Đất và người xứ Đông

Chợ ở Nam Sách xưa và nay

TÂM HÀ 31/07/2024 07:48

Huyện Nam Sách (Hải Dương) xưa có tên là huyện Thanh Lâm. Nơi đây phát triển sản xuất nông nghiệp và các nghề thủ công truyền thống nên hệ thống chợ dần hình thành sầm uất, là địa điểm hội tụ, quảng bá, tiêu thụ sản vật.

Thác bản văn bia “Khai thị bi ký”
Thác bản văn bia “Khai thị bi ký” ở xã Mạn Nhuế trước đây ghi lại ở thôn Vạn Niên có chợ nhỏ, bốn phía thông với đường lớn

Theo một số nguồn tư liệu khảo cứu, tên gọi huyện Thanh Lâm chuyển thành huyện Nam Sách khoảng cuối thập niên 40 của thế kỷ XX.

Nhộn nhịp trao đổi, bán mua

Cũng giống như các địa phương khác, hoạt động trao đổi, buôn bán ở Nam Sách sôi nổi, nhộn nhịp. Chợ xưa thường được họp ở đầu làng, dưới tán đa cổ thụ xanh mát hoặc ở trước cửa đình rộng rãi. Chợ huyện, chợ phủ thì họp theo chu kỳ, các phiên trong tháng và đông đúc hơn. Các mặt hàng được bày bán khá đa dạng. Theo Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm của Đinh Khắc Thuân, chợ lớn và sầm uất hơn cả là chợ Vạn Tải “đều có người buôn bán tấp nập, thật là chốn đại đô hội”. Vì thủ phủ của phủ Nam Sách trước đây, sau này là của huyện Thanh Lâm, cho nên chợ Vạn Tải cũng chính là chợ Thanh Lâm.

Theo sách Chợ truyền thống Việt Nam qua tư liệu văn bia của Đinh Khắc Mạnh, vào năm Đinh Tỵ (1677), chợ huyện Thanh Lâm xây dựng ở thôn Vạn Niên, xã Mạn Nhuế. Theo sách Văn nghệ dân gian Hải Dương, chợ huyện Thanh Lâm nằm ở vị trí trung tâm, lại có giao thông thủy, bộ thuận tiện, là trung tâm thương nghiệp phát triển bậc nhất vùng, là một trong những chợ lớn của tỉnh Hải Dương xưa. Phiên chính trước đây họp vào các ngày mùng 5, mùng 10, phiên xép thì ngày nào cũng có.

Chợ Thanh Lâm được chia ra thành các khu: khu bán trâu bò, lợn gà; khu hàng tấm, hàng xén và các mặt hàng nông sản, thủy sản, hàng công nghiệp và thủ công nghiệp. Cùng với chợ là các dãy phố với những cửa hàng, cửa hiệu của người Việt (thường buôn bán nhỏ lẻ), xen kẽ là người Hoa (có nhiều cửa hàng lớn). Người tham gia buôn bán đến từ nhiều nơi lân cận và các huyện, phủ xung quanh như Chí Linh, Kinh Môn, Lương Tài (Bắc Ninh)…

Ngoài ra, nơi đây còn nhiều chợ khác như: chợ Nhân Lý ở xã Nhân Lý có phường buôn trâu bò; chợ Vạn Niên ở xã Mạn Nhuế, chợ Văn Lộng ở xã Tạ Xá, chợ xã An Lư, chợ Hóp... Tấm bia Khai thị bi ký ở xã Mạn Nhuế cho biết, trước đây ở thôn Vạn Niên có chợ nhỏ, bốn phía thông với đường lớn, lại giáp bến đò, khách đến buôn bán ngày một đông. Một số người bản thôn tự nguyện xuất ruộng để dành diện tích mở rộng chợ. Sau này tiền thuế chợ thu được vào tháng giêng hàng năm sẽ trích ra làm lễ tế thần và những người có công đức hiến đất để mở rộng chợ đều được phụ tế.

Tấm bia Văn Lộng thị bi ở thôn Văn Lộng còn mô tả, chợ này đã có từ lâu, nằm ở một địa thế đẹp, thông ra 4 phương 8 hướng, dân trong vùng đi lại rất thuận tiện, giúp cho việc giao thương được dễ dàng, thuận tiện. Các hội chủ của 3 huyện Chí Linh, Thanh Lâm và Thanh Hà, đứng đầu là ông Mạc Khắc Chiêu (tự là Phúc Nhẫn) góp tiền, xây mới 2 dãy quán ở chợ, góp phần tăng sự thịnh vượng trong vùng.

2Thác bản văn bia “Văn Lộng thị bi”
Thác bản văn bia “Văn Lộng thị bi” ở thôn Văn Lộng còn mô tả, chợ này đã có từ lâu, nằm ở một địa thế đẹp

Thành phần buôn bán tại các chợ chủ yếu là người nông dân, thợ thủ công, tiểu thương. Người đi chợ có thể mang những thứ dư thừa đến chợ để bán và mua những thứ cần thiết cho gia đình. Người buôn bán ở chợ làng thường gồng gánh hàng hoá đến chợ, nhà nào có điều kiện hơn thì sử dụng xe trâu bò kéo. Hàng hoá ra chợ cũng chủ yếu đựng trong thúng mủng, nong nia, quanh gánh để bày bán khá đơn sơ. Các sản phẩm buôn bán chủ yếu là các loại nông sản nuôi trồng được như rau củ quả, tôm, cua cá; các sản phẩm thủ công như chiếu cói, vải lụa, đồ gốm, công cụ sản xuất nông nghiệp... Các đặc sản buôn bán ở Nam Sách đã đi vào ca dao, dân ca: Ai về chợ huyện Thanh Lâm/Cho em gửi tấm lụa thâm hạt dền.

Làng Hóp có bán lợn con/Làng Quao có đất sơn son nặn nồi...

Chợ xưa phủ khắp

Hàng nón lá ở chợ huyện Nam Sách hiện nay
Hàng nón lá ở chợ huyện Nam Sách ngày nay

Chợ bao giờ cũng là “gương mặt” của một vùng quê. Ở đó phản ánh khá đầy đủ toàn bộ nền kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng miền, của một giai đoạn lịch sử.

Cũng như một số huyện khác trong phủ Nam Sách, huyện Thanh Lâm xưa chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó “về sản vật, huyện Thanh Lâm có nhiều lúa thu, ít lúa hè, rải rác cũng có khoai, đậu, bông”. Ngoài ra, sản vật nơi đây còn có thuốc lào ở xã Quan San; gạo biển ở xã An Dược và xã Mạn Đê; rươi, ruốc và cua, lươn sẵn có ở vùng sông nước các xã Đông Giang, Nam Giang, Thượng Triệt, Lại Hạ.

Nơi đây có nhiều nghề thủ công truyền thống phát triển, như: xã Vũ La có nghề rèn sắt, chuyên rèn những thứ bừa và cưa; xã Đồn Bối có nghề dệt tơ và bán nhộng; xã Thượng Triệt có nghề dệt chiếu; xã Văn Xá có nghề bưng trống; xã Đông Giang sản xuất nước mắm thơm; xã Uông Thượng, Uông Hạ, Mạc Xá, Đặng Xá đều sản xuất chiếu cói; Quan Đình có nghề đan võng; Lâm Xuyên có nghề làm nồi, ấm đất nung… Ca dao, tục ngữ trong huyện đã từng ngợi ca: "Đống Nắm có khung cửi vàng/Đống Thung, đống Tịnh có nàng dệt tơ; Vạn Tải có nghề trồng đay/Ở bên Phù Liễn lại hay đi mò".

Đặc biệt, gốm Chu Đậu và Mỹ Xá (trước thuộc tổng Thượng Triệt, nay thuộc xã Minh Tân và Thái Tân) rất nổi tiếng, không chỉ trong vùng mà còn trong cả nước Đại Việt và thế giới. Chính sự phát triển sản xuất nông nghiệp và các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra các loại nông sản và các mặt hàng sinh hoạt và công cụ sản xuất thiết yếu phục vụ đời sống con người. Hệ thống chợ dần được hình thành ở khắp các làng xã, là địa điểm hội tụ, quảng bá, tiêu thụ sản vật sản phẩm làm ra và cũng là nơi để mua, bán về những đồ dùng vật dụng cần thiết cho đời sống và sản xuất.

Ngày nay, chợ đã khác nhiều, chỉ còn dấu vết chợ quê ở làng, xã, còn chợ huyện đã trở thành trung tâm buôn bán lớn trong vùng. Ngày xưa chợ huyện chỉ họp 1 tháng 2 phiên nhưng ngày nay một tháng chợ họp 5-6 phiên với bao mặt hàng phong phú, đa dạng của thời kỳ kinh tế thị trường.

Tìm lại sử liệu về chợ xưa để nhớ về một thời tự cung, tự cấp hiện diện ở chợ quê với thúng, mủng, dần, sàng mà đầy ắp tình người trong dạt dào hương đồng, gió nội của vùng quê Nam Sách.

TÂM HÀ