Những “đại sứ du lịch” ở Đảo Cò
Những người lái thuyền ở Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) như những “đại sứ du lịch”. Họ không chỉ đưa du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đảo Cò mà còn lan tỏa tình yêu thiên nhiên, truyền cảm hứng cho mỗi du khách đến đây.
Truyền cảm hứng
Chiếc thuyền vòng quanh hồ An Dương, tới đảo 3A, khu du lịch sinh thái Đảo Cò, đoàn khách tỉnh Bình Phước ngạc nhiên khi thấy cò thản nhiên uống nước ở rìa đảo, không hề sợ hãi.
Ông Nguyễn Đăng Chắm, người lái thuyền nhanh nhảu thuyết minh: “Đó là cò bợ đực. Quý khách có thấy từ cổ lên đầu của cò có màu đỏ hồng không? Đó là do cò thay đổi màu lông để quyến rũ bạn tình vào mùa sinh sản”. Cũng theo ông Chắm, từ tháng 1 đến tháng 7 là mùa sinh sản của cò, vạc. Cò, vạc bố mẹ đi kiếm ăn và trở về liên tục để mớm mồi cho con. Vì vậy, quý khách có cơ hội thấy được hết các loài cò, vạc sinh sống ở đây vào thời điểm này.
Ông Chắm còn bật mí về đặc tính của loài cò: những con chưa có gia đình sẽ bay theo đàn, còn cò bố mẹ đi riêng lẻ. Ông đọc câu thơ vui, ví loài cò cũng như con người:
“Có chồng chẳng được đi đâu/Có con chẳng được đứng lâu cùng người”.
Trong suốt thời gian làm nghề, ngày nào cũng đi, để ý, ông Chắm đã tận mắt thấy 7 trong số 9 loài cò, 2 trong số 3 loài vạc sinh sống ở đây. “Một số loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ của Việt Nam như cò nhạn, bồ nông… tôi cũng đã nhìn thấy”, ông Chắm nói.
Cách thuyền của ông Chắm không xa, chiếc thuyền chở đoàn khách từ tỉnh Nam Định cũng rôm rả không kém. Ông Nguyễn Đức Hiệu, người lái chiếc thuyền này kể với du khách về lịch sử hình thành Đảo Cò từ mấy trăm năm trước. Với diện tích trên 69 ha, hiện khu du lịch sinh thái Đảo Cò có 3 đảo: 3A, 3B, 4C. Đây là nơi cư ngụ của trên 18.000 con cò, trên 8.000 con vạc. Không chỉ có nhiều loài chim trên đảo, dưới lòng hồ An Dương cũng đa dạng loài cá và thủy sinh. Có nhiều loài quý hiếm như cá măng kìm, rái cá, ba ba gai…
Nhẹ nhàng điều khiển chiếc thuyền xuôi theo dòng nước, ông Hiệu khoan thai nói về sự đổi thay trong tư duy của người dân xã Chi Lăng Nam. “Ở đây, điều tối kỵ nhất là việc bắt, giết cò, vạc. Người dân sống chan hòa, yêu thiên nhiên và nêu cao ý thức bảo vệ các loài chim. Điều này lý giải vì sao cò, vạc ở đây rất dạn dĩ”, ông Hiệu chia sẻ.
Trước cách nói chuyện gần gũi, mộc mạc nhưng hiểu biết cặn kẽ về các loài chim, về nơi đây của những người lái thuyền, du khách không khỏi ngỡ ngàng. “Các bác ấy đã truyền cảm hứng, khiến tôi thấy yêu mến dù lần đầu đến với Đảo Cò”, chị Đinh Thị Anh Thư ở huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) nói.
Tình yêu với Đảo Cò
Những người lái thuyền như các ông Chắm, Hiệu là nhân viên tổ dịch vụ khu du lịch sinh thái Đảo Cò. Tổ có 10 người. Ngoài nhiệm vụ lái thuyền, 10 thành viên còn thay nhau trông giữ xe, bán vé. Để bảo vệ đàn cò, cứ 2-3 ngày, tổ lại cử người tuần tra trên đảo, cứu những con non bị rơi khỏi tổ, gom xác những con chết để chôn lấp, bảo vệ môi trường sống của cò, vạc. “Thời gian gần đây xuất hiện chim ưng, chim cắt từ đâu bay về tấn công đàn cò, vạc. Chúng tôi chỉ biết xua đuổi mà chưa có cách nào xử lý”, ông Chắm lo lắng.
Ở Đảo Cò có 5 hướng dẫn viên chính thức. Tuy nhiên, 5 người này là giáo viên các trường học tại địa phương nên họ chỉ có mặt ở Đảo Cò vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, các ngày lễ, Tết hoặc khi có khách đông đột xuất. Còn lại những ngày thường, 10 thành viên tổ dịch vụ trực tiếp đón khách, quảng bá, hướng dẫn...
“Không chỉ nghe qua lời kể của các tiền bối, chúng tôi phải tìm hiểu kiến thức về các loài cò, vạc, lịch sử hình thành của Đảo Cò qua sách, báo. Chúng tôi còn đi thực tế ở các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh, học hỏi cách giao tiếp, phục vụ du khách”, bà Trần Thị Chuyên, nhân viên tổ dịch vụ khu du lịch sinh thái Đảo Cò cho biết.
Có lẽ chính bởi sự chân chất, thật thà cùng những kiến thức tích lũy được đã giúp những “đại sứ du lịch” ở Đảo Cò mang một nét cuốn hút rất riêng với du khách.
Dù mức thu nhập chưa nhiều nhưng khi nói về công việc mình làm, những “đại sứ du lịch” ở Đảo Cò cho biết, mong muốn lớn nhất của họ là lan tỏa tình yêu thiên nhiên với du khách, quảng bá hình ảnh quê hương để nhiều người biết đến hơn. “Khi nhiều người biết đến, Đảo Cò được quan tâm đầu tư, quê hương sẽ đổi mới từng ngày, đàn chim được bảo vệ tốt hơn và đời sống người dân được nâng cao”, ông Hiệu nói.
Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Đảo Cò vừa được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, Trưởng Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò khẳng định, việc được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh giúp Đảo Cò có nhiều cơ hội phát triển. “Đảo Cò trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch của Hải Dương. Từ đây sẽ kết nối với nhiều điểm, khu du lịch khác, hình thành các tua tuyến trong và ngoài tỉnh, thu hút du khách. Đồng thời, Đảo Cò cũng sẽ được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng”, ông Minh cho biết.
Trước những cơ hội đó, tổ dịch vụ được xác định là lực lượng quan trọng, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đón và hướng dẫn du khách tại Đảo Cò. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề nghị các cấp hỗ trợ, mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ cho tổ dịch vụ”, ông Minh cho biết thêm.