Góc nhìn

Tự đẩy mình vào tình huống giao thông nguy hiểm

NGUYỄN HOÀNG 30/07/2024 05:30

Kiểm tra 4 địa phương tại Hải Dương có số vụ tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024 có thể thấy nguyên nhân rất nhiều vụ tai nạn là do ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, cố tình đẩy mình và người khác vào tình huống nguy hiểm.

anh tai nan
Vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe máy xảy ra lúc nửa đêm ngày 1/7 trên đường Yết Kiêu (TP Hải Dương) làm 2 thanh niên tử vong. Một số người dân cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, khu vực đường Yết Kiêu có một nhóm thanh thiếu niên chạy xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng

Đoàn công tác của UBND tỉnh Hải Dương vừa hoàn thành đợt kiểm tra 4 địa phương có số vụ tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng năm 2024 gồm thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng và Bình Giang. Đáng chú ý là nguyên nhân rất nhiều vụ tai nạn do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa tốt, cố tình đẩy mình và người khác vào tình huống nguy hiểm dẫn tới tai nạn giao thông.

6 tháng năm nay, tai nạn giao thông ở Hải Dương tăng cao đột biến với 407 vụ tai nạn và va chạm giao thông, tăng 246 vụ so với cùng kỳ năm 2023, làm 114 người tử vong (tăng 10 người chết, tăng 9,6%), 353 người bị thương (tăng 264 người, gấp gần 4 lần). Tai nạn giao thông đường bộ chiếm 99,5%. Đáng chú ý là số trẻ em, thanh thiếu niên liên quan đến tai nạn rất lớn (112 em/912 người liên quan).

Trong tháng 7 này, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tới 49 vụ tai nạn giao thông, làm 23 người chết và 49 người bị thương. Tai nạn giao thông tăng cao, làm nhiều người chết và bị thương đã khẳng định nhiều giải pháp thực hiện thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.

Với công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp từ trung ương đến địa phương như hiện nay, hầu hết mọi người trong độ tuổi điều khiển từ xe đạp điện đến ô tô đều biết khi lái xe không được phóng nhanh vượt ẩu, phải dừng chờ đèn đỏ, đã uống rượu không lái xe, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe gắn máy... Nhưng trong 6 tháng qua, vẫn có tới hàng chục nghìn trường hợp vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt lên tới hơn 60 tỷ đồng… Dù xử phạt nghiêm, đã tuyên truyền tới tận cơ sở nhưng qua phân tích tai nạn, hầu hết các vi phạm kể trên đều vẫn diễn ra. Thậm chí không ít vụ tai nạn gây chết người liên quan đến “ma men”.

Có những lỗi lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác như thanh thiếu niên vi phạm đi hàng hai, ba, không đội mũ, vượt đèn đỏ, tạt đầu xe, không nhường đường cho các phương tiện đi ngược chiều đã trở thành nỗi sợ hãi của nhiều người mỗi khi chung đường với học sinh giờ tan học, lúc tan ca...

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như cơ sở hạ tầng có nơi còn chưa tốt, số phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông hơn… thì hầu hết các vụ tai nạn do lỗi chủ quan (nhất là đi nhanh, vượt ẩu) đã tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm dẫn đến tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng của mình và người khác. Vì sao lại như vậy? Chắc chắn là do thái độ coi thường pháp luật, hoặc là “nhờn thuốc” vì đã vi phạm nhiều lần nhưng chưa bị xử lý, hoặc mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Một nguyên nhân rất quan trọng nữa là, cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức vấn nạn này.

Cùng những giải pháp thực hiện dài kỳ về nâng cao dân trí, văn hóa giao thông, tâm lý học, đề nghị cấp uỷ đảng cấp huyện không chỉ có Kế hoạch triển khai Chỉ thị của cấp trên mà cần có kế hoạch chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm ngăn chặn ngay tình hình tai nạn giao thông phức tạp, chưa có chiều hướng giảm hiện nay.

Thời gian qua, các trường hợp vi phạm dẫn đến tai nạn vào thời điểm không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát rất nhiều, nhất là buổi tối. Tỉnh và các địa phương đã và đang đầu tư camera an ninh nhưng chưa phủ khắp; việc xử lý phạt nguội chưa thường xuyên, chưa hiệu quả, tốn nhiều công sức của lực lượng chức năng. Các cấp cần quan tâm đầu tư camera an ninh ở tất cả các cung đường và kiên quyết phạt nguội.

NGUYỄN HOÀNG