Chính trị

Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang khác nhau như thế nào?

NT 26/07/2024 06:12

Ban Tổ chức Lễ tang có nhiệm vụ giúp cho Ban Lễ tang Nhà nước trong việc điều hành các cơ quan là thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các cơ quan tham gia tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định.

Lễ thượng cờ rủ Quốc tang. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP, ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức, Lễ Quốc tang được tổ chức khi cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội từ trần.

Để tổ chức Lễ Quốc tang sẽ có Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang.

Việc thành lập Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang được quy định trong điều 7 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP, ngày 17/12/2012 của Chính phủ.

Theo đó, khi có cán bộ cấp cao từ trần, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước, gồm từ 25-30 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.

Ban Lễ tang Nhà nước có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định tại Nghị định 105/2012/NĐ-CP.

Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ tang, gồm từ 15-20 thành viên đại diện cho các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần và đại diện gia đình người từ trần.

Ban Tổ chức Lễ tang có nhiệm vụ giúp cho Ban Lễ tang Nhà nước trong việc điều hành các cơ quan là thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các cơ quan tham gia tổ chức Lễ Quốc tang.

NT