"Tai, mắt" của Đảng ở cơ sở: Bài 1 - Phát hiện nhiều hạn chế
Ở Hải Dương, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có mặt ở tất cả 235 xã, phường thị trấn. Lực lượng này được coi là "tai, mắt" quan trọng của Đảng ở cơ sở, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền giải quyết nhiều vấn đề. Từ hôm nay 30/7, báo Hải Dương điện tử khởi đăng loạt bài "Tai, mắt" của Đảng ở cơ sở viết về lực lượng này.
Từ những công trình xây dựng...
Ông Phạm Văn Hùng, Phó trưởng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thành viên Ban Thanh tra nhân dân xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đưa chúng tôi đi thăm công trình nhà hiệu bộ trường tiểu học xã này đang trong quá trình hoàn thiện. Lật một góc tấm bạt phủ khoảng 100 m³ cát xây dựng, ông Hùng kể: "Đây là số cát san lấp không bảo đảm tiêu chuẩn như trong hồ sơ đã được phê duyệt. Đơn vị thi công định sử dụng để xây dựng nhưng bị chúng tôi phát hiện, lập biên bản, đề nghị thay bằng cát khác".
Ông Hùng đi vào chỗ mấy thợ xây đang làm việc, nhắc nhở họ: "Lần trước trong lúc làm sắt mái công trình này, chúng tôi đã phát hiện các mối buộc đặt sai miền chịu lực, phải tháo ra buộc lại mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Những phần việc còn lại, mong các anh thực hiện đúng yêu cầu", ông Hùng nhắn nhủ.
Xã Minh Đức có 5 dự án đang xây dựng, chủ yếu liên quan đến cải tạo, nâng cấp đường giao thông, trường học. Ban Thanh tra nhân dân xã có 11 thành viên, đồng thời tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. "Các thành viên thay nhau giám sát các công trình hằng ngày. Chúng tôi nắm chắc hồ sơ xây dựng từ trước khi các dự án khởi công nên rất hiếm khi để cho những vi phạm xảy ra", Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Minh Đức Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Về xã Minh Tân (Nam Sách), chúng tôi ấn tượng với những tuyến đường trục xã đẹp đẽ vừa mới nâng cấp, cải tạo. Được biết, trong suốt quá trình làm đường, các thành viên Ban Thanh tra nhân dân kiêm giám sát đầu tư của cộng đồng ở đây lúc nào cũng có mặt trên công trường.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã kể: Khi làm tuyến đường trục xã từ trạm y tế đến cổng chào thôn Hùng Thắng, ông đã phát hiện đơn vị thi công lấp mất mương thoát nước có từ trước. Nếu không khôi phục lại sau này sẽ gây ngập lụt khi mưa bão. Ông Chiến kiến nghị lên cấp uỷ, chính quyền và nhà thầu thi công đã phải hoàn trả tuyến mương này. Khi làm đường trục xã từ điểm bưu điện đến đầu thôn Mạc Xá, ông thấy một số đoạn cốt đường dù bảo đảm theo thiết kế nhưng còn nông, sau này phương tiện đi lại nhiều dễ xảy ra nứt mặt đường nên kiến nghị hạ sâu, lu lèn chặt hơn và đã được đáp ứng...
Lãnh đạo một phường ở TP Hải Dương (xin giấu tên) tiết lộ: "Mới đây, một công trình khá lớn ở chỗ chúng tôi đã buộc phải tạm dừng ngay khi đang xây dựng phần móng để thay đổi cả nhà thầu lẫn đơn vị thi công do làm không đúng thiết kế, sử dụng vật liệu không bảo đảm chất lượng... Chính Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của địa phương đã phát hiện ra những vi phạm này".
...đến những vụ việc phát sinh trong cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thị trấn Tứ Kỳ kể lại cho chúng tôi nghe nhiều vấn đề phát sinh trong cộng đồng được Ban Thanh tra nhân dân phát hiện. Đó là vụ một hộ dân ở khu La Tỉnh Nam tự ý san lấp, xây tường bao, bờ kè đè lên hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Một đơn vị thi công đường điện ngầm ở khu An Nhân Tây không đúng thiết kế, làm hỏng đường, vỡ hệ thống thoát nước. Mấy hộ vi phạm trong xây dựng mồ mả, lấn chiếm đất đai. Rồi vụ ông Nguyễn Văn Soa, thành viên Ban Thanh tra nhân dân khu An Nhân Tây theo dõi, phát hiện hàng chục hộ múc trộm đất ruộng vào ban đêm... Ông Long thông tin: "Tất cả các vụ việc đều được các bác phát hiện sớm, kiến nghị giải quyết kịp thời. Vai trò, trách nhiệm của các bác ấy tại cơ sở là cực kỳ quan trọng".
Năm ngoái, một công dân ở thôn Vĩnh Mộ, xã Lê Hồng (Thanh Miện) có đơn tố nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn chi sai tiền công của những người tham gia thực hiện dồn điền đổi thửa. Ban Thanh tra nhân dân xã vào cuộc xác định những người làm nhiệm vụ chia ruộng không nhận tiền công mà đóng góp cho thôn. Ông Bí thư Chi bộ đã sử dụng số tiền đi mua bàn bóng bàn cho thôn, không sử dụng cho mục đích cá nhân, song chưa thông báo rộng rãi. Sau công khai, người dân thấy thoả đáng, không còn ý kiến.
Ông Bùi Quang Thọ, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Lê Hồng cho biết: "Tất cả những vụ việc dù là nhỏ nhất từ nhân dân cũng được chúng tôi tiếp thu, giải quyết. Bởi vậy mà nhiều năm nay, tình hình nhân dân tại địa phương luôn ổn định".
Chúng tôi tìm hiểu thực tế tại nhiều nơi trong tỉnh cho thấy trong cộng đồng dân cư thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề từ vi phạm về đất đai, môi trường, an ninh trật tự, mâu thuẫn gia đình... Nhưng dù là việc lớn hay nhỏ thì đều không qua được "tai, mắt" của các thành viên Ban Thanh tra nhân dân. Họ luôn kịp thời nắm bắt tình hình, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền giải quyết mọi vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở.
Lực lượng trên còn tham gia vào quá trình vận động, hoà giải hàng nghìn vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở mỗi năm. Nhờ vậy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tình hình nhân dân ở Hải Dương luôn ổn định.
Từ năm 2019-2023, các Ban Thanh tra nhân dân ở Hải Dương đã phát hiện, kiến nghị 5.717 vụ việc, được chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 5.587 vụ việc (đạt 97,7%), thu hồi cho Nhà nước 1.234 m² đất và trên 166 triệu đồng; tổ chức giám sát 1.265 dự án, đã kiến nghị và được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 9 dự án vi phạm; tham gia hòa giải thành công 3.422 vụ việc ở cơ sở.
Kỳ sau: Giúp người đứng đầu tự soi, tự sửa