Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7: Mùa tri ân trên vùng “đất lửa” Quảng Trị
Quảng Trị được gọi vùng “đất lửa” bởi mỗi tấc đất, dòng sông, địa danh nơi đây đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom; gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, tàn khốc của chiến tranh.
Tháng 7 - mùa tri ân, không hẹn mà gặp, hàng nghìn người trên khắp mọi miền Tổ quốc lại về vùng “đất lửa” Quảng Trị dâng những vòng hoa tươi thắm, thắp nén tâm hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất non sông.
Những “địa chỉ đỏ”
Quảng Trị được gọi vùng “đất lửa” bởi mỗi tấc đất, dòng sông, địa danh nơi đây đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom; gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh.
Những “địa chỉ đỏ” trong mùa tri ân ở vùng “đất lửa” Quảng Trị luôn đón hàng dài người đủ mọi lứa tuổi đến thăm viếng, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì độc lập, tự do và thống nhất non sông, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi yên nghỉ của gần 60.000 liệt sĩ từ khắp cả nước; trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9, mỗi nghĩa trang có hơn 10.000 liệt sĩ an nghỉ.
Quảng Trị còn có gần 500 di tích lịch sử cách mạng; trong đó, có các di tích gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, đường Hồ Chí Minh, địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 cùng các địa danh Đường 9-Khe Sanh-Làng Vây-Lao Bảo-sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri - căn cứ Dốc Miếu.
Tròn 52 năm về trước, trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (28/6 - 16/9/1972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hàng nghìn chiến sĩ đã vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất nơi đây. Máu xương của các anh hòa vào lòng đất, hòa vào dòng sông Thạch Hãn.
Tên tuổi và chiến công của các anh cũng như dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.
Những ngày tháng 7, hằng đêm từng dòng người lại đổ về bên bờ sông Thạch Hãn để thả đèn hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ còn nằm dưới đáy sông. Những hoa đăng được thả, ánh lửa lan ra khắp mặt sông cứ lập lờ lập lờ rồi nhẹ trôi theo dòng nước. Dòng sông Thạch Hãn như có tiếng của các liệt sỹ đang hát khúc quân hành.
Ông Phạm Văn Xương, 67 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, không khí bên bờ sông Thạch Hãn lịch sử vào những ngày tháng 7 thật linh thiêng. Về đây, ông thực hiện được tâm nguyện thắp nén hương thơm, thả hoa đăng tri ân, tưởng nhớ đến các liệt sỹ đang nằm lại dưới đáy sông.
Cùng với sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn những ngày tháng 7, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm từng đoàn người xếp hàng dài vào viếng, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Ở những “địa chỉ đỏ” này, ngày ngày làn khói hương vẫn quyện bay thơm ngát trên những phần mộ liệt sỹ và đài tưởng niệm. Tiếng chuông thỉnh vang liên hồi như để dòng người đến đây cùng gửi gắm tâm nguyện, cầu cho linh hồn của các liệt sỹ được siêu thoát, đất nước mãi được thái bình, nhân dân luôn được hạnh phúc.
Tháng 7 năm nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Hòa, 60 tuổi từ tỉnh Thái Bình đến viếng người thân và các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Bà Hòa chia sẻ, bà không thể nhớ hết số lần đã đến nghĩa trang này viếng các liệt sỹ nhưng mỗi lần đến đều xúc động, nghẹn ngào và rất đỗi tự hào về sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ.
Thông điệp hòa bình từ vùng “đất lửa”
Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (ngày 21/7/1954) đã lấy Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải (giáp ranh hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời.
Thế nhưng, đế quốc Mỹ bội ước khiến sông Bến Hải trở thành nơi chia cắt hai giới tuyến. Vĩ tuyến 17 trên vùng “đất lửa” Quảng Trị trở thành biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng suốt 21 năm (1954 - 1975) và là hiện thân của khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.
Cũng trên vùng “đất lửa”, chiến công giữ vững Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972 góp phần buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàn phán để ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Những biến cố của lịch sử cùng những chiến công hiển hách trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã đưa vùng “đất lửa” Quảng Trị trở thành nơi mang khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam, từng làm lay động mạnh mẽ, sâu sắc lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình.
Tháng 7 này, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình nhằm truyền tải thông điệp: Hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột, chiến tranh mà mở rộng ra còn là sự tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia dân tộc; là tình yêu giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng.
Hòa bình còn là khúc hoan ca, niềm hạnh phúc, những điều hết sức bình dị trong cuộc sống cần được nâng niu, trân trọng và gìn giữ.
Không gian chính của lễ hội được tổ chức ở những nơi là biểu tượng của khát vọng sống, khát vọng hòa bình, như: Thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn, Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Vĩ tuyến 17).
Với chủ đề “Chung tay kiến tạo hòa bình thế giới”, lễ hội tổ chức với nhiều hoạt động nghệ thuật, triển lãm tranh, hội thảo… để truyền tải thông điệp về khát vọng hòa bình của Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, lễ hội được tổ chức vào tháng 7 để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc; tưởng niệm nạn nhân chiến tranh và truyền đi thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa; đồng thời mong muốn được đóng góp trong việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình cho nhân loại.