"Tình cảm của nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thước đo chính xác nhất"
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tình cảm của nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thước đo chính xác nhất, qua sự kiện này sẽ đánh thức lương tri, trách nhiệm của nhiều người.
Sáng 26/7, nhà sử học Dương Trung Quốc đã hòa vào dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia.
“Đến đây, chứng kiến khung cảnh này, tôi có những cảm xúc thực sự. Ông cha ta nói rồi, cụ Hồ nói rồi và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: Thước đo là lòng dân. Chúng ta thấy bà con đến đây thể hiện rất rõ điều đó. Tình cảm của người dân là thước đo chính xác nhất.
Từng chứng kiến thời kỳ Bác Hồ mất và đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ sự kiện đau buồn của đất nước này đánh thức rất nhiều người", ông Dương Trung Quốc nói.
Theo ông, tình cảm của người dân trong sự kiện này thể hiện rõ nghĩa tử là nghĩa tận. "Tình cảm của người dân đối với cố Tổng Bí thư sẽ đánh thức lương tri, đánh thức trách nhiệm của không ít người: Đã có những tấm gương mà tại sao anh không làm? Người khác làm được sao anh không làm được?”, nhà sử học nhấn mạnh.
Cũng xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Văn Hùng (64 tuổi, ở Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) đau buồn như mất người thân từ hôm nghe tin Tổng Bí thư mất.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Hùng biết 18h chiều qua 25/7 người dân được vào viếng nhưng sợ không kịp nên sáng sớm nay, ông mới tới xếp hàng.
Không kịp ăn sáng ở nhà, ông Hùng vội vàng mang theo một chiếc bánh mì. 5h sáng, ông đã đến phố Lò Đúc. Phía trước là hàng dài người xếp hàng nghiêm ngắn.
Ông Hùng nghẹn ngào nói: “Bác Nguyễn Phú Trọng từ trần là nỗi mất mát lớn đối với cá nhân tôi cũng như người dân Việt Nam. Tôi vô cùng cảm kích, vì bác là tấm gương về sự mẫu mực, liêm khiết, nói đi đôi với làm... cho toàn thể nhân dân noi theo”.
Bà Kiều Thị Thật (ở Kim Bảng, Hà Nam) đã bắt xe khách từ hơn 3h để 5h có mặt ở phố Lò Đúc. Kể từ hôm nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, bà Thật cảm thấy vô cùng thương tiếc người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã cống hiến hết mình cho công việc.
“Ở tuổi của bác, như ở quê chúng tôi là đã nghỉ ngơi, vui thú điền viên với con cháu, vậy mà bác vẫn làm việc đến hơi thở cuối cùng. Tôi xót thương và kính trọng vô cùng. Vì thế, hôm nay tôi muốn được lên đây, vào tận nơi để được thắp cho bác một nén nhang”, bà Thật chia sẻ.
Sau khi viếng xong, bà sẽ chờ đến chiều để được đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.