Cảnh giác tội phạm mua bán người tại Hải Dương
Với mục tiêu không để xảy ra mua bán người trên địa bàn, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này.
Nhiều loại bẫy
Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có những diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các vụ mua bán người phần lớn có yếu tố nước ngoài.
Tình hình phức tạp hơn khi các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua internet, điện thoại, mạng xã hội) để lừa đảo, tán tỉnh, dụ dỗ, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc với thu nhập cao hoặc môi giới lấy chồng người nước ngoài… Sau đó, chúng lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. Trong số này, người Việt Nam bị lôi kéo, xuất cảnh trái phép sang Lào, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc… có chiều hướng gia tăng.
Các đối tượng lôi kéo, “tuyển dụng” lao động với mức lương hứa hẹn từ 800 - 2.000 USD/tháng, chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, thậm chí còn sẵn sàng hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh. Những thủ đoạn này đang là một trong những “bẫy” lừa đảo phổ biến của tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh người bị lôi kéo, dụ dỗ bị các đối tượng thu giữ giấy tờ, cưỡng bức lao động, ép làm mại dâm, hoạt động tội phạm lừa đảo trực tuyến qua mạng, thời gian làm việc trung bình khoảng 15 tiếng/ngày, nếu không chịu làm việc sẽ bị đánh đập, tra tấn. Muốn về nước thì người bị lừa phải trả tiền chuộc cho các “công ty” từ 150 - 200 triệu đồng/người…
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), ngoài lừa đảo xuất khẩu lao động không đúng với tư vấn, thỏa thuận theo hợp đồng, hành vi mua bán người còn có nhiều biểu hiện tinh vi, khó nhận diện hơn như lừa môi giới lấy chồng nước ngoài; đẻ thuê núp bóng từ thiện, nhân đạo; trẻ em, người ăn xin có đối tượng chăn dắt; cưỡng bức lao động bằng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực; nô lệ tình dục do bị lệ thuộc mà buộc phải phục vụ nhu cầu tình dục của người khác...
Các đối tượng không chỉ nhắm đến nhóm người yếu thế là phụ nữ, trẻ em mà bất cứ ai nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, mang lại lợi ích về tiền bạc, sức lao động đều được chúng nhắm đến. Không chỉ lừa bán người sang nước ngoài mà tội phạm có thể còn buôn bán người trong nước hoặc thậm chí tại các địa phương.
Cảnh giác cao
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, triệt phá đối với tội phạm liên quan đến mua bán người.
Một trong những vụ án tiêu biểu về phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người đã được Công an tỉnh triệt phá là vào cuối năm 2023. Lê Minh Công (sinh năm 1997 ở xã Hồng Hưng, Gia Lộc) cùng Hoàng Văn Toản (sinh năm 2002) và Hoàng Văn Khiêm (sinh năm 2006, cùng trú tại xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, Sơn La) thống nhất với nhau lên mạng xã hội tìm kiếm những cô gái có nhu cầu tìm việc làm hoặc kết bạn làm quen, giả vờ rủ về Hải Dương chơi rồi bán cho người khác.
Cuối tháng 8/2023, Công, Toản, Khiêm quen chị Quàng Thị V. (sinh năm 2005) và cháu Quàng Thị H. (sinh năm 2007 đều ở xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên). Các đối tượng dụ dỗ chị V., cháu H. về Hải Dương chơi rồi bán cho người khác để làm nhân viên phục vụ tại một quán karaoke tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát hình sự, từ năm 2018 đến tháng 7/2024, cơ quan chức năng của tỉnh đã làm rõ 2 vụ, 4 đối tượng mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi trong nội địa.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, phòng chống tội phạm mua bán người cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực, tinh thần cảnh giác cao của nhân dân. Cơ quan công an các cấp, nhất là người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm, quyết tâm cao, nhạy bén trong nắm bắt tình hình, quyết liệt tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người...
Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để không để bị lừa, dụ dỗ. Đặc biệt, cảnh giác, đề phòng với những người đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc hợp tác làm ăn. Cảnh giác trước những lời dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao", lấy chồng nước ngoài. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người người lạ, mới quen biết.
Người dân cũng cần nêu cao cảnh giác với những mối quan hệ trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội, những trường hợp mới quen nhưng đã tỏ vẻ yêu thương và muốn gặp mặt. Cùng với đó, luôn đặt ra nghi vấn đối với những trường hợp rủ đi làm ăn lương cao nhưng “phải giữ bí mật” với bất kỳ lý do nào....