Tản văn

Những mùa thị có bà

TRƯƠNG THỊ THÚY 06/08/2024 11:00

Mùa nối mùa, năm nối năm. Mấy chục năm trôi qua, cây thị già cứ đến mùa vẫn cần mẫn đơm hoa kết trái.

Cho đến bây giờ, tôi đã bước qua bên kia cái dốc của cuộc đời và bà tôi cũng đã thành người thiên cổ nhưng tôi vẫn nhớ thật nhiều, bà như vẫn còn đâu đây, trong ngôi nhà thân thuộc, bên giếng nước, cầu ao và cả dưới bóng mấy cây thị xanh tốt ở góc vườn.

Ngày bé, tôi hay theo bà ra vườn hái thị. Dù nhỏ thó nhưng trèo cây thoăn thoắt nên tôi thường được bà giao cho việc trèo hái quả chín. Ở tít trên cành cao, tôi nhìn xuống, thấy bà dom dom mắt dõi theo, dặn dò cháu cẩn thận. Tôi hái cho vào một chiếc bị cói mang theo treo ở chạc ba của cây, cứ gần đầy lại dòng dây đưa xuống gốc cho bà. Bà nhẹ nhàng đỡ lấy bị thị chín, trút vào trong thúng rồi đưa lại bị cói cho tôi kéo lên hái tiếp.

Thi thoảng có những quả chín phía xa, tôi chỉ mới níu nhẹ cành chúng đã rơi bộp bộp xuống đất. Do đã chín mọng, lại rơi từ trên cao xuống nên hầu như quả bị nứt. Bà nhặt bỏ riêng vào một rổ, miệng cứ xuýt xoa, tiếc quả thị chín vàng mà bị vỡ.

Mùa thị, cứ cách buổi chiều, tôi lại trèo hái quả, để sáng hôm sau, bà mang ra chợ bán. Bà hay chọn mấy quả thị đĩa (quả dẹt, hạt nhỏ) xinh xinh cho tôi, rồi bày tôi cách lấy sợi cói đã được phơi dẻo tết thành một chiếc rọ nhỏ xinh để đựng thị chín treo đầu giường. Mùi thị thơm tỏa ra thoang thoảng khắp nhà, len cả vào giấc ngủ say của chị em tôi. Vì vậy chị em tôi đều tin rằng cô Tấm hiền dịu trong câu chuyện của bà chắc chắn sẽ rất thơm vì chui ra từ quả thị.

Mỗi lần bà đi chợ bán thị, khi về thế nào bà cũng mua quà cho chị em tôi. Khi thì túi bỏng ngô, khi thì chiếc bánh rán, lúc lại cái bánh đa hay vài đồng bánh đúc. Chỉ vậy thôi nhưng chất chứa tất cả tình thương yêu của bà dành cho lũ cháu thơ dại. Sáng nào bà đi chợ, chúng tôi cũng chơi loanh quanh ở đầu ngõ để ngóng bà về; để được ùa vào lục chiếc thúng bà đội về từ chợ.

Năm tháng trôi qua thật nhanh, bà tôi cũng yếu dần, tôi lớn hơn chút nữa. Tôi vẫn trèo thị mỗi mùa và đã cắp được bên hông thúng thị giúp bà đi chợ bán. Bà thường cẩn thận lựa riêng từng quả to, quả nhỏ từ tối hôm trước, để sáng hôm sau tôi mang ra chợ bán. Tiền bán thị tôi mang về đưa hết cho bà và bao giờ cũng vậy, bà sẽ cho tôi năm trăm, một ngàn. Tôi xin bà, cất cẩn thận vào chiếc ống bơ, để dành. Hết mùa thị, kiểu gì trong ống bơ của tôi cũng phải được đôi chục nghìn để đầu năm học thêm vào mua sách vở.

Tôi nhớ khi thị ra hoa, chị em tôi thường xin bà ít sợi chỉ rồi cùng mấy bạn hàng xóm đi nhặt những hoa thị rụng (hoa thị giống như những hạt vòng, hình tròn và thông hai đầu, màu trắng xanh) xâu thành chuỗi để đeo cổ, đeo tay, có khi là quấn lên mái tóc. Trong trò chơi trẻ thơ nơi miền quê, những món đồ tự làm đó thật đẹp. Nhưng chỉ một hai ngày sau là chuỗi vòng hoa đó sẽ héo đi, chúng tôi lại hào hứng cùng nhau xâu chuỗi vòng hoa mới. Đơn giản vậy thôi nhưng chứa đựng bao kỷ niệm ngọt ngào thời ấu thơ vụng dại.

Mùa nối mùa, năm nối năm. Mấy chục năm trôi qua, cây thị già cứ đến mùa vẫn cần mẫn đơm hoa kết trái, để thu về vàng ươm lấp ló trong tán xanh, ngát thơm trong gió sớm. Chỉ có bà tôi đã lặng lẽ đi về miền xa xăm. Dưới tán thị già, có những lúc tôi bất chợt nhận ra, đôi môi mình đang mấp máy gọi: “Bà ơi!”

TRƯƠNG THỊ THÚY