Nông nghiệp - Nông thôn

Hải Dương xây dựng hàng rào chắn "bão" dịch tả lợn châu Phi

TRẦN HIỀN 31/07/2024 18:00

Hải Dương đang quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp xây dựng hàng rào chắn "bão" dịch tả lợn châu Phi, nhất là ở những ổ dịch cũ, vùng giáp ranh nơi đang có dịch.

img_1123(1).jpg
Trang trại chăn nuôi của ông Bùi Huy Hạnh ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) luôn đóng kín cửa, không cho người lạ ra vào

Nguy cơ cao

Hơn 5 năm đã trôi qua nhưng người dân phường Hiến Thành (Kinh Môn) vẫn nhớ về “cơn bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi càn quét qua địa bàn. Năm 2019, phường Hiến Thành là địa phương đầu tiên trong cả tỉnh xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đây cũng là địa bàn được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm cao bởi giáp ranh với TP Hải Phòng, nơi đang có nhiều ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Anh Vũ Văn An, cán bộ thú y phường Hiến Thành cho biết: “Trên địa bàn phường hiện chỉ có 1 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô khoảng 500 con nằm cách biệt với khu dân cư. Số lợn chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân chỉ khoảng 100 con. Xác định nguy cơ lây nhiễm dịch tả vào địa bàn phường là rất lớn nên địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là kiểm soát việc giết mổ và tiêu thụ thịt lợn. Hiện nguồn cung thịt lợn vẫn chủ yếu trong địa bàn phường và thị xã”.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Kinh Môn, địa phương hiện có hơn 41.500 con lợn. Là địa bàn giáp ranh với nơi đang có dịch nên để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, thị xã Kinh Môn đã phun khử trùng tại các chợ buôn bán thực phẩm sống, khu vực công cộng có nguy cơ cao; rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn thịt. Cán bộ thú y được phân công giám sát dịch bệnh tận thôn, khu dân cư. Phối hợp với cơ quan chuyên môn, quản lý thị trường để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc.

img_1126.jpg
Khử trùng toàn bộ phương tiện ra, vào để tiêu diệt mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại trang trại của ông Bùi Huy Hạnh ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ)

Xã Cẩm Hoàng là một trong những địa phương có tổng đàn lợn tương đối lớn của huyện Cẩm Giàng. Do vậy công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi được địa phương đặt lên hàng đầu. Xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện rà soát và tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn. Đồng thời khuyến cáo và hướng dẫn các hộ thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch bệnh.

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 44/63 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có các tỉnh, thành phố tiếp giáp với Hải Dương như Quảng Ninh, Hải Phòng…

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 303.000 con lợn thịt, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi đang phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi quy mô tập trung. Tại hội nghị bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức ngày 16/7, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố đều nhận định nguy cơ dịch lây nhiễm vào địa bàn tỉnh là rất cao. Ngoài tính chất lây lan nhanh và phức tạp của dịch thì một trong những nguyên nhân được đưa ra là tình trạng bán chạy lợn bệnh hoặc tiêu thụ thịt lợn không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực của lực lượng từ cơ sở. Nếu không kiên quyết xử lý, dịch sẽ bùng phát và lây lan rộng.

Ý thức từ chủ trại

z5675246985664_759ab64476554fc5f91b99fa7d359282(1).jpg
Tiêm thử nghiệm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi ở xã Cẩm Hoàng

Cách đây gần 1 năm, gia trại của ông Nguyễn Văn Bối ở thôn Phạm Xá 2, xã Tuấn Việt (Kim Thành) từng bị thiệt hại nặng khi mua phải con giống từ tỉnh ngoài bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Không chỉ mất tiền, ông còn phải mất nhiều tháng để khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ông Bối cho biết: “Sau đợt mua con giống bị nhiễm bệnh, tôi không dám mua con giống ở ngoài mà mua 5 con lợn nái từ trại để gây giống. Tự chủ được con giống nên chăn nuôi an toàn hơn. Việc phòng dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Khu vực chăn nuôi tuyệt đối cấm người ngoài ra vào và khử trùng chuồng trại hằng ngày. Các nguồn thực phẩm của gia đình liên quan đến thịt lợn không mua từ bên ngoài mà đều “tự cung, tự cấp” để bảo đảm không có mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào”.

Biết được hạn chế của trang trại mình, anh Trần Văn Thơ ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đã đồng ý tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đầu tháng 7, Chi cục Chăn nuôi Thú y đã tiêm thử nghiệm cho 37 con lợn thịt của gia đình anh. “Đàn lợn sau khi được tiêm vẫn phát triển bình thường. Nếu vaccine có hiệu quả thì là điều đáng mừng với những người chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi”, anh Thơ nói.

z5678008809393_7dc6bec18de4d01899c516002651ca71(1).jpg
Việc xuất, bán lợn được thực hiện tại cổng riêng và được khử trùng trước, trong và sau khi xuất bán

Ở các trang trại chăn nuôi lớn việc phòng chống dịch bệnh càng được ưu tiên. Với phương châm “phòng dịch là trên hết”, trang trại của ông Bùi Huy Hạnh ở xã Tái Sơn đã an toàn vượt qua nhiều đợt dịch bệnh. Đây là trang trại lớn nhất huyện Tứ Kỳ với quy mô hơn 1.000 con lợn nái.

Điểm chung của tất cả các trang trại đã vượt qua "bão" dịch tả lợn châu Phi là xây dựng được "hàng rào" sinh học vững chắc. Chủ các trang trại hiện đã “cấm trại” 100%, tuyệt đối không cho người lạ ra vào trang trại. Các phương tiện vận chuyển vật nuôi và thức ăn chăn nuôi đều phải phun xịt, tẩy trùng kỹ lưỡng trước khi bốc xếp hàng hóa. Cổng nhập và xuất lợn có hố sát trùng bằng vôi bột và được bổ sung thường xuyên. Việc sát trùng chuồng lợn và khu vực chăn nuôi được thực hiện ngày 1 lần bằng thuốc sát trùng loại mạnh và vôi bột. Trại lợn luôn được vệ sinh khô ráo và thông thoáng, phun diệt ruồi, muỗi định kỳ. Phân chia công nhân phụ trách từng dãy chuồng, giám sát chặt chẽ đàn lợn để kịp thời xử lý khi dịch bệnh phát sinh.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, ngoài thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi cũng là một trong những giải pháp phòng chống dịch bệnh. Một số tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn... đã triển khai tiêm diện rộng trên đàn lợn thịt, tỷ lệ miễn dịch đạt trên 90%. Tại Hải Dương, đơn vị đã tiến hành tiêm đánh giá trên đàn lợn thịt của một số hộ chăn nuôi nhỏ. Hiện đàn lợn thịt được tiêm thử nghiệm vaccine phát triển tốt. Các địa phương đang rà soát để đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vaccine phòng bệnh cho đàn lợn thịt.

TRẦN HIỀN