Giá gas bán lẻ trong nước bắt đầu tăng từ ngày 1/8
Giá gas bán lẻ trong nước bắt đầu tăng từ ngày mai 1/8 theo diễn biến của giá gas thế giới.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm thuế VAT) tháng 8/2024 tại thị trường Hà Nội là 448.200 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.792.600 đồng/bình công nghiệp 48kg , lần lượt tăng 2.700 đồng/bình 12 kg và 11.100 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm thuế VAT).
Tương tự như vậy, PETROVIETNAM GAS công bố tăng giá 3.000 đồng/bình 12 kg; 11.250 đồng/bình 45 kg; giá bán lẻ tối đa khoảng 454.000 đồng/bình 12 kg và khoảng 1,7 triệu đồng/bình 45 kg. Gas SP tăng 2.500 đồng/ bình 12kg; giá bán lẻ tối đa không quá 429.500 đồng/bình 12kg.
Trong khi đó, kể từ ngày 1/8, giá gas City Petro, Vimexco, Vina Pacific Petro tại Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương sẽ tăng 250 đồng/kg. Công ty gas Phúc Sang Minh (JPS) cũng thông báo giá gas bình 12kg tăng 2.637 đồng (giá 429.637 đồng/bình) và bình gas 45kg tăng 9.888 đồng (giá 1.611.000 đồng/bình) so với tháng 7.
Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh Gas dân dụng và Thương mại - Tổng Công ty Gas Petrolimex, giá gas bán lẻ trong nước tháng 8 tăng từ ngày mai là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 8 ở mức 580 USD/tấn, tăng 7,5 USD/tấn so với tháng 7 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước có 4 lần tăng, 3 lần giảm giá và 1 lần không thay đổi.
Trên thị trường thế giới, giá gas ngày 31/7 tăng 0,09%, lên mức 2,13 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2024 vào lúc 7h40 (giờ Việt Nam).
Theo Reuters, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan và Anh diễn biến trái chiều vào thứ Ba (30/7) do nguồn cung ổn định giúp bù đắp cho nhu cầu tăng do nhiệt độ cao hơn và tốc độ gió thấp hơn, trong khi thị trường tiếp tục theo dõi căng thẳng ở Trung Đông.
Công ty tư vấn Auxilione nhận định, thời tiết ấm hơn có thể thúc đẩy nhu cầu phát điện bằng khí đốt nhiều hơn, do đó có thể tác động đến giá bán khí LNG thế giới. Hiện thời tiết tại châu Âu được dự báo vẫn ở mức cao trong những ngày tới, thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện tăng cao, cũng như do dự báo sản lượng điện gió thấp trong phần còn lại của tuần này.
Trong khi đó, nhà sản xuất LNG Monitor của Pháp vẫn đóng cửa hoàn toàn cho đến ngày 12/8 và tình trạng ngừng hoạt động vẫn tiếp diễn tại một trong hai dây chuyền xử lý tại nhà máy LNG Ichthys của Australia ở Darwin.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Engie's EnergyScan lại cho biết lượng khí đốt LNG xuất khẩu của châu Âu ngày 30/7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 nhưng lượng khí đốt lưu trữ của châu Âu vẫn ở mức cao là 84,49%. Vì vậy, giá khí đốt sẽ không biến động nhiều. Cùng quan điểm naỳ, Nhà phân tích của LSEG, ông Ulrich Weber cho biết, biến động giá khí đốt thế giới không mạnh vì phần lớn giá khí đốt được cân bằng nhờ sản xuất điện mặt trời mạnh mẽ.