Tin tức

FBI điều tra nghi vấn không phải viên đạn sượt vào tai ông Trump

HQ (theo TTXVN) 26/07/2024 20:57

Giám đốc FBI nói ông Donald Trump có thể đã trúng phải một mảnh vỡ vào tai chứ không phải viên đạn trong vụ ám sát hụt ngày 13/7.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trích từ video cho thấy các mật vụ Mỹ bảo vệ cựu Tổng thống Donald Trump rời khỏi bục diễn thuyết trong cuộc vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7/2024

Theo tờ New York Times, Cục điều tra Liên bang Mỹ đang đánh giá nguyên nhân gây ra vết thương ở tai với cựu Tổng thống Trump trong vụ ám sát hụt ở Butler, Pennsylvaina hôm 13/7 (giờ địa phương).

Theo đó, FBI đang kiểm tra nhiều mảnh kim loại được tìm thấy gần sân khấu tại cuộc vận động tranh cử ở Butler để xác định xem liệu viên đạn của sát thủ, hay mảnh vỡ của nó hoặc một thứ gì khác đã sượt qua đầu cựu Tổng thống Donald Trump, khiến ông chảy máu tai.

FBI đã yêu cầu phỏng vấn ông Trump như một phần của cuộc điều tra rộng hơn, với hy vọng được cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ nổ súng và có thể là hồ sơ đầy đủ hơn về vết thương của ông – theo một quan chức quan chức này cho biết với điều kiện giấu tên để thảo luận về cuộc điều tra đang tiếp tục.

Viên đạn, mảnh kim loại hay thứ gì khác?

Những câu hỏi chưa được trả lời về vật thể gây tổn thương ở tai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã xuất hiện kể từ vụ nổ súng vào ngày 13/7, với việc ông Trump tuyên bố rằng ông đã bị trúng đạn và coi việc ông sống sót là một sự màu nhiệm.

Tuy nhiên, các quan chức FBI đã thận trọng hơn, với lý do cần phải phân tích bằng chứng trước khi xác định thứ gì đã tấn công ông Trump - một viên đạn, mảnh kim loại hay thứ gì khác.

Nhóm tái hiện vụ nổ súng của FBI “tiếp tục kiểm tra bằng chứng từ hiện trường, bao gồm cả các mảnh đạn vỡ, và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn”, FBI. cho biết trong một tuyên bố vào ngày 25/7. Ngoài việc làm ông Trump bị thương, tay súng Thomas Crooks, 20 tuổi, ở Bethel Park, Pennsylvania còn bắn trúng 3 người tham dự buổi mít tinh, khiến một người tử vong.

Chú thích ảnh
Sân khấu buổi vận động tranh cử ở Butler sau vụ ám sát hụt ngày 13/7

Steven Cheung, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, không cho biết liệu FBI có yêu cầu xem xét hồ sơ y tế của cựu tổng thống sau vụ việc hay không, tuy nhiên bản thân ông vẫn chưa công bố chúng.

Một vấn đề chính trị

FBI coi việc xác định vật thể sượt vào tai cựu Tổng thống Trump là quan trọng nhưng không phải là trọng tâm của cuộc điều tra hình sự quy mô lớn về hành động và động cơ của tay súng. Họ quan tâm nhiều nhất đến động cơ của Crooks hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cậu ta có thể đã có đồng phạm hoặc sự giúp đỡ nào đó. Cho đến nay, nhà chức trách vẫn chưa tìm ra lý do Crooks ra tay cũng như kẻ chủ mưu nào đó đứng sau.

Cựu đặc vụ FBI Michael Harrigan, từng điều hành đơn vị huấn luyện súng của cơ quan này ở Quantico, cho biết: “Ưu tiên của FBI là tìm xem có ai đã trợ giúp tay súng hay không và loại bỏ mọi mối đe dọa tiềm tàng đang tồn tại”.

Ông Harrigan nói thêm: “Từ quan điểm điều tra, việc biết chuyện gì đã xảy ra với tai của tổng thống không thực sự quan trọng”.

Tuy nhiên, việc này rất quan trọng khi nhìn từ quan điểm chính trị.

Giám đốc FBI Christopher A. Wray, nói với nghị sĩ Jim Jordan của đảng Cộng hòa, người đang là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, hôm 24/7: “Với sự tôn trọng dành cho cựu Tổng thống Trump, có một số câu hỏi về việc liệu một viên đạn hay mảnh vỡ đã trúng tai ông ấy”.

Tuyên bố này đã gây ra phản ứng dữ dội và đảng Cộng hòa tiếp tục tấn công ông Wray.

“Thật sốc khi Christopher Wray không biết sự thật là gì, nhưng điều đó có lẽ nói lên nhiều điều về hiệu quả công việc của ông – hoặc sự thiếu sót đó – hơn bất cứ điều gì khác”, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump, Steven Cheung nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson phát biểu với kênh NBC vào ngày 25/7: “Tất cả chúng tôi đã xem đoạn video, đã xem bản phân tích, chúng tôi đã nghe từ nhiều nguồn ở các góc độ khác nhau rằng một viên đạn đã xuyên qua tai ông ấy”.

Ông Johnson nói thêm: “Có rất nhiều sự thất vọng và lo ngại về ban lãnh đạo của các cơ quan này (ý chỉ FBI và Mật vụ Mỹ)”.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tối 25/7 (giờ địa phương), ông Trump cũng đã chỉ trích ông Wray, nói: “Không có gì ngạc nhiên khi FBI đã đánh mất niềm tin của nước Mỹ!”

Cựu Tổng thống cho biết không có mẩu kính hay mảnh đạn nào. “Không, thật không may, một viên đạn đã bắn trúng tai tôi và trúng rất mạnh”, ông nói.

Trong một tuyên bố, FBI đã khẳng định “nhất quán và rõ ràng rằng vụ nổ súng là một âm mưu ám sát cựu Tổng thống Trump, khiến ông bị thương, cũng như gây ra thương vong cho 3 người khác”.

Viên đạn rất dễ bị vỡ khi va chạm

Không có gì lạ khi loại đạn mà tay súng Crooks bắn từ khẩu súng trường bán tự động kiểu AR-15 của mình bị vỡ ra sau khi bắn trúng ngay cả một vật rắn nhỏ. Các chuyên gia về súng cho biết, chẳng hạn, một mảnh vỡ có thể bật ra từ một cột kim loại.

Tuy nhiên, một viên đạn có thể sượt qua tai ông Trump và FBI cũng không loại trừ điều đó. Các nhà điều tra đã tìm thấy 8 vỏ đạn trên mái nhà nơi kẻ nổ súng tọa lạc.

Không rõ liệu các nhà điều tra đã loại bỏ các nguồn mảnh vỡ tiềm năng nào khác hay chưa. Nhưng các nhà phân tích FBI dường như đang tập trung vào các mảnh kim loại, thay vì mảnh kính từ máy nhắc chữ trên sân khấu vì chiếc máy vẫn còn nguyên vẹn sau vụ nổ súng.

Họ cũng đang kiểm tra các hình ảnh tĩnh và bằng chứng điện tử khác để tìm manh mối.

Các chuyên gia về súng cho biết FBI có thể dựa vào phân tích quỹ đạo, kiểm tra thực tế bất kỳ viên đạn nào có liên quan cũng như vết thương của tổng thống để có thể tìm ra chuyện gì đã xảy ra. Cơ quan này cũng có thể gặp thuận lợi nếu tìm thấy DNA của cựu tổng thống trên một mảnh đạn.

Một kịch bản khác mà các nhà điều tra có thể sẽ khám phá: viên đạn chết người nhưng dễ vỡ đó có thể đã bị phân mảnh sau khi sượt qua tai ông Trump.

Ông Harrigan nói: “Vấn đề bạn gặp phải với một viên đạn bay với tốc độ 3.200 feet mỗi giây là nó rất dễ bị vỡ khi chạm vào một bề mặt trước mục tiêu”.

HQ (theo TTXVN)