Truyện ngắn

Hậu duệ Trương Chi

Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG 03/08/2024 10:00

Chắc anh ta là Trương Chi hiện thân. Cũng thổi sáo, cũng ngâm thơ với bầu rượu cùng niềm vui hải hồ.

hau-due-truong-chi.jpg

Lãng tử thả thuyền chơi vơi trên hồ Ngọa Sơn nước lênh láng. Cất tiếng hát trầm buồn nghe nôn nao:

Ta không qua sông Dịch

Hà cớ gì Kinh Kha

Anh hùng chi can qua

Sông đời trôi bao xa

Tham sân si chi mà…

Mưa lất phất. Gió cuộn tròn tiếng hát ném vào hư không. Lãng tử dốc bầu rượu tu một hơi dài. Sóng dợn đầu thuyền dạt bọt nước chia đôi. Mui thuyền khum mái vòm như nửa cái bọng giếng úp. Vài lọn khói thuốc lá bung ra bay đường vòng vội vã. Tiếng hát im bặt. Con thuyền lừ đừ trôi vô định.

Hồ Ngọa Sơn rộng mênh mông bao quanh núi Hiềm cao chót vót. Lòng hồ ăn sâu vào lòng núi qua các thạch động ngoằn ngoèo thâm u. Ngọa Sơn là xứ sở của cá sấu. Tương truyền vào những đêm trăng, cá sấu ghếch mình lên bờ hồ như những con thuyền mắc cạn.

Ngày trước, nàng Sen nhà ở gần hồ Ngọa Sơn có nụ cười e ấp như búp sen hé nhụy, tóc nàng óng ánh như nhung, mặt đẹp như ngọc. Một hôm nàng theo cha đi đánh cá trên hồ không may trượt chân ngã xuống nước bị cá sấu dìm mất xác. Những đêm trăng thượng huyền, dân đánh cá thường bắt gặp một con cá sấu trắng như tuyết nổi lên mặt hồ. Một vầng sáng chói lóa. Mặt nước xao động. Khi mọi người mở mắt ra, cá sấu trắng biến mất. Dân vạn chài nghĩ cá sấu trắng chính là nàng Sen hiện hình. Từ đó bên bờ hồ Ngọa Sơn mọc lên một ngôi miếu nhỏ. Miếu bà Sen. Miếu là nơi dân vạn chài trước khi đánh cá thường đến đốt nhang khấn vái cầu nguyện bình an và may mắn. Dân quanh vùng dâng lễ vật vào tối ngày rằm. Thời khắc người con gái hiển linh xuất hiện với cái vỏ bọc cá sấu trắng lâu nhất.

Lãng tử thả thuyền buông lưới đổi cá lấy rượu thịt sống qua ngày. Chưa ai thấy chàng bước lên bờ bao giờ. Chiếc nón rộng vành che gần kín gương mặt. Những người tiếp xúc không nhận diện trọn vẹn về chàng. Họ chỉ nghe giọng nói ngọt ngào và cách ứng xử tao nhã dễ mến. Thiên hạ đồn rằng thi thoảng có một nàng con gái mặc trang phục trắng muốt lên thuyền tâm sự với chàng vào những đêm trăng thanh gió mát. Khi ấy tiếng sáo chợt vút cao thánh thót. Thứ thanh âm diễn tả tâm trạng sảng khoái, bềnh bồng. Mọi lời bàn tán về thủy quái, nữ thần, bà Sen… trở nên vô nghĩa đối với lãng tử. Chàng như thực, như hư lững lờ trên hồ Ngọa Sơn thần bí.

*

Hồ Ngọa Sơn còn là vương quốc của cá trắm đen. Dân vạn chài chèo thuyền luồn lách sâu vào các thạch động giăng lưới, thả câu bắt những con cá trắm đen trùi trũi làm kế sinh nhai hằng ngày. Người nào bắt được cá trắm khủng, xóm làng mở “Ngư Hội” ăn mừng. Người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong công việc và được dân vạn chài tặng biệt danh kình ngư. Con cá trắm to tướng được các chàng trai lực lưỡng khiêng về gần miếu bà Sen thả trong chiếc thuyền lớn chứa đầy nước. Họ chọn một ngư phủ lớn tuổi tướng mạo phương phi, quắc thước nhất làng làm chủ lễ “Ngư Hội”. Chủ lễ mặc bộ quần áo dài vải gấm màu đỏ, đầu chít khăn đỏ, chân mang giày cỏ đứng phía trước mũi thuyền cầm cái trống nhỏ (trống tum). Các chàng trai, cô gái mặc quần áo ngũ sắc, tay cầm mái chèo đứng hai bên thuyền vừa chèo, vừa hát theo lời hát hô cùng nhịp trống tum của chủ lễ.

Cúng bái xong, dân làng thả cá (còn gọi là cá ông) về với hồ lai láng để sinh sôi cho ngày sau. Sau lễ phóng sinh nghiêm cẩn, sôi động, tiệc ngoài trời được diễn ra ngay trên bờ hồ. Mọi người ăn uống, nói cười hể hả. Họ nghỉ nguyên một ngày để mặt hồ bình lặng. Dân vạn chài quan niệm đó là ngày ngư hội thật sự đối với các loài cá.

Mặc cho mọi người no say hả hê, lãng tử cô độc trên chiếc thuyền mái vòm trôi xa xa vẫn vui thú tiêu dao. Không ai nhắc đến chàng vì biết chàng tìm cách xa lánh mọi người. Chàng thích cuộc sống trôi nổi, ung dung, tự tại, không màng đến tháng ngày, danh lợi. Sự hiện hữu của lãng tử và con thuyền trên hồ Ngọa Sơn như nét chấm phá thi vị. Chẳng có mấy người tiếp cận chàng nhưng mỗi khi chàng vắng bóng thì họ lại dõi mắt kiếm tìm. Ngư hội là thời điểm trên hồ Ngọa Sơn còn lại duy nhất một con thuyền mái vòm lẻ loi. Buổi chiều, thuyền in bóng nước thành đôi với áng mây hồng lung linh đáy nước in trời như bức tranh thủy mặc khiến cho người đa sầu đa cảm không khỏi bồi hồi, xao xuyến.

Lãng tử chọn khách hàng duy nhất đổi cá lấy rượu thịt là hai chị em thu mua cá lưu động trên hồ Ngọa Sơn. Họ chủ động bơi về phía chàng. Cá trao qua, quà trao lại. Chàng không mặc cả, không tán tỉnh dẫu hai cô gái kia như hai bông hoa xinh tươi trong vườn mộng. Trong khi lũ con trai bám riết các nàng, còn chàng thì phớt lờ, hờ hững khiến cho các nàng càng muốn gần gũi chàng hơn. Mỗi lần mạn thuyền kề mạn thuyền cô em liến thoắng như cố moi tìm lời ngọc ngà từ người kiệm nói: “Sao em không thấy anh lên bờ? Nhà anh ở đâu? Chắc anh không phải là người ở vùng này?”. Chàng cười trừ. Cô chị cũng tìm cách gợi chuyện: “Em đổi rượu thịt như vậy có thiệt thòi cho anh không?”. Chàng cười hiền: “Không!”. Chao ôi! Người gì đâu lãnh đạm, giá băng như tượng đá. Lần nào nhận rượu thịt xong là chàng rời mạn thuyền của hai người đẹp tức khắc. Nhiều lần họ muốn lật chiếc nón rộng vành để xem dung nhan chàng như thế nào nhưng rồi không dám. Cô chị đánh đố em mình: “Chắc anh ta là Trương Chi hiện thân. Cũng thổi sáo, cũng ngâm thơ với bầu rượu cùng niềm vui hải hồ”. Cô em gái cười rúc rích: “Cũng một thân một chiếc thuyền con/ Một cây sáo trúc một con sông già" giống hệt Trương Chi. À quên, một hồ Ngọa Sơn già chứ không phải một con sông già.

"Em đố chị anh ta xấu trai hay đẹp?”". Cô chị trầm ngâm: “Anh ấy không thể xấu vì giọng nói thanh tao, dẫu khi ngâm thơ chàng cố tình làm cho giọng trầm buồn”. Cô em gái chợt cười phá lên: “Chị hiểu chàng kỹ ghê. Chắc là muốn làm Mỵ Nương, đúng không?”. Cô chị vụt đứng dậy vung tay về phía trước dọa: “Liệu hồn đó nghe.” Con thuyền tròng trành. Hai chị em cùng ngồi xuống giữ thăng bằng rồi bật cười hả hả. Tiếng cười rơi trên mặt hồ lúc chiều muộn.

*

Đêm về trên hồ Ngọa Sơn. Những chiếc đèn thoắt ẩn thoắt hiện trên các thuyền câu như những cánh hoa đăng nhấp nháy thứ ánh sáng kỳ ảo. Tiếng sáo du dương, réo rắt. Tiếng cá quẫy ũng oãng ngai ngái buồn. Vài tiếng chim ăn đêm quang quác vụt qua. Giờ này chắc lãng tử rượu đã mềm môi nên tiếng sáo trở nên luyến láy ngọt ngào. Đánh mất sự êm đềm, thanh thoát trong chốc lát là tiếng thuyền máy chở gỗ lậu khai thác từ núi Hiềm nổ giòn giã hướng về bờ hồ - nơi có sẵn những chiếc xe tải với hàng chục lao động đang chờ khuân vác gỗ thuê.

Ban ngày hồ Ngọa Sơn yên ắng bao nhiêu thì ban đêm ồn ã bấy nhiêu. Núi Hiềm được hồ Ngọa Sơn bao bọc xung quanh vô tình trở thành nơi trung chuyển gỗ lý tưởng đối với dân phá rừng chuyên nghiệp. Cứ nhìn núi Hiềm hùng vĩ, xanh rì là đủ biết có nhiều danh mộc lâu đời. Nguồn gỗ quý được khai thác từ đây mang lại nguồn lợi nhuận "khủng" cho dân buôn gỗ lậu chuyên nghiệp. Cá sấu không làm khó được lòng tham của con người.

Những năm lính Pháp đóng ở núi Hiềm từng bị cá sấu ăn thịt. Mỗi đêm mất tích vài tên. Thế rồi một lần ba tên lính Pháp cùng xuống lưng chừng núi tắm đêm. Một tên bị cá sấu chực sẵn nuốt chửng. Bọn thực dân kéo xuống tìm cách cứu vớt nhưng loài thủy quái thuồng luồng mang hình dạng con thằn lằn lặn mất tăm. Hôm sau, bọn mắt xanh mũi lõ tức tối ném hàng loạt lựu đạn xuống nước khu vực quanh núi Hiềm. Chúng càng điên tiết hơn khi không thấy con cá sấu nào chết, chỉ có cá trắm đen phơi bụng ken dày mặt nước. Từ dạo ấy bọn lính Tây không chỉ lo sợ Việt Minh tấn công bất ngờ mà còn lo sợ loài thủy quái với hàm răng lưỡi cưa dài, bén như dao cạo há mõm đợi sẵn mọi nơi, mọi lúc. Bộ đội Việt Minh biết được nhược điểm của lính Pháp sợ cá sấu, sơ hở trong việc canh gác nên họ thường xuyên trinh sát, đánh úp gây cho lính Pháp tổn thất nặng nề. Mỗi lần lũ trẻ con thấy lính Pháp từ núi Hiềm đi thuyền qua hồ Ngọa Sơn đưa xác lính lên bờ là đồng thanh hát vang vang: “Một trăm thằng Pháp mới ra/ Thằng nào không mũ thì tha/ Thằng nào đội mũ bắt ra chém đầu”. Đó là câu đố về cái hộp diêm vô tình trùng khớp với quân lính Pháp thường đội mũ sắt. Trẻ con chẳng hiểu chiến tranh là thế nào, hễ nghe quân Pháp bị chém đầu là thích thú.

*

Ban ngày, hồ Ngọa Sơn non xanh nước biếc. Mặt nước phẳng lặng, trong ngần như tấm gương trải mênh mông. Núi Hiềm độc lạ, bắt mắt. Mây trắng xóa lãng đãng ở chóp núi in trên nền trời màu thiên thanh bao la. Bao con thuyền đánh cá, giăng câu dọc ngang tạo nên những nét chấm phá ngoạn mục. Thi thoảng có những chiếc xe khách trên đường thiên lý Bắc - Nam dừng lại cho mọi người chụp ảnh lưu niệm. Xe đông lạnh thì dừng lại thu mua cá trắm đen chở đi tiêu thụ.

Bỗng dưng vào một sáng, xe đặc chủng chở hàng loạt thuyền cao tốc của cảnh sát giao thông đường thủy và hàng chục chiến sĩ công an đổ bộ xuống bờ hồ Ngọa Sơn. Họ nhanh chóng lên thuyền nổ máy lao vun vút về phía núi Hiềm. Khoảng 30 phút sau có tiếng súng nổ đì đoàng trên núi. Dân vạn chài nháo nhác bơi thuyền ra xa. Mọi người đứng trên bờ hồ bàn tán xôn xao. Tất cả hóng về phía núi. Chẳng mấy chốc những con thuyền cao tốc cập bờ. Trên thuyền, ngoài lực lượng cảnh sát còn có những kẻ phạm tội bị còng tay đưa lên bờ với tang chứng. Theo tin hành lang, đây là nhóm tội phạm xuyên quốc gia chuyên vận chuyển ma túy cất giấu trên núi để trung chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố.

Sau hôm ấy, dân vạn chài không còn thấy lãng tử thả thuyền trên hồ Ngọa Sơn thổi sáo, uống rượu, ngâm thơ:

Bỏ đời năm tháng phôi pha

Mặc cho mưa gió phong ba điên cuồng

Trỗi chi một khúc tiêu buồn

Xốn xang vóc ngọc bồn chồn sông trăng…

Hai người đẹp thường đổi hàng cho lãng tử thấy hụt hẫng, tiếc nuối vì chưa được nhìn thấy gương mặt của chàng. Chắc phải là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú lắm. Dân vạn chài ở gần hồ Ngọa Sơn thì quả quyết lãng tử chính là trinh sát công an cải trang làm nhiệm vụ để mang lại cuộc sống bình an cho mọi người.

Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG