Việc tử tế

Nghĩa tình đồng đội ở Bệnh viện Quân y 7

ĐQ 27/07/2024 12:30

Hàng chục năm qua, lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 7 vẫn luôn chăm sóc, hương khói cho 45 phần mộ liệt sĩ, tử sĩ nhằm tri ân những công lao to lớn của các anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước.

imgp7880.jpeg
Bệnh viện Quân y 7 đang quản lý, chăm sóc 45 phần mộ liệt sĩ, tử sĩ tại nghĩa trang Cầu Cương

Nằm trong một góc nhỏ ở nghĩa trang Cầu Cương (TP Hải Dương) có 45 phần mộ liệt sĩ, tử sĩ do Bệnh viện Quân y 7 quản lý. Đây đều là những quân nhân đã đến điều trị và tử vong tại bệnh viện. Theo trung tá Nguyễn Duy Loãn, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 7, trước đây, phần mộ của các liệt sĩ, tử sĩ do bệnh viện quản lý nằm ở nghĩa trang Tứ Kỳ. Năm 1995, bệnh viện đã xin kinh phí để quy tập các phần mộ này về nghĩa trang Cầu Cương cho tiện chăm sóc, hương khói. Đến năm 2017, do một số phần mộ đã xuống cấp nên bệnh viện tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng để nâng cấp, cải tạo lại.

Dịp 27/7 năm nay, các lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 7 đến dâng lên các liệt sĩ, tử sĩ vòng hoa tươi thắm cùng nén hương thơm để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến những công lao to lớn mà các anh đã cống hiến cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Chiến tranh đã rời xa nhưng các anh vẫn nằm lại đây là nỗi niềm mà lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 7 đau đáu từng ngày. Do điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên thân nhân những liệt sĩ, tử sĩ này vẫn chưa thể đưa các anh trở về quê nhà.

imgp7889.jpeg
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 7 dâng hương, hoa tri ân các liệt sĩ, tử sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (ảnh cơ sở cung cấp)

Tháng 6/2023, là lần thứ 2 ông Phan Văn Cược (sinh năm 1962, quê ở Quảng Ngãi), sinh sống tại phường 15, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) trở lại nghĩa trang Cầu Cương để thăm phần mộ của bố là liệt sĩ Phan Mậu. Theo hồ sơ còn lưu lại tại Bệnh viện Quân y 7, liệt sĩ Phan Mậu mất ngày 23/3/1974 do xuất huyết não. Đây là vết thương tái phát do ông từng bị địch tra tấn trong thời gian dài. Khi mất, bệnh viện đã gửi giấy báo tử về địa phương và hoàn thiện các thủ tục để an táng liệt sĩ Phan Mậu tại nghĩa trang thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương).

"Bố tôi mất được khoảng 10 ngày thì giấy báo tử gửi về quê nhà, năm ấy tôi 12 tuổi. Dù biết nơi bố được chôn cất nhưng khi ấy đất nước còn chiến tranh, hai miền chưa thống nhất nên gia đình đành để ông nằm lại Hải Dương. Sau này gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống nhưng do cuộc sống khó khăn nên đến năm 2013 tôi mới có thể ra Hải Dương tìm lại mộ phần của bố", ông Cược cho biết.

Hai lần đến Hải Dương, gia đình ông Cược đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của Bệnh viện Quân y 7 và Ban Chỉ huy quân sự TP Hải Dương. Nửa thế kỷ trôi qua, phần mộ của liệt sĩ Phan Mậu đã phải di chuyển nhiều lần. Hồ sơ bệnh án cũng không còn lưu trữ đầy đủ khiến thông tin về phần mộ chưa thống nhất. Đây cũng là nguyên nhân khiến gia đình ông Cược chưa thể đưa liệt sĩ Phan Mậu về quê nhà Quảng Ngãi an táng.

img_1091.jpeg
Gia đình ông Phan Văn Cược bên phần mộ liệt sĩ Phan Mậu (ảnh gia đình cung cấp)

Năm 1969, gia đình bà Hồ Thị Huệ (sinh năm 1968) ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) nhận được tin liệt sĩ Hồ Văn Hưng mất khi đang điều trị tại Hải Dương. Tuy nhiên, lúc đó do chiến tranh nên gia đình không thể ra Bắc để đưa liệt sĩ Hưng trở về quê nhà. Cuộc sống bộn bề khó khăn đã khiến những thông tin cụ thể về phần mộ của liệt sĩ Hồ Văn Hưng dần phai mờ theo năm tháng.

"Ngày chú mất tôi mới 1 tuổi. Khi lớn lên bố mẹ vẫn dặn chúng tôi phải ra Hải Dương đưa chú về quê nhà", bà Huệ cho biết.

Cuối năm 2023, bà Huệ một mình ra Hải Dương tìm lại phần mộ liệt sĩ Hồ Văn Hưng. Từ những thông tin còn lại về người chú ruột, bà tìm đến Bệnh viện Quân y 7. Sau đó, gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ Hồ Văn Hưng về quê an táng. "Cuối cùng mong ước của gia đình tôi trong hơn 50 năm qua đã được thực hiện", bà Huệ nghẹn ngào nói.

Nhiều năm qua, Bệnh viện Quân y 7 đã hỗ trợ gần 10 gia đình đưa các liệt sĩ, tử sĩ trở về quê nhà. Còn với người nằm lại, bệnh viện thường xuyên cắt cử cán bộ, chiến sĩ đến thăm nom, dọn dẹp các phần mộ chu đáo. Từng hàng cây, khóm hoa được cắt tỉa gọn gàng sạch sẽ làm cho những thân nhân, đồng đội của các liệt sĩ, tử sĩ cảm thấy yên lòng. "Bảo vệ và chăm sóc phần mộ của các liệt sĩ, tử sĩ vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của chúng tôi. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần giáo dục các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc", trung tá Nguyễn Duy Loãn cho biết.

ĐQ