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, Hải Dương vẫn thiếu một số thiết chế văn hoá cấp tỉnh như sân vận động, rạp chiếu phim... Trang thiết bị ở một số thiết chế thiếu, hỏng, chưa đồng bộ. Các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh, thiếu niên, nhi đồng và công nhân, người lao động cũng thiếu.
Tại Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII diễn ra từ 11 - 12/7, khi phát biểu thảo luận ở hội trường, đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ ra nhiều hạn chế về cơ sở vật chất của các thiết chế văn hoá cấp tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thành Trung đề nghị cải tạo, nâng cấp, mở rộng khuôn viên Bảo tàng tỉnh Hải Dương; sớm hoàn thành việc xây dựng rạp chiếu phim Thống Nhất và đầu tư trang thiết bị nội thất, thư viện điện tử tại Thư viện tỉnh...
"Các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo ra diện mạo mới về cảnh quan không gian đô thị của TP Hải Dương văn minh, hiện đại, môi trường văn hoá cơ sở được nâng lên, có chiều sâu thiết thực", đồng chí Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Về công tác xã hội hoá trong đầu tư các thiết chế, đồng chí Nguyễn Thành Trung cho biết việc xây dựng rạp chiếu phim Thống Nhất tại số 28 đại lộ Hồ Chí Minh từ nguồn xã hội hoá sẽ sớm được triển khai nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tế. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá, thu hút các nguồn lực đầu tư từ tư nhân và nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia xây dựng cơ sở vật chất và khai thác hoạt động tại các thiết chế. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế và những vướng mắc trong tiếp nhận nguồn lực xã hội hoá.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương về những bất cập, hạn chế về cơ sở vật chất của những công trình bỏ hoang và những công trình đang khai thác kém hiệu quả, đồng chí Nguyễn Thành Trung cho biết Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị và ngày 15/8 sẽ có kết quả, một số công trình, dự án cũng đang được xem xét để đưa vào danh mục dự án đầu tư công của tỉnh.
Cử tri và nhân dân Hải Dương mong chờ một bước chuyển mình, sự đổi thay rõ rệt để có thêm những thiết chế văn hoá mới thay thế cho thiết chế đã hoặc đang "chết dần". Vai trò của chính cơ quan quản lý những thiết chế này là rất quan trọng trong định hướng, đổi mới hoạt động để khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng sẵn có của thiết chế văn hoá cấp tỉnh.
Sự năng động, đổi mới của Bảo tàng tỉnh Hải Dương thời gian gần đây là một minh chứng cho việc chủ động chuyển mình để nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá.
Từ một nơi chuyên về nghiên cứu, bảo quản, sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Hải Dương hiện đã được công nhận là điểm du lịch, là điểm đến thu hút người dân trong và ngoài tỉnh, cũng như nhiều vị khách nước ngoài thích thú tham quan, trải nghiệm. Chuyên đề không gian Tết Việt thời bao cấp dịp Tết Giáp thìn 2024, chỉ trong một tháng, Bảo tàng tỉnh thu hút khoảng 12.000 lượt khách, bằng tổng số lượt khách của cả năm 2022. Hiện nay, bảo tàng cũng đang triển khai chuyên đề giáo dục về lịch sử thời tiền sử.
Theo bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, đơn vị đã chủ động đổi mới, sáng tạo theo hướng chuyên sâu.
"Trước tiên, đội ngũ nhân lực của bảo tàng được đào tạo bài bản, chính quy. Chúng tôi có 6/19 cán bộ là thạc sĩ và kinh phí học tập đều tự túc. Đây là sự nỗ lực nâng cao chất lượng của đội ngũ, xác định trách nhiệm với nghề. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng với mục tiêu phát huy tiềm năng của bảo tàng và đưa bảo tàng, lịch sử đến gần hơn với người dân, chúng tôi nỗ lực đổi mới hoạt động và bước đầu có chuyển biến rõ rệt", bà Huê chia sẻ.
Cách làm của Bảo tàng tỉnh rất đáng để các đơn vị khác học tập, "vực lại" hoạt động của mình trước nguy cơ bị quên lãng.
Nhà hát Chèo Hải Dương lại là một ví dụ khác. Với lợi thế là "chiếng chèo Đông" - 1 trong 4 chiếng chèo nổi tiếng xung quanh kinh thành Thăng Long xưa và có nhiều nghệ sĩ có tên tuổi nhưng nghệ thuật chèo ở Hải Dương nay lại chưa được quan tâm phát huy. Một năm, Nhà hát Chèo hoạt động bình quân 50 buổi, tỷ lệ người đến các buổi biểu diễn theo số liệu của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là 85%. Ngân sách tỉnh cấp kinh phí hoạt động bình quân hơn 8,2 tỷ đồng/năm, cao gấp khoảng 2 lần so với Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh. Nhiều người dân đau đáu và mong được xem chiếng chèo xứ Đông nhưng đa phần chưa được đáp ứng nguyện vọng vì nghệ thuật chèo chưa được đưa đến gần hơn với họ.
Anh Đồng Tố Toàn ở thôn Kinh Dương, xã Hiệp Cát (Nam Sách) đam mê hát chèo từ nhỏ. Anh nói: "Tôi mong chờ một ngày nào đó, Nhà hát Chèo Hải Dương và những thiết chế văn hoá khác sẽ đổi mới hoạt động để thu hút người trẻ, khai thác tiềm năng và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá của quê hương. Tôi cũng nghĩ về một ngày được biểu diễn hoặc chỉ là xem hát chèo ở Nhà hát Chèo Hải Dương".
Khi tổng duyệt vở diễn "Người con gái xứ Đông" về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi ở xã Nam Tân (Nam Sách), huyện, xã thuê nhiều xe để cán bộ, người dân đến xem. Ai nấy đều vui và háo hức vì bây giờ hiếm khi được đi xem hát.
Cùng với việc đổi mới hoạt động và đầu tư dự án, công trình kiến trúc có điểm nhấn là rạp chiếu phim, tượng đài, nhà hát..., các thiết chế văn hoá cũng cần được quan tâm về cơ chế, chính sách, bổ sung trang thiết bị phục vụ hoạt động đã cũ, lạc hậu như hệ thống âm thanh, ánh sáng của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Nhà hát Chèo; thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác trưng bày, bảo quản tài liệu, hiệu vật tại Bảo tàng tỉnh; cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số ở Thư viện tỉnh... Qua đó góp phần hiện thực hoá Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về "Phát huy giá trị văn hoá xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh có 12 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 235 nhà văn hóa, thể thao cấp xã; 1.352 nhà văn hóa, sân thể thao thôn, khu dân cư; 1 thư viện cấp tỉnh và 12 thư viện cấp huyện... Các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật được quan tâm, khuyến khích hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao quần chúng, du lịch ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút được nhân dân tham gia. Từ năm 2014 đến đầu năm 2024, có 314 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các mức độ khác nhau với tổng kinh phí hơn 3.096 tỷ đồng từ nguồn ngân sách các cấp và xã hội hoá trong nhân dân.
Nội dung: PHONG TUYẾT
Ảnh, clip: PHONG TUYẾT, THÀNH CHUNG, LÊ ANH
Trình bày: LÊ ANH