Vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn của Hải Dương ở đâu?
Theo quy hoạch của tỉnh Hải Dương, đến năm 2030 huyện Bình Giang và Thanh Miện sẽ trở thành vùng lúa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Sản xuất hàng hoá tập trung
Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) là một trong nhiều “đại điền chủ” của huyện. Trước đây, nhiều hộ trong xã bỏ ruộng không cấy. Nhìn đồng lúa từng là “bờ xôi, ruộng mật” giờ xác xơ, anh Thắng không khỏi xót xa. Anh gom ruộng, thuê đất của nhiều hộ dân, cải tạo đồng ruộng để trở thành những cánh đồng lớn. Hiện anh có 20 ha ruộng ở 2 xã Phạm Kha và Ngô Quyền chuyên để sản xuất giống lúa nếp hương.
Anh Thắng chia sẻ: “Sản xuất theo quy mô lớn sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm so với sản xuất nông nghiệp trước đây. Từ khi tích tụ ruộng sản xuất theo quy mô lớn, gia đình tôi giảm chi phí đầu vào do áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo mạ, làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. So sánh với trồng lúa truyền thống, hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 10 – 15%”.
Thanh Miện là địa phương đi đầu ở Hải Dương trong tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn. Hiện toàn huyện có 114 hộ nông dân, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất với diện tích hơn 857 ha, tăng hơn 66 ha so với vụ đông xuân năm 2022-2023. Huyện có 57 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích từ 5 ha/vùng trở lên. Quy mô lớn nên ngoài áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, ở các vùng này nông dân cũng quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Hiệu quả kinh tế của mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hoá cao hơn khoảng 20% so với sản xuất đại trà.
Cũng có lợi thế trong phát triển lúa chất lượng cao, huyện Bình Giang đã quy vùng sản xuất tập trung, hình thành những cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương trong huyện. Địa phương đã hình thành được 2 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, liên xã, đó là vùng sản xuất lúa Bắc thơm số 7 được gieo cấy ở hầu hết các xã và chiếm trên 65% tổng diện tích lúa mỗi vụ. Đây là giống lúa chủ lực của huyện, có chất lượng gạo ngon, đầu ra ổn định. Thứ hai là vùng sản xuất lúa nếp 415, nếp Hưng Yên... có năng suất cao và giá bán ổn định.
Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, hai vùng lúa hàng hóa 415 và Bắc thơm số 7 sẽ chuyển đổi diện tích cho nhau để sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm dễ dàng tiêu thụ và đem lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân. Khi Bắc thơm được giá thì vụ kế tiếp mở rộng diện tích Bắc thơm và ngược lại. Gạo tẻ Bắc thơm số 7 để phục vụ cho tiêu thụ trong nước, gạo nếp để phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thóc tươi được hợp tác xã và các thương lái thu mua, xay xát, chế biến tại địa phương, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ ở nơi khác nên rất thuận lợi.
Trồng lúa sạch
Xã Thái Dương (Bình Giang) là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất lúa chất lượng cao. Toàn xã có khoảng 400 ha lúa, chủ yếu là nếp 415. Gắn bó với cây lúa nên ngoài năng suất, nông dân còn quan tâm trồng lúa sạch.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thái Dương cho biết trước đây, một số địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm lúa theo hướng hữu cơ. Những vụ sau đó, nông dân đã quan tâm sản xuất lúa sạch. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như trước thì nông dân chỉ phun thuốc khi có thông báo từ hợp tác xã. Các loại thuốc, phân bón được sử dụng đều là thuốc sinh học hoặc phân vi sinh. Diện tích cấy máy mạ khay được mở rộng theo cấp số nhân qua từng vụ cũng giúp nông dân giảm số lần phun thuốc. Nhận thức của nông dân thay đổi nên đồng ruộng không còn chịu áp lực ô nhiễm như trước.
Quy vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu là một trong những mục tiêu mà huyện Bình Giang hướng tới. Hiện huyện đã xây dựng được 15 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở 8 xã.
Các mô hình này không chỉ bảo đảm năng suất mà chất lượng gạo vượt trội. Giá bán thóc luôn cao hơn từ 300 - 500 đồng/kg. Ngoài ra, huyện đã triển khai áp dụng chương trình quản lý dịch hại IPM, ICM (kiểm dịch thực vật để có biện pháp bao vây tiêu diệt kịp thời bằng biện pháp sinh học và công nghệ sinh học...) trên 1.000 ha/vụ, áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI (phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính) trên 2000 ha/vụ, áp dụng chương trình sản xuất lúa hữu cơ bằng cách sản xuất phân ủ hữu cơ từ rơm rạ, bón các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.
Việc chuyển từ lối canh tác truyền thống sang hướng hữu cơ, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn thay đổi nhận thức sản xuất để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong phát triển nông nghiệp.
Hải Dương hiện có trên 110.000 ha trồng lúa, trong đó có khoảng 73% lúa chất lượng cao. Sản lượng trung bình hằng năm đạt khoảng 700.000 tấn, chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong tỉnh (khoảng 500.000 tấn), phần còn lại cung cấp cho dự trữ quốc gia, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu. Đặc biệt, huyện Thanh Miện và Bình Giang có nhiều lợi thế để xây dựng vùng lúa chất lượng cao với quy mô lớn hướng tới mục tiêu xuất khẩu.