Giáo dục và đào tạo

Sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập phải tạo thuận lợi cho người dân

BẢO LINH 26/07/2024 14:56

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khi sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2024-2026 phải trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.

Lwu vanban
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

Sáng 26/7, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp để nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo nhằm duy trì, nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đạt tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp hướng dẫn các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục hợp lý, theo dự báo tăng dân số tự nhiên và cơ học, nhất là khu đô thị và gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường học đáp ứng đủ điều kiện, bảo đảm quy định.

Các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học thiếu theo Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 12/01/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Tích cực triển khai thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất các hạng mục từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia những năm tiếp theo. Rà soát tổng thể thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các cấp học. Trên cơ sở đó đánh giá, tham mưu đề xuất phương án đầu tư xây mới, sửa chữa theo từng giai đoạn, thứ tự ưu tiên và mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học cần thiết, phù hợp.

viet1.jpg
Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tuyển viên chức ngành giáo dục

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp rà soát nhu cầu, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, bổ sung số giáo viên còn thiếu theo tỷ lệ học sinh cho các cơ sở giáo dục. Tham mưu cơ chế thu hút giáo viên về các trường, nhất là các trường mầm non, trường ở khu vực nông thôn. Tiếp tục rà soát tổng thể thực trạng, sự cần thiết và nhu cầu đào tạo giáo viên ở tất cả các cấp học để tham mưu cho tỉnh thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, bảo đảm đúng quy định, quyền lợi của người thụ hưởng. Cho phép sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2024-2026 trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh, phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục…

Tại cuộc họp, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, bảo đảm quỹ đất, thu hút các chủ đầu tư tiềm năng triển khai xây dựng trường tư thục chất lượng cao tại các khu vực đô thị, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia, nhất là ở nơi thiếu phòng học, phòng bộ môn và cơ sở vật chất xuống cấp, sĩ số học sinh tăng nhanh. Triển khai các gói mua sắm tập trung để trang bị bàn ghế, máy tính cho các trường trong giai đoạn 2025- 2026, dự kiến giá trị các gói khoảng 250 tỷ đồng. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế phù hợp đặc thù của ngành giáo dục, không cắt giảm biên chế theo tỷ lệ. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục xây dựng Đề án thực hiện việc tinh giản biên chế theo hướng chuyển đổi biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các trường THPT công lập trực thuộc. Tiếp tục chỉ đạo tuyển viên chức ngành giáo dục, bổ sung 3.133 biên chế giáo viên, nhân viên còn thiếu.

Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 656 trường học (chiếm 77,6%) đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 197 trường mầm non (chiếm 68,1%), 205 trường tiểu học (chiếm hơn 83,6), 219 trường THCS (chiếm 87,2%), 35 trường THPT (chiếm 58,3%). Thứ hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của Hải Dương có chuyển biến tích cực qua các năm. Năm học 2019-2020, điểm trung bình là 6,438, xếp thứ 18 toàn quốc, năm học 2023-2024 tăng lên 6,96 điểm, đứng thứ 11. Về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, từ năm học 2019-2020 đến nay luôn duy trì vị trí tốp 10 toàn quốc. Riêng năm học 2023-2024 có 89/108 học sinh dự thi đạt giải, trong đó có 3 giải nhất, 19 giải nhì, 32 giải ba và 35 giải khuyến khích.

Nhiều trường vượt quy mô lớp học theo quy định do số học sinh tăng nhanh, việc sáp nhập các trường ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 67 trường có quy mô số lớp vượt quy định, trong đó 38 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT.

BẢO LINH